Tham dự Hội nghị, đại diện các nước tham dự đồng thuận thành lập nhóm chuyên trách nhằm tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh của thuốc lá mới (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng), để đưa ra khuyến nghị phù hợp vào kỳ COP11 năm sau.
Mặt khác, việc kiểm soát thuốc lá mới tại các nước cũng sẽ không bó buộc theo Công ước khung FCTC tại Điều 2.1 nhằm tối ưu hóa mục tiêu của từng quốc gia, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
3 tỷ USD thu được từ thuốc lá mới được Philippines đầu tư cho dịch vụ công
Tại kỳ COP10 vừa qua, đại diện Phái đoàn Philippines đã công bố một số kết quả sau khi quản lý thuốc lá mới. Kết quả này đến từ việc tổng hợp hài hòa hướng tiếp cận linh hoạt Công ước FCTC, nỗ lực của cộng đồng và sự điều hành của chính quyền Tổng thống Marcos.
Trái với những lo ngại rằng việc cho phép thuốc lá mới sẽ làm tăng tỷ lệ hút thuốc, nhờ vào việc hợp pháp hóa kinh doanh thuốc lá mới, trong năm 2022, Philippines đã thu về 3 tỷ USD tiền thuế. Nguồn thu này được Chính phủ phân bổ cho các hoạt động an sinh xã hội như chăm sóc sức khỏe toàn dân, các sáng kiến phục hồi sau COVID-19, tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Mặt khác, mức tiêu thụ thuốc lá điếu tại nước này giảm từ 23,8% vào năm 2015 xuống 19,5% vào năm 2021, theo Điều tra Toàn cầu về Sử dụng thuốc lá (GATS).
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công trên là Philippines đã triển khai chiến lược quốc gia phối hợp liên ngành về quản lý thuốc lá, căn cứ vào Điều 5.1 và 5.2 của FCTC. Đáng chú ý, Philippines đã phê duyệt Đạo luật Cộng hòa số 11900 (hay còn gọi là Đạo luật Quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có chứa và không chứa nicotine), với những điều luật quản lý mọi hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, đóng gói, phân phối, sử dụng và truyền thông thuốc lá mới. Động thái này là bước đi nhằm bổ sung, kiện toàn các chính sách kiểm soát ngành hàng thuốc lá hiện hành tại Philippines.
Song, đạo luật trên cũng quy định ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá mới. “Luật mới này bảo vệ trẻ vị thành niên bằng cách hạn chế việc kinh doanh, bao gồm thương mại trực tuyến, phân phối và tiếp thị các sản phẩm này, cấm kinh doanh mọi loại thuốc lá trong phạm vi 100 mét gần trường học, sân chơi và các cơ sở mà trẻ vị thành niên thường lui tới”, Phó Thư ký Điều hành Cấp cao Văn phòng Tổng thống Philippines Hubert Dominic Guevara nhấn mạnh.
Chia sẻ tại COP10, ông Guevara nhận định, chính sự hợp tác giữa các bên liên quan khi triển khai FCTC là chìa khóa mấu chốt để tạo ra thành quả trên của Philippines. Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị tại Điều 1(d) của FCTC, dung hòa sự khác biệt giữa các nước, tính ưu tiên và hệ thống pháp lý của nước sở tại.
Theo đó, Điều 1(d) FCTC định nghĩa về phạm vi kiểm soát thuốc lá gồm giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng cách loại trừ hoặc đẩy lùi tỷ lệ hút thuốc lá và giảm thiểu phơi nhiễm với khói thuốc lá điếu.
Hệ thống pháp lý hiện hành tại Việt Nam đã đủ để quản lý thuốc lá mới
Kể từ khi xuất hiện hơn một thập kỷ qua, thuốc lá mới vẫn là mối quan tâm của các Bộ, ngành tại Việt Nam với loạt vấn đề xoay quanh.
Ông Lê Đại Hải. (Ảnh: H.T) |
Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí hồi tháng 2/2023, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá: “So với các nước, luật pháp Việt Nam về kiểm soát thuốc lá đã có đầy đủ. Cơ quan chức năng cần sớm đưa các sản phẩm thuốc lá mới vào quản lý để góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ hiện nay, cũng như có cơ sở để cấm các sản phẩm ma túy ‘núp bóng’”.
Ông Hải dẫn chứng, đối chiếu với khái niệm trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) thì thuốc lá là sản phẩm có chứa nguyên liệu thuốc lá. Luật cũng định nghĩa về nguyên liệu thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác. Theo đó, nếu sản phẩm thuốc lá mới nào được sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá (như thuốc lá làm nóng) thì đã nằm trong khuôn khổ của Luật PCTHTL.
Đài Loan (Trung Quốc) mới đây đã có động thái gỡ bỏ lệnh cấm với thuốc lá làm nóng để đưa vào quản lý dưới luật. Nhiều quốc gia từng cấm sản phẩm này như New Zealand, Uruguay, Malaysia, Ai Cập, Nepal… hiện cũng đã ban hành chính sách quản lý tương tự.
Bên cạnh đó, ở khía cạnh khoa học, PGS. TS. BS. Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Hà Nội đã đưa ra mô hình giả định. Theo đó, nếu quản lý thuốc lá mới (cụ thể là thuốc lá làm nóng), ước tính từ đây đến năm 2030, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại Việt Nam có thể giảm xuống dưới 30% (đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nhóm nam 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% theo Chiến lược quốc gia về PCTHTL). Đây là con số sẽ đạt được khi áp dụng đồng thời biện pháp giảm tác hại bằng thuốc lá mới cùng với chiến lược cai thuốc lá.