Công ty đại chúng và công ty niêm yết phải luôn minh bạch để đảm bảo quyền lợi của cổ đông

Công ty đại chúng và công ty niêm yết phải luôn minh bạch để đảm bảo quyền lợi của cổ đông
(PLVN) - Hoạt động quản trị đối với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ các quy định của pháp luật theo hướng mọi việc quyết định bởi cổ đông đa số mà còn là hướng tới thực hiện những thông lệ tốt nhằm “nâng tầm” giá trị doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư, góp phần giúp nâng hạng thị trường.

Xuất phát điểm thấp, còn nặng tính hình thức

Tham gia đánh giá theo Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN kể từ năm 2011, kết quả chấm điểm các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên TTCK Việt Nam qua nhiều năm vẫn cho thấy chất lượng áp dụng quản trị còn thấp và chưa đạt được các chuẩn mực mà ASEAN hướng tới.

Trong giai đoạn năm 2017 - 2018, mức điểm quản trị trung bình ở Việt Nam đạt 41,3 điểm, tăng đáng kể so với mức khởi đầu của năm 2012 là 28,42 điểm. Tuy nhiên, nếu so với điểm trung bình của toàn khu vực ASEAN là 71,01 điểm, khoảng cách về chất lượng quản trị trong nước và khu vực vẫn còn khá xa.

Còn trong khảo sát đối với 485 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE năm 2018 được công bố vào tháng 2/2019, nhiều công ty dù trong nhóm dẫn đầu vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng những yêu cầu cơ bản trong quản trị doanh nghiệp, thậm chí có cả những doanh nghiệp bị điểm “liệt” trong việc bảo đảm quyền cổ đông và đối xử công bằng giữ các cổ đông.

Đáng lưu ý, tại nhiều doanh nghiệp, việc tập trung quyền lực vào một nhóm người trong khi các “tuyến phòng thủ” để giám sát và phòng ngừa rủi ro phần lớn vẫn mang tính hình thức.

Theo IFC, nhiều công ty đại chúng ở Việt Nam được kiểm soát bởi một cổ đông duy nhất hoặc một nhóm cổ đông, những người chi phối các hoạt động và kiểm soát việc quản lý công ty . Các chủ sở hữu còn lại thường được “đẩy” vào vị thế thứ yếu, thiếu nguồn lực và thông tin để giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ mình trước sự lạm dụng có thể xảy ra từ phía cổ đông lớn.

Tương tự, trong báo cáo công bố vào năm 2016, VCCI cũng cho biết thực trạng ở nhiều doanh nghiệp trong nước rằng việc tổ chức quản lý và điều hành dựa theo cơ chế tập quyền.

Rủi ro là hiện hữu khi quyền lực tập trung vào một người hoặc một số ít người, nguy cơ lạm dụng vị thế được giao để phục vụ cho lợi ích của cổ đông nắm quyền kiểm soát.

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng xác định và đưa ra những quy định pháp lý về quản trị công ty, báo cáo và công bố thông tin, giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, đồng thời đưa ra các biện pháp giám sát thực thi, xử phạt đối với các hành vi vi phạm để điều chỉnh việc tổ chức quản trị tại doanh nghiệp, nhất là các công ty niêm yết. Tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp, việc tuân thủ vẫn chỉ mang tính chất hình thức, sự tuân thủ thông lệ tốt phần nhiều chỉ là “khẩu hiệu”.

Cái giá phải trả tính ngay vào “túi tiền” của cổ đông

Giới chuyên môn vẫn cho rằng, hoạt động quản trị công ty tốt cần phải tạo được sự hài hoà về mặt lợi ích, ở đó, có một cơ chế để nhà đầu tư, cổ đông có thể kiểm soát việc điều hành công ty nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Lúc này, điều các cổ đông thứ yếu tại công ty có thể mong chờ là sự làm việc hiệu quả, thúc đẩy minh bạch trong quản trị công ty từ các “tuyến phòng thủ” như HĐQT (có sự tham gia của Thành viên HĐQT độc lập), Ban Kiểm soát.

Nhiều năm qua, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) luôn là doanh nghiệp đi đầu điển hình cho sự chuyên nghiệp, minh bạch thông tin trong hoạt động quản trị. Năm 2017, VNM là một trong số ít DNNY trong nước tiên phong chuyển đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban Kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán (trực thuộc HĐQT).

Đây là mô hình tiên tiến được các chuyên gia đánh cao nhằm giúp cổ đông có khả năng giám sát tốt hơn HĐQT và Ban giám đốc, tạo tiền đề gia tăng giá trị cho công ty. Nhờ đó, VNM đã trở thành lựa chọn đầu tư ưu tiên hàng đầu đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Ở chiều hướng ngược lại, thị trường cũng không thiếu các ví dụ cho thấy sự quản trị thiếu minh bạch khiến các nhà đầu tư e ngại, mà cái giá phải trả có thể thấy ngay từ sự sụt giảm của thị giá cổ phiếu.

Trong năm tài chính 2017, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn với những giao dịch bán hàng quy mô tới hơn 4.100 tỷ đồng với bên liên quan là Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen - cổ đông lớn nắm giữ hơn 25% vốn của HSG và do ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HSG sở hữu. Những “dị nghị” về động cơ và sự minh bạch đằng sau những giao dịch “nội bộ” khiến thị giá cổ phiếu sụt giảm dần và hiện giao dịch ở mức gần 8.000 đồng/cổ phiếu, cách xa so với thời đỉnh cao.

Những biến cố ở Eximbank gần đây rất điển hình cho một mô hình quản trị phi pháp luật do sự mâu thuẫn nội bộ ở nhóm các cổ đông lớn. HĐQT bãi nhiệm chức danh Chủ tịch với ông Lê Minh Quốc vào cuối tháng 3/2019 sau đó bầu bà Lương Thị Cẩm Tú - nguyên CEO Nam A Bank thay thế giữa tin đồn Nam A Bank sẽ sáp nhập vào Eximbank. Sự việc rùm beng khi ông Lê Minh Quốc có tâm thư gửi báo chí và đơn kêu cứu gửi Ngân hàng Nhà nước tố cáo việc bổ nhiệm bà Tú không có giá trị pháp lý và xin can thiệp khẩn cấp.

Ngay sau đó, Toà án đã huỷ quyết định bầu bà Cẩm Tú làm chủ tịch và miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc. Ngân hàng này cũng nhanh chóng bầu ông Cao Xuân Ninh làm chủ tịch và bầu ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Quyền Tổng giám đốc. Trong khi đó, họp đại hội cổ đông của nhà băng này liên tục bị hoãn đến nay vẫn chưa thực hiện được. Những lộn xộn thượng tầng ở Eximbank vẫn chưa kết thúc khi Toà án cho biết đã nhận được đơn yêu cầu đình chỉ nghị quyết bầu HĐQT mới của Eximbank.

Biến cố ở Eximbank là một bài học về quản trị không minh bạch dẫn đến những hệ luỵ khôn lường, giống như hai chú dê đi trên một chiếc cầu, nếu chỉ biết húc nhau mà không biết nhường chỗ cho nhau để cả hai cùng sang cầu được thì chỉ có nước "rơi xuống sông”. Chừng nào Eximbank còn chưa ổn định được hệ thống quản trị cấp cao thì những sự việc như vợ của “vua tôm” Minh Phú bị phó giám đốc chi nhánh “cuỗm” mất 245 tỷ rồi bỏ trốn như vừa qua sẽ còn xảy ra.

Hay như trường hợp của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) cũng là một ví dụ điển hình.

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính gắn liền với tên tuổi của Vinaconex
Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính gắn liền với tên tuổi của Vinaconex

Sau khi nhóm cổ đông An Quý Hưng sở hữu 57,7% vốn và nắm 5/7 ghế HĐQT, việc áp dụng quy chế tài chính và quy chế về tổ chức, hoạt động của HĐQT cho phép Chủ tịch, Tổng giám đốc duyệt chi cả nghìn tỷ đồng mà không cần thông qua HĐQT cũng như việc chia nhau nắm quyền kiểm soát nhiều vị trí khác tại công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên của nhóm cổ đông An Quý Hưng khiến cho những cổ đông khác không khỏi bất an.

Thêm vào đó, những thông tin về tình hình sức khoẻ tài chính của An Quý Hưng – với thương vụ thâu tóm ngược “cá lớn” Vinaconex, danh tính không rõ ràng của những nhà đầu tư thực sự đứng sau An Quý Hưng   - được thông tin trên báo chí thời gian gần đây, cũng khiến cho các nhà đầu tư thêm lo ngại. Báo cáo tài chính năm 2018 của An Quý Hưng cho thấy, công ty này không trực tiếp vay ngân hàng để thực hiện thương vụ 7.400 tỷ đồng thâu tóm Vinaconex, họ được “thu xếp” bởi bên thứ ba.

Theo bảng cân đối kế toán, An Quý Hưng đột ngột “phình ra” sau thương vụ thôn tính và đang hạch toán 11.250 tỷ đồng vào "các khoản phải trả khác" cả ngắn và dài hạn. Nếu vấn đề minh bạch thông tin và quản trị công ty chưa được giải quyết thì Đại hội đồng cổ đông của Vinaconex được thông báo triệu tập vào 28-6, liệu có diễn ra suôn sẻ như ông chủ tịch mới tuyên bố với báo giới

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…