Công nhân nhập cư mắc kẹt và vật lộn vì dịch virus corona ở vùng Vịnh

Công nhân tại công trường xây dựng ở Dubai, UAE hôm 14/4/2020. Ảnh: Reuters
Công nhân tại công trường xây dựng ở Dubai, UAE hôm 14/4/2020. Ảnh: Reuters
(PLVN) -  Khi dịch virus corona bùng phát ở các nước vùng Vịnh, lao động nhập cư chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người trong số họ đã mất việc và đang vật lộn ở "đất khách quê người", không thể hồi hương, thậm chí có những người đã nhiễm virus.

Các nhân viên từ thiện đang tìm kiếm các tòa nhà trống ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain hoặc tái sử dụng các trường học đóng cửa để giãn bớt những người lao động có thu nhập thấp từ chỗ ở quá đông đúc của họ - những điểm nóng về sự bùng phát dịch virus corona ở vùng Vịnh.

Chính sách ngăn chặn

Thách thức ngăn chặn virus corona ở các nước Vùng Vịnh không chỉ giới hạn ở các khu nhà đông đúc của người lao động có thu nhập thấp, nơi một phòng có tới cả chục công nhân chen chúc trên các giường tầng, mà virus cũng đã lây lan ở các khu thương mại đông dân, nơi nhiều người nước ngoài chi sẻ chỗ ở để tiết kiệm tiền thuê nhà.

Mohamed Aslam - một kỹ sư người Ấn Độ - chia sẻ một căn hộ ba phòng ngủ ở thủ đô Abu Dhabi của UAE với 14 người khác. Tòa nhà của anh đã bị đưa vào kiểm dịch sau khi một số cư dân cho kết quả dương tính với virus. Giờ anh đang sống bằng các bữa cơm từ các tổ chức từ thiện.

Aslam là một trong số hàng triệu công nhân nước ngoài, nhiều người từ châu Á, những người tạo thành trụ cột của các nền kinh tế vùng Vịnh và làm việc trong các ngành xây dựng, khách sạn, bán lẻ, vận tải và dịch vụ. Dịch virus corona đã khiến nhiều người trong số họ bị bần cùng.

Hầu hết các quốc gia vùng Vịnh cho biết họ phải đối mặt với một thách thức là người lao động nhập cư. Tiểu vương quốc Dubai của UAE, Qatar, Oman và Kuwait đã phong tỏa các khu vực có số lượng lớn lao động lương thấp và tiến hành các xét nghiệm.

Tại Ả Rập Saudi, một video được lưu hành rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội cho thấy ít nhất 15 công nhân nước ngoài được đưa ra khỏi một phòng với giường tầng để kiểm tra virus. Một quan chức Saudi đã xác nhận tính xác thực của video.

Chính quyền vùng Vịnh cho biết họ đang khử trùng các khu nhà ở của người lao động. Bahrain cho biết họ sẽ sử dụng các trường học để giãn cách công nhân. Hai nhóm từ thiện ở UAE cho biết họ đang tìm kiếm các tòa nhà trống, nơi các công nhân có thể cách ly.
Bên trong một căn phòng giường tầng của những người lao động nhập cư tại Dubai (chụp tháng 7/2019). Ảnh: https://travellingjezebel.com)
 Bên trong một căn phòng giường tầng của những người lao động nhập cư tại Dubai (chụp tháng 7/2019). Ảnh: https://travellingjezebel.com)

"Nhiều người bị nhiễm bệnh và đang ở cùng với những người khác.Chúng tôi đang cố gắng cách ly họ" - ông Peter Krishna Kumar, Chủ tịch Trung tâm xã hội Kerala (có trụ sở tại UAE), cho biết.

Ba bác sĩ giấu tên ở UAE, cho biết tình trạng quá tải là một trong những yếu tố lớn nhất cho sự gia tăng trong các trường hợp nhiễm virus corona trong số người lao động nước ngoài ở UAE. Hiện UAE có số lượng ca nhiễm virus corona nhiều thứ hai trong khu vực vùng Vịnh sau nước láng giềng Ả Rập Saudi.

Sống nhờ từ thiện vì không thể hồi hương

Tại UAE, các nhà ngoại giao và 4 tổ chức từ thiện cho biết họ đang cung cấp hàng ngàn bữa ăn, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác mỗi ngày cho những người đã trở nên bần cùng vì Covid-19.

Abdulla - người Ấn Độ, cho biết ông đã không làm việc tại công ty bán lẻ Abu Dhabi trong hai tuần và đang sống dựa vào từ thiện. Một trợ lý văn phòng người Uganda đang sống trong khu nhà công nhân ở Jebel Ali của Dubai, cho biết ông đã không được trả lương trong nhiều tuần.

Công nhân tại công trường xây dựng ở Dubai, UAE hôm 14/4/2020. Ảnh: Reuters
 Công nhân tại công trường xây dựng ở Dubai, UAE hôm 14/4/2020. Ảnh: Reuters

Một số quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh đã cho phép thực hiện các chuyến bay ra nước ngoài để hồi hương những lao động nước ngoài bị mất việc hoặc bị cho nghỉ phép, nhưng một số quốc gia nói rằng họ không sẵn sàng để tiếp nhận công dân của mình trong điều kiện dịch bệnh hoành hành.

UAE cho biết họ sẽ xem xét lại mối quan hệ lao động với các quốc gia từ chối hồi hương công dân sau khi các đại sứ Ấn Độ và Pakistan cho biết nước họ chưa sẵn sàng làm điều đó.

"Chúng tôi nhận thức được tất cả những người đã bị cho nghỉ việc và hoàn cảnh của họ nhưng chúng tôi đang chờ đợi cơ chế phù hợp để chúng tôi không làm quá tải hệ thống đưa người về nước. Đồng thời, các hãng hàng không cần được trang bị an toàn trước khi đón công dân ở nước ngoài về nước" - ông Zulfiqar Bukhari, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan nói với Reuters ở Islamabad.

Còn Imran Ahmed - Bộ trưởng Bộ phúc lợi và việc làm ở nước ngoài Bangladesh - cho biết, Bangladesh đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm bớt khó khăn cho công dân đi lao động ở nước ngoài, bao gồm gửi tiền cho các sứ quán ở nước ngoài, "vì vậy những người di cư gặp rắc rối có thể được chăm sóc" - Bộ trưởng khẳng định.

Một quan chức Philippines cho biết công dân ở nước ngoài đủ điều kiện sẽ được nhận khoản trợ cấp của Chính phủ là 200 USD. Dù vậy, Valerie, một nhân viên tiếp tân người Philippines ở Dubai, vẫn "rất lo cho gia đình nếu tôi mất việc". Cô ấy nói và nói rằng cô ấy lo lắng ngay cả khi đi mua đồ thiết yếu ở Dubai. "Càng đông càng đáng sợ. Chúng tôi không biết liệu chúng tôi có nhiễm virus hay không" - Valerie lo lắng nói.

Valerie đang thuê nhà chung với năm người khác và mắc kẹt ở Dubai, đã bị giảm lương và đang dùng tiền tiết kiệm để gửi về hỗ trợ cha mẹ và sáu anh chị em của cô ở nhà.

Sáu quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus, ban đầu liên quan đến du lịch, với việc đình chỉ các chuyến bay chở khách, đóng cửa hầu hết các địa điểm công cộng và áp dụng lệnh giới nghiêm. Nhưng số trường hợp nhiễm virus corona vẫn tăng đều đặn, vượt qua 16.500 người với 111 người chết.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.