Đội quân chủ lực
Ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay?
Có lẽ, chúng ta không cần phải nói thêm gì về vai trò, vị trí của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân - (DN) Việt Nam nữa, đặc biệt là với khối doanh nghiệp tư nhân, bởi Nghị quyết của Đảng đã xác định rất rõ ràng, cụ thể: “Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội”.
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khoá XII) cũng đã nêu rõ: “Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên”.
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (Khoá XII) cũng đã nêu rõ: Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. |
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất lớn (với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng khoảng 200% GDP), thì cộng đồng doanh nhân chính là đội quân chủ lực tiến ra ngoài bờ cõi để kinh thương nhằm hiện thực hoá khát vọng xây dựng Đất nước hùng cường.
Đây là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cũng đã nêu nhiều lần trong nhiệm kỳ vừa qua. Ngoài Nghị quyết của Đảng, thì Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật có liên quan, Chính phủ rất quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là tiếng nói của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp như VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa... ngày càng có trọng lượng, được lắng nghe và chia sẻ.
Những chuyển biến, thay đổi của Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong những năm gần đây như thế nào?
Về số lượng thì mục tiêu 1 triệu DN mà Chính phủ đặt ra vẫn chưa đạt được, đặc biệt năm nay chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 nên số DN phải giải thể, ngừng hoạt động rất lớn, nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, chưa thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Về chất lượng, khả năng quản trị DN không ngừng được nâng cao, Việt Nam cũng đã có những DN tầm cỡ quốc tế, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
Phát triển bền vững là phát triển từ con người và vì con người
Học giả Đào Duy Anh từng định nghĩa kinh tế là “kinh bang tế thế” và lý giải rằng đó là hành động sửa nước cứu đời, hoặc kinh thế, tế dân, là trị đời, giúp dân. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?
“Kinh bang tế thế” là một khát vọng lớn lao của dân tộc được ký thác vào tầng lớp doanh nhân. Tôi nghĩ rằng, muốn hiện thực hoá khát vọng ấy thì chúng ta phải có nguồn lực vật chất, bên cạnh sức mạnh văn hoá tinh thần của dân tộc. Dân sinh hạnh phúc chỉ khi nước nhà độc lập, tự chủ, phát triển kinh tế giàu mạnh. Đó cũng là ước mơ “quốc phú binh cường” của cha ông ta từ xa xưa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp mặt một số thành viên tiêu biểu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam (YPO Việt Nam). |
Chính vì vậy, nói kinh tế là “kinh bang tế” thế là đúng. Như trên tôi đã nói, đội ngũ doanh nhân có vai trò, vị trí rất quan trọng, là đội quân chủ lực của quốc gia trong thời đại hội nhập, làm cho quốc phú, gia tăng vị thế quốc gia. Trong nước, thì đội ngũ doanh nhân tạo ra nhiều công ăn việc làm, bảo đảm đời sống và sự phát triển của người lao động, không ngừng gia tăng quy mô của nền kinh tế và thu nhập quốc dân. Khi hợp tác làm ăn với bên ngoài, thì đội ngũ doanh nhân là những sứ giả của đất nước mình, làm cho bên ngoài hiểu biết hơn, quan tâm hơn đến Việt Nam. Kinh tế phát triển thì văn hoá được đắp bồi, dân trí được nâng cao, dân sinh được hạnh phúc, dân giàu nước mạnh thì chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc hơn chủ quyền của Tổ quốc, được bạn bè quốc tế vị nể.
Gần đây, cụm từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được nhắc đến nhiều, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển bền vững. Vậy, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Nói về trách nhiệm xã hội của DN, thì không chỉ là tạo ra công ăn việc làm, nuôi sống người lao động, đóng thuế cho ngân sách… Trong mỗi thời điểm đất nước khó khăn, chúng ta đều thấy sự xả thân, đóng góp rất có ý nghĩa của các doanh nhân yêu nước. Tấm gương gia đình cụ doanh nhân Trịnh Văn Bô ở Hà Nội đóng góp cho cách mạng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến “tuần lễ vàng” năm 1945 đã trở thành tấm gương không phai mờ trong lịch sử. Để góp phần chống đại dịch Covid-19 vừa qua, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, chúng ta thấy rằng MTTQ VN các cấp đã tiếp nhận hàng ngàn tỉ đồng, cùng với trang thiết bị, thực phẩm…, phần lớn trong số đó là từ sự chia sẻ của cộng đồng DN Việt Nam, từ Tập đoàn tư nhân lớn nhất Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cho đến những DN vừa, DN nhỏ trên mọi miền Tổ quốc, có ít góp ít có nhiều góp nhiều, đã chứng minh cho lòng yêu nước vô bờ bến và trách nhiệm xã hội của các doanh nhân Việt Nam.
Doanh nghiệp nghiệp phát triển bền vững phải có triết lý kinh doanh nhân bản, lấy con người làm động lực và mục tiêu phát triển, không ngừng nâng cao tay nghề và chất lượng cuộc sống của người lao động. |
Phát triển bền vững là phát triển từ con người và vì con người, là từ xã hội và vì xã hội. DN nghiệp muốn phát triển bền vững phải có triết lý kinh doanh nhân bản, lấy con người làm động lực và mục tiêu phát triển, không ngừng nỗ lực để hiện thực ý tưởng mới, chinh phục công nghệ mới, không ngừng nâng cao tay nghề và chất lượng cuộc sống của người lao động, làm ăn chân chính trong khuôn khổ pháp luật, bảo vệ môi trường và không ngừng sáng tạo.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Sóc Trăng đang có những khó khăn, thách thức và cơ hội như thế nào?
Sóc Trăng là một tỉnh nhỏ và nghèo ở khu vực ĐBSCL. Nói về số lượng DN cũng có khoảng 3.000 nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ. Khó khăn hàng đầu là khả năng cạnh tranh thấp, nguồn lực tài chính yếu, quản trị doanh nghiệp rất hạn chế, đang chịu nhiều thách thức trước các tác động của thị trường, của biến đổi khí hậu và đặc biệt trong năm nay là tác động tiêu cực của dịch Covid-19. ĐBSCL là khu vực sản xuất hàng hoá lớn, đặc biệt là nông sản, nhưng các DN Sóc Trăng cũng rất khó khăn liên quan đến truy suất nguồn gốc hàng hoá và các rào cản kỹ thuật của nước ngoài.
Nói về cơ hội thì có nhiều, đặc biệt với hàng chục Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các đối tác, gần nhất là EV.FTA có hiệu lực, nhưng DN của chúng ta vẫn đang lần mò, chưa có khả năng tham gia các chuỗi giá trị, vì quy mô còn quá bé nên khó mở rộng, chiếm lĩnh thị trường (trừ một số DN thuỷ sản và xuất khẩu gạo).
Những khó khăn đó có đến từ những thủ tục hành chính rườm rà, phi lý của một số cơ quan quản lý hay không?
Nói về thủ tục hành chính thì phải khẳng định rằng từ chủ trương của Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội cũng không ngừng hoàn thiện các quy định của pháp luật về kinh tế, đầu tư, nhằm phát triển đội ngũ DN. Chúng ta cũng có cả một đạo luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chủ trương nhất quán nêu trên và những đốc thúc liên tục từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần tháo gỡ không ít những rào cản đối với hoạt động của DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nhân trẻ nhân kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Đỏ. |
Tuy vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn khiến các nhà đầu tư mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, phải mất thêm một số chi phí không chính thức nữa. Trong khi đó, khâu thực thi pháp luật, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng cố tình sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho DN. Sóc Trăng vừa có những hạn chế chung như tôi đã nêu, đồng thời, là một tỉnh nghèo, năng lực cạnh tranh thấp so với nhiều tỉnh, thành khác, một số DN đến đây đầu tư cũng phàn nàn với chúng tôi rằng Sóc Trăng giải quyết thủ tục còn chậm so với một số tỉnh bạn.
Nhận thức được những tồn tại, hạn chế từ địa phương mình, Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng luôn xác định sẽ làm hết sức mình, là nhịp cầu nối giữa nhà đầu tư và chính quyền. Hy vọng trong thời gian tới đây, đặc biệt là chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, những tồn tại, hạn chế nêu trên sẽ sớm được khắc phục, để những tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác, phát huy hiệu quả.
Nắm bắt thời cơ, hiện thực hoá khát vọng
Bấy lâu nay, khối FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, lấn lướt khối doanh nghiệp nội địa. Vậy, theo ông, nguyên nhân đến từ đâu?
Nhiều nhà kinh tế, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã phân tích kỹ vấn đề này. Có người đưa ra hình ảnh rằng khối FDI và khối DN nội địa ở Việt Nam như hai khối riêng biệt, gần như không liên quan đến nhau. Có hai nguyên nhân chính. Trình độ quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực phần lớn các DN Việt Nam với các DN FDI vẫn còn khoảng cách khá xa.
Trình độ quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI vẫn còn khoảng cách khá xa. |
Tôi rất mong muốn tới đây Quốc hội ban hành một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, trong đó xác định rõ các ưu tiên hàng đầu, tập trung nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của DN Việt Nam, nâng cao được chất lượng công nghệ, nguồn nhân lực thì chúng ta mới có thể tham gia tốt vào các chuỗi giá trị toàn cầu được.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có điều gì muốn chia sẻ, gửi gắm gì đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam?
Chúng ta kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay trong bối cảnh rất đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới rơi vào đại khủng hoảng lớn nhất trong nửa thế kỷ gần đây. Nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phải vật lộn với nhất nhiều khó khăn. Chúng ta may mắn hơn nhiều quốc gia khác là khống chế tốt dịch bệnh, từ đó le lói những cơ hội mới cho đầu tư, kinh doanh. Các nhà kinh tế cũng phân tích rằng thị trường toàn cầu sẽ thay đổi rất lớn sau đại dịch này, trong đó chứa đựng những thách thức và thời cơ mới. Tôi chúc các anh, chị, em doanh nhân chúng ta vững tâm, bền chí, nắm bắt được thời cơ để hiện thực hoá khát vọng của mình, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng như mơ ước ngàn đời của cha ông ta.
Cảm ơn những chia sẻ của ông.