Trước báo giới, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 5 luật gồm: Luật Đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Thủ đô; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích tham gia bảo hiểm xã hội
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà giới thiệu về Luật Bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV) |
Giới thiệu về Luật Bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 gồm 11 Chương, 141 Điều, tăng 2 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật là bảm đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Cụ thể, người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; Trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế; Được hưởng trợ cấp hàng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Tạo thể chế vượt trội cho Hà Nội
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi thông tin về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô. (Ảnh: PV) |
Thông tin về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Quan điểm xây dựng Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Luật Thủ đô được xây dựng trên 5 quan điểm với 7 chương, 54 điều, gồm những nội dung quan điểm: quy định chung; tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển vùng; giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô; điều khoản thi hành.
Trả lời về các chính sách đột phá của Luật, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Anh Đức cho hay, Luật Thủ đô được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật năm 2012, có nhiều chính sách mang tính đặc thù, vượt trội để bảo đảm cho Thủ đô phát triển đúng mục tiêu mà Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã đặt ra. Đó là các nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô, trong đó có vấn đề tổ chức, bộ máy (tại Điều 9); về tài chính, ngân sách, đầu tư (Điều 37); cơ chế đầu tư (PPP - Điều 39, hợp đồng BT - Điều 40; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài… Với các chính sách này sẽ tạo động lực lớn cho Thủ đô phát triển, đạt các mục tiêu của Nghị quyết 15 trong xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động đường bộ
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy giới thiệu Luật Đường bộ. (Ảnh: PV) |
Thông tin về Luật Đường bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, sau 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông; thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và giao thông vận tải nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; cơ cấu lại các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phù hợp với thực tế.
Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động đường bộ, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, nâng cao năng lực vận tải đường bộ, việc xây dựng Luật Đường bộ là hết sức cần thiết. Ngày 27/6/2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong nước.
Trước câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc, Thứ trưởng Huy nhấn mạnh phải thực hiện được mục tiêu này bằng mọi giá mặc dù có những khó khăn về điều kiện thi công, về vật liệu…, bởi đây là một đột phá chiến lược đã được xác định tại nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hiện chúng ta đã đưa vào khai thác được 2.021km, đang đầu tư 1.800km và Chính phủ đang chỉ đạo đầu tư trong trung hạn khoảng 1.200km để hoàn thành mốc năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024…
Đối với nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế tại khoản 2 Điều 251 và khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai và nội dung chuyển tiếp tại khoản 10 Điều 255 Luật Đất đai liên quan đến các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 01/8/2024 thì cho phép có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2025.