Chưa bền vững
Tại Hội thảo đánh giá tăng trưởng kinh tế quý II/2021, dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm 21/7, PGS. TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia Kinh tế vĩ mô (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) phân tích, mức tăng trưởng GDP của quý II/2021 (6,61%) cao hơn quý I/2021, dựa trên những yếu tố thuận lợi như: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn cuối quý I giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu đang mở cửa trở lại và các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN FDI, tận dụng tốt hiệp định EVFTA để phục hồi quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Bình luận về con số tăng trưởng 5,64% của 6 tháng đầu năm 2021, chuyên gia này cho rằng, đây là con số “đáng khích lệ”. Tuy nhiên, ông lưu ý, “con số GDP không phản ánh hết khó khăn của nền kinh tế”, vì khu vực phi chính thức không được phản ánh trong GDP.
Chuyên gia này cũng cho rằng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không phản ánh hết rủi ro nền kinh tế gặp phải trong thời gian tới. “Giá nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp tăng 30%; giá nhiên liệu xăng dầu chất đốt tăng trên 100%, giá cước vận tải biển 6 tháng đầu năm 2021 tăng 4-8 lần tùy khu vực. Sự tăng giá nguyên liệu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN và lợi nhuận của DN sẽ ảnh hưởng đến giá sản phẩm đầu ra, quyết định đến đầu tư của DN trong tương lai” - PGS. TS Phạm Thế Anh nói.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, nếu nhìn vào các con số thống kê thấy “khá ổn”. Tuy nhiên, phân tích một loạt hiện tượng của nền kinh tế, đặc biệt là “chứng khoán tăng khá nóng trong khi kinh tế phục hồi chậm”; thu ngân sách cao trong bối cảnh dịch bệnh nhờ nguồn thu từ chứng khoán, bất động sản; ngân sách thặng dư do chi cho đầu tư phát triển mới được 28% kế hoạch..., TS. Lực tỏ ra quan ngại về tăng trưởng không bền vững.
Đặc biệt, dịch vụ bán lẻ đang tăng thấp (6 tháng tăng gần 5% so cùng kỳ các năm trước tăng thực khoảng 8-10%). “Điều này chứng tỏ sức cầu yếu. Trong khi sức cầu là một động lực tăng trưởng quan trọng về phía cầu trong những tháng cuối năm. Và sức cầu còn yếu do các biện pháp giãn cách chống dịch…” - TS. Lực phân tích.
Kịch bản nào?
Với tình hình dịch bệnh hiện tại, các chuyên gia VEPR đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 so với các báo cáo trước. Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào: Tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.
Dựa trên thực tiễn, VEPR đưa ra 3 kịch bản dự báo với giả định, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam triển khai thành công việc tiêm vắc xin vào đầu quý IV/2021, khống chế được tình trạng tái bùng phát, hoạt động kinh tế khôi phục, căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị dịu hơn. Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.
Kịch bản cơ sở: Dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, tiêm chủng triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.
Kịch bản thuận lợi: Dịch bệnh kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, tiêm vắc xin đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.
Kịch bản bất lợi: Dịch bệnh chưa được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV/2021, tiêm chủng vắc xin triển khai chậm do thiếu nguồn cung; dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI khôi phục chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4,0%.
Theo VEPR, Chính phủ và các bộ, ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt những lao động trong khu vực phi chính thức. Chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Ngoài ra, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.
“Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất lúc này là Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng...” - PGS. TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.