Tuy được xem là “hạ tầng của hạ tầng”, song tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam 2012 vừa diễn ra trong 2 ngày 26 – 27/6 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vẫn còn gặp một số trở ngại.
Ảnh minh họa. |
“Lực cản” từ khâu quản lý
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định, công nghệ thông tin là công cụ quan trọng làm tăng năng suất, chất lượng các ngành kinh tế, là công cụ quan trọng thực hiện Chính phủ điện tử, cải cách hành chính... Trong những năm qua, công nghệ thông tin đã đem lại nhiều thành quả, là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Năm 2011, giá trị ngành này đem lại chiếm 17% tổng sản phẩm nội địa...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực KT-XH dù được quan tâm song kết quả còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, công tác quản lý phát triển mới quan tâm tới định lượng tăng trưởng, chưa quan tâm tới các tiêu chí về chất lượng tăng trưởng như năng suất lao động, chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả kinh doanh, hoạt động của các tổ chức, cơ sở. Nói cách khác, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, đất, lao động giản đơn, chưa quan tâm tới ứng dụng khoa học công nghệ thì CNTT chưa được coi trọng như một công cụ để phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Một hạn chế khác là người đứng đầu/lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chưa đưa ra được các nhiệm vụ, đầu bài cụ thể cho hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng để tăng năng suất, chất lượng. Các lãnh đạo thường được đào tạo theo chuyên ngành hẹp chứ không được đào tạo về CNTT. Hiện, việc thiếu những cán bộ vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực ứng dụng CNTT khiến việc ứng dụng CNTT chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Đề xuất ưu đãi cao hơn cho CNTT
Ở góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước về CNTT-TT, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Nguyễn Minh Hồng cho biết, Bộ TT&TT đang hoàn thiện chương trình hành động để quán triệt Nghị quyết số 13 của Đảng và Nghị quyết số 16 của Chính phủ (trong đó khẳng định CNTT-TT là hạ tầng của mọi hạ tầng quốc gia), xác định rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng để CNTT vừa là ngành kinh tế mũi nhọn, vừa thực sự là động lực, hạ tầng, công cụ góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, giúp các ngành, địa phương phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, nâng cao năng suất hiệu quả của các tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của mọi ngành kinh tế và của toàn xã hội.
"Bộ TT&TT dự kiến đề xuất Chính phủ giành ưu tiên đặc biệt cho CNTT trong bối cảnh Chính phủ đang siết giảm chi tiêu ngân sách, tạo cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn nữa cho CNTT", Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng chia sẻ, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT nghiên cứu đề xuất quy định hợp tác đối tác công - tư (PPP) riêng phù hợp với đặc thù của ngành CNTT-TT. “Bộ cũng chuẩn bị đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ, đặt hàng cho các doanh nghiệp CNTT triển khai một số hệ thống thông tin lớn như hệ thống thư điện tử quốc gia, hệ thống lưu chuyển văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước trên toàn quốc theo phương thức Nhà nước sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.
Dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT mà Bộ đang trình Chính phủ cũng theo hướng quy định việc Nhà nước tăng cường sử dụng hoặc thuê ngoài các dịch vụ CNTT do doanh nghiệp CNTT cung cấp" – ông Hồng chia sẻ.
13 khuyến nghị của Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012 : Với Đảng, Chính phủ, Diễn đàn đưa ra 9 khuyến nghị, trong đó, đầu tiên là tạo nhận thức sâu sắc ở các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về quan điểm mới của Đảng, xác định công nghệ thông tin giữ vai trò là hạ tầng của hạ tầng quốc gia, và việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình hiện đại hóa đất nước và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân… Trong giai đoạn đến 2015, Nhà nước cần ưu tiên tập trung ứng dụng CNTT để hiện đại hóa một số ngành, lĩnh vực gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, đô thị nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hiện nay… Trong 04 khuyến nghị với doanh nghiệp CNTT, khuyến nghị đầu tiên là nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cạnh tranh cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tham gia có chất lượng vào công cuộc phát triển và ứng dụng CNTT, hiện đại hóa đất nước. |
Bách Nguyễn