Sáng 23/8/2017 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa lưu động tại phường An Tây, TP Huế, xét xử sơ thẩm vụ án “mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy”. Hai bị cáo trong vụ án là Trần Viết Kỳ (45 tuổi, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Nguyễn Thị Thu Thủy (28 tuổi, quê ở Tiền Giang).
Vừa mãn hạn tù đã tái phạm
Bị cáo Trần Viết Kỳ năm nay đã 45 tuổi nhưng chưa kết hôn, chưa có con bởi thường xuyên phải vào vào ra ra chốn lao tù. Năm Kỳ mới 19 tuổi đã bắt đầu “nếm cơm tù” với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến năm 1995, Kỳ lại phạm tội “trộm cắp tài sản”, bị xử phạt 3,5 năm tù. Sau khi ra tù hơn một năm, Kỳ tiếp tục phạm tội trộm cắp, lại bị phạt 2 năm tù.
Đến năm 2005, Kỳ bắt đầu dính vào ma túy, trở thành con nghiện. Từ hút chích, Kỳ chuyển qua buôn bán ma túy để kiếm tiền rồi bị bắt, phải ngồi 7 năm 6 tháng tù. Năm 2012, vừa ra tù, Kỳ lại tiếp tục phạm tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, “ngồi” tiếp 3 năm 9 tháng tù. Đến năm 2016, vừa mãn hạn tù trở về mấy tháng, Kỳ đã “tìm cách” quay trở lại nhà giam, trượt tiếp trên con đường phạm pháp.
Kỳ khai tại phiên tòa, với mục đích mua bán ma túy để bán kiếm lời, nên khoảng từ giữa tháng 11/ 2016 đến ngày 26/11/2016 (tại thời điểm bị bắt quả tang), Kỳ đã 2 lần đi vào TP HCM và sang Trung Quốc mua ma túy (dạng tổng hợp) của một nam thanh niên và một người phụ nữ tên Tuyết, sau đó đem về TP Huế bán lại cho các đối tượng nghiện. Tổng trọng lượng ma túy mà Cơ quan điều tra đã thu giữ khi bắt quả tang và khám xét nơi ở của Kỳ là 543,8514 gam.
Đứng chung vành móng ngựa với bị cáo Kỳ còn có bị cáo Thủy, cũng chính là người yêu của Kỳ. Thủy từng ly hôn. Trước khi bị bắt, cả hai thuê phòng trọ, sống chung như vợ chồng. Quá trình chung sống, Kỳ biết Thủy có sử dụng ma túy, nên trong ngày sinh nhật Thủy, Kỳ tặng người yêu một ít ma túy tổng hợp dạng đá, một ít ma túy tổng hợp dạng khay và 19 viên ma túy tổng hợp dạng thuốc lắc để Thủy sử dụng. Món qùa “giá trị” mà người yêu tặng đã đẩy cô gái đến thẳng vành móng ngựa với tội danh “tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Ma túy giấu trong dép nhựa
Tòa hỏi bị cáo Kỳ: “Bị cáo mới ra tù, làm cách nào liên lạc được với các đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy?”. Bị cáo Kỳ khai, sau khi mãn hạn tù, Kỳ “cũng muốn quay về làm người lương thiện. Nhưng do làm ăn thua lỗ, bị cáo đâm ra chán đời, nên lại tìm đến ma túy”.
“Bị cáo có nhận thức được ma túy là chất nhà nước cấm không?”.
“Bị cáo biết”.
“Đã biết mà vẫn sử dụng? Bị cáo nghiện thì bị cáo sử dụng thôi, sao còn bán cho người khác, gieo rắc tai họa cho nhiều người khác?”, vị thẩm phán chỉ trích.
Bị cáo giãi bày: “Lúc đầu chỉ mua sử dụng. Nhưng rồi làm ăn thua lỗ, tiền bạc từ eo hẹp đến cạn kiệt nên không có tiền để tiếp tục sử dụng ma túy. Bị cáo mới nảy sinh ý nghĩ buôn bán ma túy, kiếm lời mua ma túy dùng”.
Tòa hỏi bị cáo Kỳ quen biết thế nào với đối tượng Tuyết (quê ở Thanh Hóa, hiện lấy chồng ở Trung Quốc, được cho là không rõ lai lịch, địa chỉ)? Vì sao bị cáo dám giao 120 triệu cho Tuyết để mua ma túy mà không sợ cô này lừa?
Kỳ cho biết, mình với Tuyết buôn bán với nhau từ năm 2005. Gia đình Tuyết lại rất giàu có, nên bị cáo hoàn toàn tin tưởng. Vào ngày 23/11/ 2016, bị cáo điện thoại cho Tuyết hỏi mua ma túy tổng hợp. Tuyết đồng ý và hẹn bị cáo ra cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để giao dịch, mua bán. Bị cáo đi xe khách từ Huế đến cửa khẩu Móng Cái gặp Tuyết. Tuyết dẫn Kỳ sang nhà mình ở Trung Quốc chơi. Tại nhà mình, Tuyết biết bị cáo muốn mua 120 triệu đồng ma túy nên đồng ý.
Hai ngày sau, bị cáo và Tuyết về lại Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái. Tại đây, bị cáo đưa cho Tuyết 120 triệu đồng. Tuyết nhận tiền, rồi bảo bị cáo theo chân một phụ nữ khác đi lấy ma túy. Người phụ nữ kia giao cho bị cáo một túi ni lông màu đen, bên trong có một đôi dép nhựa nữ và nói toàn bộ số ma túy Kỳ mua nằm trong đôi dép. Sau khi nhận ma túy, bị cáo lên xe khách về Huế.
Chiều 26/11/ 2016, khi bị cáo vừa đi xe taxi về chỗ thuê trọ của mình tại phường An Tây thì bị PC47 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện bắt quả tang.
Nỗi lòng của mẹ
Với những hành vi nêu trên của bị cáo Kỳ, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án chung thân dành cho bị cáo. Mẹ Kỳ ngồi bên dưới, nghe hai từ “chung thân” thì òa khóc nức nở. Hai tay cứ chắp trước ngực, xoa xoa liên hồi, nước mắt như mưa: “Con ơi! Ở tù năm, mười năm, mạ còn gắng sống chờ con về được. Chứ ở cả đời trong đó, mạ già rồi, kiếp ni răng được còn được nhìn con trở về”.
Mẹ bị cáo cất tiếng khóc rồi ngất lịm, khiến cả phòng xét xử một phen xôn xao. Nhìn bà cụ cả người mềm oặt được bồng bế ra khỏi phòng, trên gương mặt già nua tái xanh vẫn còn nhòe nhoẹt vệt nước mắt, khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Ngồi bên ngoài hành lang, sau khi cơn đau thắt trong lòng dịu xuống, bà lão dần tỉnh lại, nhưng gương mặt cứ co rút đầy đau đớn. Chồng bà mất sớm, để lại cho bà một nách 3 đứa con. Từ sáng sớm đến tối mịt, bà bươn chải ngoài chợ với ấm nước chè xanh, kiếm từng bữa cơm qua ngày. Cuộc sống khó khăn nên mới học đến lớp 2, con trai bà đã phải nghỉ học.
Con bà từng rất cố gắng trong cuộc sống. Kỳ học nghề cắt tóc, học nghề làm bánh mỳ, mong muốn kiếm một “cần câu cơm” để sống cuộc đời bình thường, lương thiện. Nhưng rồi hoàn cảnh khó khăn, lại thiếu nhận thức, trách nhiệm đã đẩy con trai vào vào con đường lầm lạc.
Sau nhiều năm ngồi tù, con trai bà về lại với cuộc sống. Muốn con có một cuộc đời mới, một cuộc sống khác, bà bán đi căn nhà nhỏ của mấy mẹ con, lấy tiền cho Kỳ làm ăn. Ở tuổi gần đất xa trời, bà còn phải đi ở trọ. Cứ tưởng con đã thay đổi, chẳng ngờ Kỳ làm ăn chẳng được tích sự gì, dăm bữa thì cụt vốn vì thua lỗ. Chán chường, nên con bà lại rơi vào vết xe cũ, tìm quên trong nghiện ngập.
Án chung thân vì không ăn năn hối cải
Bà còn có hai người con gái. Một người lấy chồng, nhưng cuộc sống vô cùng khó khăn. Đứa con gái kia của bà thấy chị sống cực sống khổ, nên đâm sợ, chẳng dám lấy chồng, tạm thời “ở giá”. Cảnh nhà nghèo, đơn chiếc, mà bà thì già rồi, chẳng còn làm lụng được gì. Không muốn trở thành gánh nặng của các con, bà quyết định cạo đầu, khoát lên mình chiếc áo nâu sòng, vào trong chùa nương tạm những ngày tháng cuối đời.
Điều bà lo lắng nhất hiện giờ, là không có cơ hội gặp lại con trai. Nếu may mắn con bà không bị kêu án chung thân, thì mấy chục năm dài ngồi tù, sức bà cũng đã già yếu, cạn kiệt như ngọn đèn cạn dầu, chỉ sợ không đợi được đến ngày con trai quay về. Bà lão vừa nói, vừa khóc tỉ tê. Nước mắt đục ngầu của tuổi già rớt xuống chiếc áo tràng, khiến cả vạt áo phía trước ướt đẫm.
Trong khi bà cụ ngồi bên ngoài than khóc, thì bên trong khán phòng, luật sư (được chỉ định) bào chữa cho bị cáo đề nghị tòa xem xét cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là ăn năn, hối cải. Theo luật sư, bị cáo mồ côi, sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, không được học hành, nên thiếu ý thức trách nhiệm với bản thân đến nỗi trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội. Luật sư đề nghị tòa cho bị cáo được hưởng mức án tù có thời hạn để có cơ hội trở về với xã hội, gia đình, phụng dưỡng mẹ già sức yếu.
Tuy nhiên, viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Kỳ đã phạm tội về ma túy lần thứ 3, chứng tỏ bị cáo hoàn toàn không ăn năn hối cải với hành vi sai trái của mình. “Bao nhiêu trẻ em lang thang cơ nhỡ, bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn như bị cáo, nhưng đâu phải ai cũng đi vào con đường tệ nạn như bị cáo. Loại ma túy bị cáo buôn bán là vô cùng nguy hiểm, người sử dụng sẽ bị phá hủy toàn bộ cơ thể, phá hủy hệ thần kinh.
Nếu bị cáo bán số lượng lớn ma túy kia ra thị trường, thì tàn phá biết bao thanh niên, trai tráng. Do đó, cần phải nghiêm khắc xử lý hành vi của bị cáo. Viện kiểm sát đề nghị tòa không chấp nhận cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ là biết ăn năn hối cải”, kiểm sát viên phản bác.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Kỳ mức án chung thân, xử phạt bị cáo Thủy 3 năm tù giam. Nhìn con trai bị dẫn giải đi, người mẹ lếch thếch chạy theo, rồi ngồi bịch xuống bật thềm bên hiên tòa án, ai oán khóc: “Con ơi, mẹ làm răng chờ được con về”.