13 năm, 2 vòng tố tụng và nỗi oan của một cựu binh
Báo PLVN đã có nhiều bài phản ánh về vụ án ông Đào Ngọc Tỉnh tham ô tài sản với vòng tố tụng luẩn quẩn “hủy án, điều tra lại, điều tra bổ sung” diễn ra trong suốt 13 năm qua. Ở vòng tố tụng thứ nhất, ông Tỉnh bị kết án 17 năm tù, sau đó bản án này bị hủy để điều tra lại vì chưa đủ căn cứ buộc tội. Đến vòng tố tụng thứ 2, dù các chứng cứ kết tội không khác trước nhưng ông Tỉnh lại “được” TAND TP Hà Nội giảm xuống còn 15 năm tù, sau đó bản án này cũng bị hủy điều tra lại từ đầu.
Đến vòng tố tụng thứ 3, TAND TP Hà Nội thay vì áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để tuyên bị cáo không phạm tội thì lại làm thao tác trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hiện vụ án sau 18 tháng trả hồ sơ, điều tra bổ sung vẫn không có bất cứ một chứng cứ mới mẻ nào được đưa ra để có thể kết tội bị can Tỉnh nhưng VKSNDTC vẫn ra quyết định truy tố với những căn cứ hầu như không khác trước.
Ông Đào Ngọc Tỉnh - một Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, thương binh hạng 4/4 bất đắc dĩ phải tiếp tục hành trình kêu oan đã 13 năm ròng…
Cố tình suy đoán… có tội!
Trong vụ án ông Nguyễn Quang Dũng- nguyên Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Phan Thiết (Bình Thuận) kêu oan vì bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận buộc tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” mà Báo PLVN đã có bài phản ánh, quá trình thực thi nhiệm vụ thu gom cây gãy đổ để khắc phục hậu quả cơn bão số 1 (năm 2012), ông Dũng bị cáo buộc hành vi khai thác rừng trái phép, vi phạm các quy định về bảo vệ rừng dù bản thân ông chỉ thực thi nhiệm vụ thu gom cây gãy đổ, không vụ lợi và không gây ra thiệt hại.
Căn cứ cáo buộc ông Dũng phạm tội trên là do quá trình khắc phục hậu quả bão, ông Dũng phát hiện số cây gãy đổ nhiều hơn so với thực tế nhưng không báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận mà vẫn chỉ đạo tiếp tục khai thác rồi báo cáo sau. Theo cáo buộc, khoảnh rừng tại tiểu khu 245A và 245B nơi khai thác cây gãy đổ là rừng sản xuất (thuộc một trong 3 loại rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất đều được trồng bằng tiền ngân sách). Cần nói rõ, chỉ 3 loại rừng trên mới là khách thể bị xâm hại của tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng”.
Về vụ việc này, Công văn số 787 ngày 28/1/2016 của Bộ NN&PTNT đã nêu rõ: “Nếu BQLRPH Phan Thiết đã báo cáo số cây đổ do bão để Sở cho thu gom và chỉ thu gom những cây gãy, đổ do bão gây ra nhằm thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh, tận thu lâm sản cho Nhà nước, không nhằm mục đích lấy lâm sản tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp; có sai sót về thủ tục trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhưng chưa cấu thành hành vi “khai thác rừng trái phép”.
Bản thân Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận bằng Công văn số 200 ngày 26/1/2016 cũng khẳng định: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 245A và 245B đã được đưa ra ngoài 3 loại rừng để chuyển mục đích sang xây dựng khu dân cư và phát triển du lịch. Như vậy, giả sử cho rằng ông Dũng khai thác trái phép những cây gãy đổ tại khu vực này thì hành vi đó cũng không thể phạm vào tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng” vì khu vực này đã đưa ra ngoài 3 loại rừng để chuyển mục đích, không còn là khách thể bị xâm hại của tội này.
Tuy nhiên, CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận vẫn cố bảo vệ quan điểm khởi tố. Mặc dù CQĐT không có thẩm quyền xác lập các loại rừng, nhưng họ đã tự trao cho mình quyền này để bảo vệ quan điểm khởi tố khi cho rằng mặc dù tiểu khu 245A và 245B đã được UBND tỉnh Bình Thuận quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng nhưng chưa có quyết định thu hồi rừng, chưa có quyết định chuyển mục đích rừng thì vẫn là rừng sản xuất(!).
Né trách nhiệm bồi thường oan sai
Thực tiễn tố tụng, thực tế có khá nhiều vụ án, rõ ràng không đủ căn cứ chứng minh tội phạm nhưng cơ quan tố tụng không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, mà lại né tránh trách nhiệm bồi thường sai bằng cách “ban ơn” cho người bị khởi tố oan bằng quyết định miễn trách nhiệm hình sự. Nghĩa là người dân vô tội được chính những người làm họ hàm oan “ban ơn, làm phúc” tha miễn trách nhiệm hình sự cho mình.
Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Duy Bộ (ở Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây đã được cơ quan tố tụng quận Hoàng Mai miễn trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy”. Trước đó, Báo PLVN đã có nhiều bài phản ánh vụ cháy 5 ngôi nhà trên phố Tam Trinh năm 2008, với các phân tích chỉ rõ hành vi của ông Bộ không phạm tội, việc truy tố xét xử công dân là oan sai.
Bên cạnh nguyên tắc suy đoán vô tội, BLTTHS cũng quy định nguyên tắc “Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Vậy nên việc có áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để tuyên bị cáo không phạm tội hay không là do Tòa án quyết định, không ai có quyền làm thay. Vậy nên mới xảy ra tình trạng thay vì tuyên không phạm tội thì cơ quan tố tụng miễn trách nhiệm hình sự, hoặc chọn giải pháp an toàn là “trả hồ sơ hoặc hủy án để điều tra lại”.
Để áp dụng đúng và đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội, không những đòi hỏi người cán bộ tố tụng phải có trình độ nghiệp vụ vững mà còn cần phải có cái tâm. Có như thế mới tránh được tình trạng không vì nể nang hoặc né tránh trách nhiệm mà áp dụng sai pháp luật, làm oan người vô tội.