Cổ phiếu ngân hàng chờ những nhân tố mới

Cổ phiếu ngân hàng chờ những nhân tố mới
(PLVN) - Sau một thời gian dài lặng sóng và suy giảm, dòng cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang chờ đợi những nhân tố mới, sức hấp dẫn mới. Tâm điểm kỳ vọng đặt vào quý 3/2019 khi có ngân hàng đang rục rịch nộp hồ sơ chào sàn.

Sau khi chỉ số VN-Index đạt đỉnh 1014,51 điểm trong phiên 19/3/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tháng điều chỉnh cho đến nay. Bên cạnh điểm số sụt giảm, dòng tiền và thanh khoản có dấu hiệu kém đi. Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về sự phục hồi và sôi động trở lại của thị trường.

Trước câu hỏi này, nhiều con mắt nhìn về dòng cổ phiếu ngân hàng. Bởi lẽ, đây là dòng cổ phiếu có vốn hóa lớn, có khả năng dẫn dắt và thu hút được dòng tiền mạnh.

Ám ảnh trôi nổi và pha loãng

Năm 2017, thị trường chứng khoán khởi sắc. Thuận lợi này chuyển tiếp đến đầu 2018. Một số ngân hàng thương mại nắm cơ hội này thực hiện kế hoạch niêm yết hoặc đăng ký giao dịch như: Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank, mã HDB), Ngân hàng Tiên phong (TPBank, mã TPB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank, mã TCB)…

Những gương mặt mới tạo thêm những lựa chọn mới bên cạnh sự “già nua” của dòng “cổ phiếu vua” một thời như: STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), VCB của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), ACB của Ngân hàng Á châu, MBB của Ngân hàng Quân đội (MBBank)…

Bên cạnh các yếu tố chung của thị trường và triển vọng phát triển ngành, nhóm cổ phiếu này có những đặc điểm lớn trong bối cảnh hiện nay như sau:

Thứ nhất, với quy mô vốn hóa lớn, tính đại chúng cao, hay theo cách nói thông thường của nhà đầu tư là lượng hàng trôi nổi nhiều, giá cổ phiếu ngân hàng thường đối diện với áp lực đòi hỏi dòng tiền mạnh. Đặc điểm này càng thể hiện ở hoạt động chốt lời, kéo dài cả một quá trình, ở nhóm mới niêm yết từ lực lượng gom mua trên thị trường tự do (OTC) giá thấp trước đây.

Thứ hai, nhiều cổ phiếu ngân hàng trên sàn hiện nay thiếu đi lực đẩy của vốn mới từ nhà đầu tư nước ngoài, do đã kín hoặc bị khóa “room” tỷ lệ sở hữu, hoặc mức độ hở “room” không nhiều hấp dẫn.

Thứ ba, sức hấp thụ của thị trường đối diện với áp lực pha loãng.

Chưa hết, trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, cổ đông một số ngân hàng thương mại còn có lý do để “tâm tư” với những kế hoạch chào bán riêng lẻ, hoặc bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên (ESOP) với giá thấp cách biệt.

Chờ những nhân tố mới

Trong năm 2018, thị trường từng chú ý và chờ đợi sự góp mặt của một số cổ phiếu ngân hàng mới tham gia niêm yết, điển hình như Ngân hàng Phương Đông (OCB) hay Ngân hàng Hàng Hải (MSB).

Theo cập nhật mới nhất, MSB đã chuẩn bị hồ sơ niêm yết để nộp lên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), và dự kiến sẽ chào sàn trong quý 3 tới.

Chiếu theo những áp lực chung đối với dòng cổ phiếu ngân hàng nói trên, MSB đang sở hữu những lợi điểm để kỳ vọng trở thành một nhân tố mới, thu hút mới khi niêm yết.

Đây là một trong số ít ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có cơ cấu cổ đông lớn cô đặc và ổn định nhất trong kỳ thăng trầm và xáo trộn chung của hệ thống gần chục năm trở lại đây.

Đáng chú ý, khi chào sàn, MSB đang còn nguyên “room” 30% tỷ lệ sở hữu để tạo triển vọng thu hút lực đẩy và hấp dẫn khối nhà đầu tư nước ngoài.

Sau những năm khó khăn 2016 - 2017, đây cũng là một trong những ngân hàng thương mại nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng, trên cơ cấu nền của một trong những thành viên đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước chọn thí điểm áp dụng chuẩn mực Basel 2 và hiện đã nộp hồ sơ xin thực hiện trước thời hạn.

Cụ thể, năm 2018 vừa qua MSB đã trở lại tăng trưởng mạnh mẽ về tổng thu nhập, đạt 145% so với năm 2017 và thu nhập lãi thuần đạt 181%; thu thuần từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đạt 199% so với năm trước; tổng thu phí thanh toán tăng trưởng mạnh 176%...

Với những kết quả trên, chốt năm 2018, chỉ số EPS (Earning per Share) của MSB đã đạt 7,74, tăng tới gấp 7 lần so với năm 2017; chỉ số hiệu quả sinh lời ROE đã đạt 6,4, cũng tăng gấp 7 lần so với năm 2017. Và đây cũng là một trong số ít nhà băng đang sở hữu tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao, đạt 12,17% vào cuối năm 2018.

Trước thềm niêm yết cổ phiếu, phiên họp đại hội đồng cổ đông MSB sắp tới trở nên đáng chú ý, bởi tại đây sẽ tiếp tục định hình những kỳ vọng của cổ đông, nhà đầu tư bằng những kế hoạch, mục tiêu cụ thể.

Bước đầu, ở định hướng chung, MSB đặt mục tiêu nhanh chóng trở lại vị thế tốp đầu trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, với kế hoạch 5 năm 2019-2023 đưa giá trị vốn hóa đạt 3,5 tỷ USD, nâng chỉ số hiệu quả sinh lời ROE đạt 20%, tăng trưởng doanh thu CAGR đạt 30%/năm.

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…