Dự thảo lần ba Thông tư của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích; quy định cá nhân, tổ chức khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải mở sổ ghi chép đầy đủ. Tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn, tiền giọt dầu... định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, các di tích phải kiểm đếm, ghi tổng số tiền đã tiếp nhận. Tiền nhàn rỗi tạm thời gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn, minh bạch.
Các di tích có thể mở tài khoản để tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử. Khi tiếp nhận giấy tờ có giá trị hoặc kim khí, đá quý, các cơ sở phải mở sổ ghi chép.
Nếu được thông qua, đây là văn bản pháp luật đầu tiên về vấn đề quản lý thu, chi tiền công đức. Quy định này ra đời xuất phát từ việc có nhiều tranh luận, mâu thuẫn và cả sai phạm liên quan đến dòng tiền công đức “không được kiểm toán” tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Mới đây, trong văn bản góp ý dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo định nghĩa về tiền công đức, phân biệt với tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Văn bản nêu, tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích do tổ chức tôn giáo sở hữu, tiền tài trợ lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức “là tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, được Nhà nước bảo hộ”. Vì vậy, ba loại tiền này “không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư”.
Viện dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Giáo hội Phật giáo cho rằng, Nhà nước chỉ yêu cầu tổ chức tôn giáo tự quản lý, sử dụng tài sản đúng mục đích, phù hợp quy định. Nhà nước không quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức tôn giáo.
Giáo hội Phật giáo cũng không tán thành đề xuất tổ chức tôn giáo “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”; khi lễ hội kết thúc “phải tổng kết việc thu, chi”. “Nhà nước chỉ nên khuyến khích chứ không bắt buộc tổ chức tôn giáo mở sổ ghi chép các khoản thu, chi cho lễ hội”, văn bản góp ý nêu.
Về tiền công đức, Giáo hội Phật giáo cho rằng đây không phải là loại tài sản phải đăng ký theo Bộ luật Dân sự năm 2015 nên không có nghĩa vụ công khai.
Cho biết ủng hộ minh bạch trong quản lý thu chi tài chính với cơ sở thờ tự, tuy nhiên Giáo hội Phật giáo cho rằng việc ghi chép và báo cáo chỉ nên theo quy định của nội bộ Giáo hội. Khi cần thiết, Giáo hội sẽ làm việc với cơ quan nhà nước theo yêu cầu và quy định.
Như đã nói ở trên, dù thời gian gần đây, có một số tranh luận, mâu thuẫn và cả sai phạm liên quan đến dòng tiền công đức “không được kiểm toán” tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; nhưng góp ý của Giáo hội Phật giáo cũng là vấn đề mà cơ quan thẩm quyền cần cân nhắc, trước khi ra một quyết định không chỉ phù hợp pháp luật, mà còn hợp tình, phù hợp với quan điểm văn hóa - lịch sử - thông lệ quốc tế.