Được người bạn gợi ý đề tài về đạo đức người làm khoa học, chúng tôi có trong tay hai bản đề tài khoa học mà xem qua là tương đối giống nhau. Mang đi hỏi ý kiến của một số chuyên gia mới phát hiện chuyện tiền Nhà nước bị lạm dụng một cách vô lý.
Từ chuyện giống nhau của 2 đề tài
Đó là đề tài “Nghiên cứu diễn biến lớp phủ bề mặt Thành phố Hải Phòng từ năm 1985 đến nay bằng tư liệu viễn thám đa thời gian để phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường” của Nghiên cứu sinh Lê Thị Kim Thoa và đề tài “Tích hợp công nghệ viễn thám và GIS xây dựng bộ bản đồ hiện trạng tài nguyên thiên nhiên phục vụ công tác định hướng quy hoạch phát triển bền vững tỉnh Thái Bình” của Lê Đức Hạnh (cùng là cán bộ Viện Địa lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Hai đề tài này là hai đề tài độc lập, hợp tác với hai tỉnh, thành khác nhau song rất nhiều câu, đoạn văn được cắt dán lẫn nhau trong các mục từ đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu; liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu có liên quan đến cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng… Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả, bà Kim Thoa - vị chủ nhiệm đề tài hợp tác với Hải Phòng lại chính là thư ký đề tài hợp tác với Thái Bình. Như vậy, liệu những đề tài trên có thực sự được các chủ nhiệm và những cán bộ tham gia thực hiện bỏ công sức ra mà nghiên cứu khoa học?
Tiếp xúc với hai đề tài mà chúng tôi cung cấp, có chuyên gia thẳng thắn dùng từ “nhố nhăng” và khẳng định hàm lượng khoa học của hai đề tài là không cao. Một số chuyên đề như nghiên cứu khuôn dạng tư liệu viễn thám Landsat, Spot; nghiên cứu dữ liệu đầu vào… không mang tính nghiên cứu, không mang tính học thuật nhưng vẫn được quy ra hàng triệu, hàng chục triệu đồng để rút tiền ngân sách!
Địa phương cần tỉnh táo
Cách đây vài năm, Nhà nước đã đầu tư xây dựng Trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám và Trạm thu được chính thức khánh thành ngày 9/7/2009, trở thành trạm thu ảnh vệ tinh đầu tiên của Việt Nam và các nước Đông Nam Á có khả năng thu được ảnh vệ tinh ENVISAT - vốn chỉ dành cho các nước khu vực châu Âu. Hiện, Trung tâm đã phủ kín ảnh Spot 5 với giá thành theo đơn giá tạm thời của Nhà nước quy định, cao nhất là 8 triệu đồng/ảnh đã qua xử lý.
Trong khi đó, đề tài hợp tác với Thái Bình của ông Hạnh, nội dung chi vật tư, hóa chất (thực chất là mua các cảnh ảnh - ảnh chưa qua xử lý) là 239 triệu đồng. Còn đề tài hợp tác với Hải Phòng, bà Thoa giải trình tiền mua cảnh ảnh lên tới 679,5 triệu đồng. Cụ thể, 3 cảnh ảnh vệ tinh Landsat hết 55,5 triệu đồng, 8 cảnh ảnh Spot năm 2005 và năm 2010 “ngốn” tổng cộng 624 triệu đồng. Trước mức chi này, một số chuyên gia trong ngành viễn thám phải “chết sững” vì đơn giá được các đề tài đưa ra hoàn toàn không có cơ sở thực tế.
Ngoài ra, việc đề xuất mua 3 cảnh ảnh Landsat hay 8 cảnh ảnh Spot cực kỳ vô lý. Chẳng hạn, 1 cảnh ảnh Landsat (có độ phủ rộng 200km x 250km) số 126046 đã bao gồm cả Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định thì 3 cảnh sẽ bao phủ hầu hết các tỉnh miền Bắc. Tương tự, 1 cảnh ảnh Spot 5 (có độ phủ rộng 60km x 60km) số 2313085 cũng bao trùm cả Thái Bình, Hải Phòng thì 4 cảnh ảnh sẽ có độ phủ rộng vô cùng. Đây có thể sẽ là nguyên nhân gây lãng phí ngân sách nhà nước một cách không thỏa đáng.
Theo các chuyên gia, cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn nhiều địa phương khi ký kết triển khai việc ứng dụng công nghệ viễn thám song do không biết hoặc không có đầy đủ thông tin, dẫn tới việc mua đi mua lại nhiều lần cùng một cảnh ảnh như hai đề tài trên vì Hải Phòng và Thái Bình có chung một cảnh ảnh. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu địa phương làm đề tài khoa học liên quan đến lĩnh vực này thì nên liên hệ với Trung tâm Viễn thám quốc gia, trực tiếp là Trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám.
Thục Quyên