Cô giáo tiếng Anh chia sẻ lý do đăng ký tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax

Sáng 14/1, 3 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19 có tên Nanocovax. Ảnh: Ngọc Nga
Sáng 14/1, 3 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19 có tên Nanocovax. Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - “Nếu ai cũng chỉ ngồi chờ vắc xin, không vượt qua được lo lắng, sợ hãi để tham gia thử nghiệm thì vắc xin không thể thành công”, nữ tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax chia sẻ.

Nếu ai cũng ngồi chờ thì vắc xin không thể thành công

Ngày 14/1 vừa qua, 3 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 có tên Nanocovax mũi thứ 2 với liều lượng 25mcg. Một trong 3 tình nguyện viên là cô giáo dạy Tiếng Anh tại một trường THCS của Hà Nội.

Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam về lý do đăng ký tham gia thử nghiệm, nữ giáo viên cho biết, chị đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin từ những ngày đầu tiên với số thứ tự gần 200.

Vào ngày 17/12/2020, khi kế hoạch tiêm 3 người đầu tiên gồm 2 nam và 1 nữ được công bố, chị từng nghĩ phải đợi đợt sau, tuy nhiên vào phút chót, một nam tình nguyện viên không đủ điều kiện do 3 lần xét nghiệm một chỉ số không đạt, chị trở thành người thay thế.

Sau tiêm mũi 1, sức khỏe chị hoàn toàn bình thường, không có bất kỳ phản ứng phụ nào. Chị chia sẻ, khi quyết định gửi đơn đăng ký, chị không suy nghĩ nhiều bởi bản thân đã tham gia phong trào đoàn suốt 27 năm qua nên tinh thần muốn cống hiến, muốn sống cho cộng đồng như ăn vào máu.

Đặc biệt, khi xem các bản tin tuyển tình nguyện viên, chị thấy đa phần là sinh viên tham gia. Trong khi vắc xin muốn thành công cần thử nghiệm trên nhiều độ tuổi để tăng tính đa dạng và khách quan. Chị muốn trở thành một phần của nghiên cứu, đại diện cho nhóm tuổi 40-50.

Và một lý do nữa đó là từ suy nghĩ của chính chị, hơn 97 triệu dân đang mong chờ có vắc xin để ổn định cuộc sống, nhưng nếu y học, đội ngũ y bác sĩ, các nhà nghiên cứu có miệt mài đến mấy mà không có tình nguyện viên tham gia thử nghiệm thì không thể có vắc xin. “Nếu ai cũng chỉ ngồi chờ vắc xin, không vượt qua được lo lắng, sợ hãi để tham gia thử nghiệm thì vắc xin không thể thành công”, nữ giáo viên tâm sự.

Dù bản thân có những lý do thôi thúc chị tham gia thử nghiệm, nhưng chị cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối của bạn bè, người thân.

Chị chia sẻ: “Mình có hoạt động trong một câu lạc bộ thiện nguyện, khi chia sẻ quyết định của mình mọi người trong câu lạc bộ cũng khuyên rất nhiều. Có người còn nói ‘Chị ơi, mình sắp làm chương trình Tết cho các bệnh nhân rồi, nếu chị có vấn đề gì, còn hàng ngàn mảnh đời đang chờ chị mang tết ấm yêu thương đến cho mọi người’”.

Nữ tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin là cô giáo dạy Tiếng Anh. Ảnh: Ngọc Nga
Nữ tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin là cô giáo dạy Tiếng Anh. Ảnh: Ngọc Nga

Tuy nhiên, sau khi tự tìm hiểu về vắc xin Nanocovax có điểm gì khác so với những loại vắc xin của các hãng trên thế giới, tin vào quyết định của mình, chị vẫn đăng ký tham gia thử nghiệm.

“Qua tìm hiểu, tôi biết công nghệ sản xuất vắc xin của Việt Nam an toàn hơn. Để tạo ra được một sản phẩm vắc xin đến hôm nay là nỗ lực, cố gắng rất lớn. Mình có niềm tin mãnh liệt vào bản thân, tin rằng vắc xin sẽ thành công trên cơ thể mình và đã xác định nếu có rủi ro mình cũng chấp nhận. Mình muốn tất cả mọi người hãy tin vào niềm tin của mình, ủng hộ mình”, nữ giáo viên phân tích.

“Tôi tham gia sẽ tạo tin tưởng, yên tâm hơn nữa cho các tình nguyện viên tiếp theo…”

Cuối cùng, mọi người cũng ủng hộ chị. Nhưng khi chính thức tiêm thử nghiệm, chị không dám chia sẻ với bố mẹ, giấu cả các con đang học ở nước ngoài. Chị chỉ thông báo cho anh chị ruột của mình.

Trải qua 72 giờ đầu sau tiêm, biết mình vẫn an toàn, chị mới gọi điện thông báo với 2 người con.

“Tôi nói mẹ vừa tham gia thử nghiệm vắc xin, giờ mẹ đã an toàn trở về, mẹ báo với các con. Nhưng cậu con lớn liền phản ứng: ‘Vậy có nghĩa nếu mẹ không an toàn, mẹ sẽ không báo cho bọn con à?’ Nhưng sau khi nghe tôi giải thích, các cháu lại quay ra động viên mẹ. Lúc ấy tôi cảm thấy mình đã thành công mọi mặt cả về tâm lý và gia đình”, chị chia sẻ.

“Nếu ai cũng chỉ ngồi chờ vắc xin, không vượt qua được lo lắng, sợ hãi để tham gia thử nghiệm thì vắc xin không thể thành công”, nữ giáo viên chia sẻ. Ảnh: Ngọc Nga
“Nếu ai cũng chỉ ngồi chờ vắc xin, không vượt qua được lo lắng, sợ hãi để tham gia thử nghiệm thì vắc xin không thể thành công”, nữ giáo viên chia sẻ. Ảnh: Ngọc Nga

Sau 3 ngày theo dõi tại Học viện Quân Y, chị trở lại trường giảng dạy. Trước đó 1 ngày, một số học sinh xem được hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào thăm 3 tình nguyện viên nên nhận ra chị.

“Khi vừa bước vào lớp, các con ào lên rồi vỗ tay đón cô về. Tôi giả vờ không biết gì vì không muốn công bố thông tin nên nói các con chắc nhận nhầm người nhưng các bé nói con nhìn rõ ràng, con nghe thấy tiếng cô dù cô nói rất ít và nhận ra từ phía sau vì cô hay cài kính lên tóc. Thực sự lúc ấy tôi rất xúc động”, chị kể lại.

Xuyên suốt buổi trò chuyện, chị luôn khẳng định, đăng ký tham gia thử nghiệm vắc xin không phải để được cảm ơn, để tạo thành tích hay được ghi nhận vì không ai mang tính mạng của mình để đổi lấy cái danh.

"Tôi chỉ nghĩ một điều, hầu hết các bạn tham gia thử nghiệm là sinh viên ngành y, kiến thức và tâm thế khi bước vào cuộc thử nghiệm sẽ khác với người dân bình thường như tôi. Tôi nghĩ khi tôi tham gia sẽ tạo tin tưởng, yên tâm hơn nữa cho các tình nguyện viên tiếp theo và giúp nhiều người tin vào y học Việt Nam”, chị nói.

Đọc thêm

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.