Vụ án tài xế xe ôm bị sát hại trong đêm đã xảy ra từ tháng 7/2013. Sau khi điều tra vụ án, công an tỉnh Sóc Trăng đã tạm giữ và có quyết định khởi tố 6 đối tượng về hành vi giết người, một nữ nghi can cũng bị khởi tố về hành vi không tố giác tội phạm. Vụ án dường như đã được ngã ngũ thì cuối năm 2013, một cô gái đến cơ quan công an để đầu thú. Cô thừa nhận việc mình cùng người yêu đồng tính đã ra tay sát hại tài xế xe ôm tội nghiệp với ý đồ cướp tài sản.
Cô gái tự thú tội giết người để trả đũa người tình đồng tính phản bội
Vụ án mạng được phát hiện vào lúc khoảng 4h sáng ngày 5/7/2013, tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Qua công tác khám nghiệm tử thi, nạn nhân được xác định đã chết với 7 nhát đâm chí mạng. Kiểm tra giấy tờ cá nhân, nạn nhân được xác định là anh Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), hành nghề xe ôm.
Tại hiện trường, chiếc xe máy và điện thoại di động vẫn còn và nằm cách thi thể nạn nhân vài trăm mét. Cảnh sát nhận định nạn nhân có thể bị sát hại vì mâu thuẫn cá nhân, bị đâm lúc đang chạy xe, cố tìm cách thoát khỏi hiện trường, kêu cứu rồi gục ngã.
Sau khi thu thập thông tin, Công an Sóc Trăng đã lần lượt có quyết định tạm giam 7 đối tượng, gồm: Trần Hol (28 tuổi), Thạch Mươl, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc, (cùng ngụ xã Trung Bình, huyện Trần Đề) và Trần Cua, Thạch Sô Phách (27 tuổi) (cùng ngụ ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2) để điều tra về hành vi giết người.
Ngoài ra một nghi can nữ cũng bị tạm giam để điều tra là Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên quán nhậu ở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) về hành vi không tố giác tội phạm.
Trong lúc vụ án tưởng như đã đến hồi kết thúc thì vào tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (quê Kiên Giang) bất ngờ đến công an TP.HCM để đầu thú. Duyên khai nhận mình cùng một người khác là Nguyễn Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) mới chính là thủ phạm.
Hai cô gái có mối quan hệ đồng tính, chỉ vừa bước sang tuổi 13 - 14. Đêm hôm đó, nạn nhân được chúng “nhờ chở đi công việc”. Khi đến địa điểm thuận tiện cả hai cùng ra tay để sát nạn nhân.
Nhưng do nạn nhân đã chống cự, bỏ chạy rồi la hét khiến hai “nữ quái” không thực hiện được ý định. Sau khi gây án, chúng vứt dao xuống dòng kênh gần đó rồi bỏ trốn.
Sau thời gian ở cùng nhau, Xuyến đem lòng yêu thương người khác khiến Duyên tức giận. Để trả thù, Duyên “quyết định đi đầu thú để hai người mãi được bên nhau, dù đó là trong tù”.
Ngày 20/12/2013, công an tỉnh Sóc Trăng đã tát ao mò tìm hung khí gây án. Sau nhiều giờ tìm kiếm, cảnh sát đã phát hiện một con dao nhỏ dài 20 cm trước sự chứng kiến kiểm sát viên VKS tỉnh Sóc Trăng và đông đảo người dân trong vùng.
Vụ án được điều tra trở lại khiến người dân hết sức lo lắng. Trong nửa năm, những người dân nơi đây cứ đinh ninh rằng hung thủ đã sa lưới pháp luật. Nay bỗng nhiên xuất hiện người đầu thú, vậy số phận của 7 nghi can đã bị tạm giam sẽ ra sao? Họ có phải là những người vô tội bị bắt nhầm? Nghiệp vụ điều tra của cảnh sát có vấn đề?
“Cảnh sát đánh đập đến nỗi tôi ói ra máu”?
Sau khi hai nghi phạm ra đầu thú hành vi phạm tội của mình, công tác điều tra, xác minh vụ án phải bắt đầu lại từ đầu. Tháng 1/2014, nhiều người trong 7 bị can đã được VKSND Sóc Trăng ký quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam, cho gia đình bảo lãnh về nhà.
Đến 25/2, hai bị can còn lại là Trần Hol và Thạch Sô Phách cũng đã được trở về với gia đình. 7 tháng bị tam giam chưa phải là thời gian dài nhưng đối với một đời người, đây là khoảng thời gian ám ảnh suốt phần đời còn lại.
Quyết định hủy bỏ lệnh tạm giam của Thạch Sô Phách |
Có người trong thời gian ở tù đã bỏ mất cơ hội đón đứa con chào đời. Có người đau đớn hơn, khi ra tù thì nhận được tin vợ mình đã bỏ đi và có chồng mới.
Điều đáng lưu ý hơn, những bị can này kể lại rằng, trong thời gian bị tạm giam, họ bị đánh đập ép cung. Vì không chịu nổi những đòn roi đó, họ phải nhận tội bừa.
Xa lộ Pháp luật đã tìm đến nhà của Trần Hol, người thanh niên vừa được về với vợ con được vài ngày. Hol bàng hoàng kể lại: “Một buổi sáng nọ, tôi đang ngồi uống cà phê thì mấy cán bộ công an đến mời về làm việc. Tôi cũng đâu có biết việc gì đâu, cứ đi theo các anh. Nhưng không ngờ rằng tôi bị tình nghi giết người, từ nơi tạm giam ở huyện Trần Đề, tôi bị đánh đập không thương tiếc, đến khi bị giải lên trại giam công an tỉnh lại tiếp tục bị các điều tra viên hành hung.
Cảnh sát đánh đập đến nỗi tôi ói ra máu, những ngày tháng này quả thật như địa ngục. Họ nói nếu tôi nhận tội sẽ không bị đánh nữa, nhưng tôi đâu làm việc gì sai trái đâu. Quả thật tôi vừa ra tù vì tội không tố giác tội phạm, tôi đã chịu mức án 2 năm, nhưng điều đó đâu có nghĩa tôi có liên quan đến việc giết tài xế xe ôm này.
Không chịu nổi những cực hình ở nơi này, tôi phải nhận tội để cho qua chuyện, mặc cho số phận mình đi về đâu. Trong lúc đó, tôi không nghĩ được điều gì nữa”, anh Hol bật khóc.
Thạch Sô Phách cùng chung số phận như Hol. Anh bàng hoàng kể lại: “Lúc vụ án xảy ra rồi, qua hôm sau có 2 công an đến tìm tôi để điều tra. Chỉ 2 ngày sau thì tôi bị còng tay sau lưng giải lên xe bít bùng về công an huyện.”.
Theo lời của Sô Phách, ban đầu anh được đưa lên công an huyện Trần Đề. Tại đây, anh bị 3 cán bộ công an đánh đập buộc phải nhận tội. Sau đó, anh được chuyển lên trại giam công an tỉnh Sóc Trăng. Sô Phách tiếp tục bị 4 cán bộ công an khác thay phiên nhau đánh đập.
“Họ thường gọi tôi dậy vào lúc nửa đêm, ngay tại phòng giam, họ còng tay tôi lại rồi bắt đầu đánh đập. Có một lần, họ còng hai tay tôi lên cao, rồi bắt tôi quỳ gối trên ghế rồi bất ngờ đá ghế đi khiến tôi ngã gục. Những người này tiếp tục đánh vào đầu, vào chân tôi không thương tiếc. Đau quá, tôi khóc thét lên, van xin nhưng vô vọng”, Sô Phách đau đớn nhớ lại.
Vì không chịu nổi những đòn roi này, Sô Phách phải nhận tội để yên thân. Anh cho biết mình chỉ học hết lớp 1 nên chữ nghĩa không biết, nên ký vào biên bản nhận tội mà không biết trong đó viết gì. Được trở về nhà, nhưng niềm vui của anh chưa được trọn vẹn. Anh cho biết, trong thời gian anh ở tù, vợ của anh đã đi theo người khác, bỏ lại đứa con trai 6 tuổi cho bà nội nuôi dưỡng.
Trường hợp của bị can Trần Văn Đỡ còn bi thảm hơn. Khi bị tạm giam tại cơ quan công an, Đỡ khai rằng nạn nhân vừa bị sát hại là người cậu bà con của mình nhưng vẫn bị đánh không thương tiếc. Không chịu nổi đau đớn, Đỡ phải thừa nhận mình có liên quan đến cái chết của nạn nhân.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trả lời về vụ việc chấn động trên, Đại tá Phan Hữu Thúy, Chánh văn phòng Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ việc trên hiện vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và làm rõ, chưa thể có quyết định cuối cùng. Các đối tượng trên được cho tại ngoại nhưng vẫn là bị can của vụ án.
Sau khi hai đối tượng Duyên và Xuyến đến đầu thú, nhận thấy các bị can trên không nhất thiết bị tạm giam nữa nên cho phép tại ngoại phục vụ quá trình điều tra.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, hai bị can Trần Hol và Thạch Sô Phách đều mong muốn cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án. “Chúng tôi chỉ mong khi sự thật được phơi bày, mình sẽ được công khai xin lỗi trước người dân. Lúc tôi bị bắt ai cũng biết thì khi tôi được công nhận vô tội thì mọi người dân nơi đây cũng phải biết”, Sô Phách tự tin cho biết./.