“Hiện mức chi ngân sách cho khoa học công nghệ (KHCN) là 2%, vào loại cao trong các quốc gia đã và đang phát triển, song cơ chế lại đang rất bó buộc các nhà khoa học và việc sử dụng kinh phí này còn nhiều bất cập” là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khi giải trình và trả lời chất vấn Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội cuối tuần qua.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trả lời chất vấn |
50% chi phí cho khoa học bị sử dụng sai mục đích
Cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư cho KHCN; hiệu quả sử dụng sáng chế trong KHCN, thu hút nhân tài phục vụ KHCN; những bất cập trong thực thi chính sách cũng như trách nhiệm của các bộ liên quan… rất được quan tâm qua chất vấn của ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), ĐB Bùi Thị An (TP.Hà Nội) và nhiều ĐB khác.
Theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Quân, “không có nước nào có đầu tư ít cho KHCN mà lại có thành quả như Việt Nam. Chợ KHCN vừa khai trương cách đây mấy ngày cho thấy các sản phẩm có trình độ không kém thế giới như trong nông nghiệp, y tế, dầu khí, công nghệ thông tin”.
So với các quốc gia đã và đang phát triển, mức chi ngân sách của nước ta cho KHCN (2%) cũng đã vào loại cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận, kinh phí sử dụng cho khoa học còn nhiều bất cập, ví dụ năm 2011 có tới 30% sử dụng không đúng mục đích. Đặc biệt, có tình trạng sử dụng sai mục đích trong KHCN chiếm đến 50% chi phí phân bổ cho địa phương, dẫn đến không kiểm soát được, đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư không cao.
Trong khi đó, việc huy động nguồn đầu tư cho KHCN từ các DN cũng hết sức khó khăn. Ước tính, nếu huy động được 10% lợi nhuận của các DN trước thuế đóng góp cho hoạt động này, số tiền thu được sẽ lớn gấp hai lần số đầu tư từ ngân sách hiện nay.
Cơ chế cũng đang rất bó buộc các nhà khoa học: “Tiền làm khoa học lúc nào cũng có, nhưng chỉ khi Bộ KH&CN tập hợp, đưa nội dung, nhiệm vụ các đề tài (khoảng 31/7 hàng năm - PV) thì (tới tháng Giêng năm sau - PV) mới được giao tiền… Khác với các quốc gia khác, có kế hoạch đề tài nào là cấp ngay kinh phí. Do đó, cần có một cơ chế quỹ để duyệt kinh phí ngay cho từng đề tài” - Bộ trưởng chia sẻ.
Vì thế, “dù trí tuệ chúng ta không thua kém các dân tộc khác nhưng chưa có kết quả tương xứng vì các nhà khoa học sống trong điều kiện khó khăn, thiếu điều kiện làm việc nên kết quả không thể được như các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài, hoặc các nhà khoa học nước ngoài. Hầu hết nhà khoa học ở Việt Nam đều đang sống chật vật với nghề”, Bộ trưởng Bộ KHCN nhận xét.
Cũng do nhiều hạn chế, bất cập, có nhiều nghiên cứu, sáng tạo khó cạnh tranh, các thành tựu KHCN khó được áp dụng vào đời sống.
Tin tưởng, trao quyền cho nhà khoa học
Đó là một trong những giải pháp mà theo Bộ trưởng Bộ KHCN là hữu hiệu, cần thiết nhất để hoạt động KHCN có thể phát triển tương xứng với yêu cầu thực tiễn, tiến tới đưa nền KHCN Việt Nam không còn phải chịu cảnh “chiếu dưới” trong thị trường KHCN khu vực và thế giới.
Từ thực tiễn quản lý Nhà nước về hoạt động KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận thấy, “nếu được giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp hoặc dùng kết quả đó góp cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp như một loại tài sản trí tuệ và sau đó hưởng lợi nhuận lâu dài từ lợi nhuận của doanh nghiệp”.
Bằng cách này, kết quả nghiên cứu KHCN được áp dụng vào thực tiễn và có thể “nuôi dưỡng” tâm huyết, công sức của các nhà khoa học cho các công trình nghiên cứu trong tương lai.
Bên cạnh đó, cũng cần một cơ chế về tài chính “thông thoáng” và thủ tục đơn giản về kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu KHCN. Kinh nghiệm của Nhật Bản là đặt trách nhiệm lên vai các nhà khoa học, giao quyền cho họ và cần một cơ chế kiểm soát chặt chẽ “để họ không còn phải gian dối trong cách hợp lý hóa chứng từ, hợp thức hóa dự án khoa học mỗi khi cần bổ sung kinh phí”.
Huy Anh