Những bất thường của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đòi hỏi công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng phải nhanh và chính xác hơn. Những năm qua, Chính phủ rất quan tâm đến ngành khí tượng thủy văn và sẵn sàng đầu tư siêu máy tính để nâng cao công tác dự báo. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực hiện nay của ngành khí tượng thủy văn thì việc đầu tư một siêu máy tính giá tới 160 tỷ đồng là chuyện phiêu lưu.
Việt Nam tụt hậu 25 năm so với Hàn Quốc
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, ngành KTTV Việt Nam đạt trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến của khu vực Châu Á, có đủ năng lực điều tra cơ bản, dự báo KTTV, phục vụ yêu cầu phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường…
Cụ thể đến năm 2015, phát triển mạng lưới quan trắc KTTV đồng bộ có mật độ tăng ít nhất 50% so với hiện nay và tự động hóa 75% số trạm trong mạng lưới quan trắc thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến năm 2020, mạng lưới quan trắc KTTV có mật độ trạm tương đương với các nước phá triển và tự động hóa trên 90% số trạm quan trắc; tăng cường hệ thống đo đạc từ xa, theo dõi liên tục các biến động về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước, đáp ứng đầy đủ dữ liệu cho dự báo KTTV theo phương pháp tiên tiến.
Trạm khí tượng. Ảnh minh họa
Ngoài ra, hệ thống thống tin truyền dẫn số liệu KTTV được hiện đại hoá, nâng cao tốc độ và mở rộng băng thông, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ dự báo và trao đổi số liệu trong và ngoài ngành; tăng dự báo lũ cho các sông lớn… Đến năm 2020, số hóa toàn bộ số liệu KTTV, hoàn thiện ngân hàng dữ liệu KTTV hiện đại.
Vấn đề tự động hóa, hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn mới ở vạch xuất phát. Theo Chiến lược, ngành KTTV của Việt Nam phấn đấu rút ngắn thời gian trong 10 năm nữa phải đuổi kịp các nước tiên tiến trung bình ở khu vực.
Hàn Quốc triển khai hiện đại hóa ngành KTTV vào năm 1984, đến năm 2005 cơ bản hoàn thành chương trình tự động hóa, hiện đại hóa. Và như vậy, Việt Nam hiện tụt hậu so với Hàn Quốc là 25 năm.
Ông Bùi Văn Đức, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Hiện nay Việt Nam chưa có siêu máy tính. Máy tính được sử dụng ở Trung tâm là máy tính bó song song hiệu năng cao có khả năng thu nhận dự báo của các trung tâm dự báo hiện đại, các mô hình dự báo toàn cầu của Mỹ, Nhật.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia tự xây dựng mô hình dự báo cho Việt Nam. Máy tính bó song song hiệu năng cao so với siêu máy tính thế hệ đầu tiên vẫn ở mức độ thấp hơn. Công tác dự báo của Việt Nam không thể so sánh với Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, công tác dự báo KTTV thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, bão lũ. Dù không có siêu máy tính nhưng Trung tâm có một số sản phẩm áp dụng tốt cho công tác dự báo hàng ngày.
"Bộ phận dự báo số trị tương đối chuẩn xác. Chất lượng các bản tin dự báo bão lũ hoàn toàn đạt mức trung bình khu vực trở lên. Bản tin dự báo của chúng tôi có sai số nhỏ hơn sai số của các trung tâm khác", ông Đức nói. "Năm 2013, bản tin dự báo bão sẽ đạt độ chính xác cao hơn".
Có cần đầu tư siêu máy tính 160 tỷ đồng?
Như vậy, hiện nay, công tác dự báo KTTV của Việt Nam đang bị giới hạn về mặt công nghệ, cơ sở hạ tầng, thiết bị lạc hậu. Hàn Quốc hiện đã sử dụng 3 thế hệ siêu máy tính, Việt Nam vẫn chưa bắt đầu thế hệ đầu tiên. Để nâng cao hiệu quả của công tác dự báo, Chính phủ sẵn sàng đầu tư tiền để nâng cấp công nghệ. Nhưng vấn đề đặt ra là Việt Nam có nên đầu tư tiền để mua một siêu máy tính? Sau khi đầu tư máy tính 160 tỷ đồng thì chất lượng dự báo thế nào?
Về giá cả, một máy tính bó song song hiệu năng cao giá hiện nay chỉ có trên 1 tỷ đồng. Siêu máy tính đời 2009 có giá là 80 tỷ đồng. Sang năm nay đã lạc hậu không còn sản xuất. Siêu máy tính đời 2010 là 160 tỷ đồng. Để mua được siêu máy tính, cơ quan dự báo phải làm dự án trình Chính phủ phê duyệt. Sau bao nhiêu thủ tục hành chính, phải đặt hàng mới mua được máy. Thời gian mất cả năm trời. Lúc vác được máy về Trung tâm thì máy đã lạc hậu. cả năm sau nữa mới mua được.
Có siêu máy tính phải đầu tư đồng bộ hệ thống dự báo. Hiện nay ở Hàn Quốc cứ 10 km có một trạm khí tượng. Các trạm điều tra cơ bản tự động hóa, truyền tin tự động. Trong khi đó ở Việt Nam, 60 km mới có một trạm và Việt Nam hiện vẫn truyền tin thủ công.
Tuy nhiên, không phải có siêu máy tính và thiết bị tối tân là dự báo chính xác. Vấn đề nhân lực mới là số 1. Theo ông Bùi Văn Đức: Nguồn nhân lực cho ngành KTTV hiện nay khó khăn. Trước năm 1991, mỗi năm, ngành khí tượng thủy văn nhận được 100 - 200 người có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ được đào tạo từ các nước XHCN về để bổ sung nhân lực nhưng sau năm 1991, Việt Nam hụt hẫng luôn đội ngũ này, chỉ biết trông vào các trường đào tạo trong nước.
Để làm được việc, cán bộ khí tượng thủy văn cần phải có trình độ rất cao, thông hiểu cả một hệ phương trình rất phức tạp; trong khi đầu vào sinh viên các trường ĐH về chuyên ngành này lại rất hạn chế, ngành khí tượng thủy văn cũng không thu hút được học sinh giỏi dự thi vì công việc sau này có thu nhập thấp, nơi làm việc lại xa xôi, hẻo lánh. Siêu máy tính giải phương trình toán lý 40 lớp phức tạp. Người hiểu và sử dụng thành thạo mô hình này ít. Nếu không sử dụng được, máy móc dù hiện đại đến đâu cũng không thể phát huy hiệu quả.