Ông Robert Gabriel Mugabe sinh năm 1924, là con thứ 3 trong số 6 người con của một cặp vợ chồng hành nghề mộc.
Từ giáo viên thành người chiến đấu vì tự do
Dù gia cảnh không quá khá giả nhưng khi còn nhỏ, Mugabe được học hành đầy đủ và tỏ ra là một cậu bé vô cùng hiếu học.
Theo những người bạn và em trai của ông kể lại thì trong suốt quãng thời gian niên thiếu, ông không bao giờ tham gia các hoạt động xã hội hay các hoạt động thể chất, trừ những giờ học bắt buộc, và cũng không thích chơi với những đứa trẻ khác.
“Những người bạn duy nhất của ông ấy là sách” - người em trai tên Donato từng kể. Nếu không đọc sách ở thư viện, Mugabe cũng chỉ quanh quẩn với các mục sư và mẹ của mình.
Năm 1945, Mugabe tốt nghiệp ngành sư phạm của trường Cao đẳng St. Francis Xavier. Trong suốt 15 năm sau đó, ông tham gia giảng dạy tại Rhodesia (tên trước đây của Zimbabwe) và Ghana. Trong cùng thời gian này, ông tiếp tục theo học ở nhiều trường khác nhau để lấy được thêm tổng cộng 6 bằng đại học nữa, trong đó có bằng cử nhân quản trị, cử nhân khoa học, thạc sỹ khoa học …
Năm 1960, khi Zimbabwe vẫn đang là thuộc địa của Anh và có tên gọi là Rhodesia, Mugabe tham gia Đảng dân chủ quốc gia (NDP) đấu tranh vì độc lập của đất nước và trở thành thư ký của đảng này.
Năm 1961, NDP bị cấm hoạt động nên đã đổi thành Liên minh nhân dân châu Phi Zimbabwe (ZAPU). Hai năm sau đó, ông Mugabe rời ZAPU để gia nhập đảng Liên minh quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU, về sau là ZANU - PF).
Năm 1964, ZANU bị chính quyền thực dân Rhodesia cấm hoạt động và Mugabe bị tống giam. Một năm sau đó, Thủ tướng Ian Smith ra Tuyên bố đơn phương độc lập, thành lập nhà nước do người da trắng lãnh đạo Rhodesia.
Trong thời gian ngồi tù, ông Mugabe tích cực dạy tiếng Anh cho các bạn tù và giành được thêm bằng cử nhân luật và thạc sỹ luật học của trường Đại học London thông qua việc học tập qua thư. Sau khi được phóng thích vào năm 1974, ông phải sống lưu vong ở Zambia và Mozambique.
Năm 1975, cuộc nội chiến dai dẳng và luẩn quẩn giữa những người ủng hộ và phản đối chính phủ của ông Smith ở Rhodesia nổ ra và ngày càng trở nên căng thẳng. Cũng trong thời gian này, ông Mugabe được bầu làm chủ tịch ZANU, lãnh đạo đảng này tiến hành đấu tranh hòng chấm dứt chiến tranh ở trong nước.
Thành lập nhà nước Zimbabwe
Thỏa thuận năm 1978 giữa chính quyền của ông Smith và các thủ lĩnh của các nhóm da đen đã mở đường cho việc bầu ông Bishop Abel Muzorewa là thủ tướng của đất nước có tên Zimbabwe Rhodesia. Tuy nhiên, việc bầu cử này đã không được cộng đồng quốc tế công nhận vì các đảng ZANU và ZAPU không tham gia bầu cử.
Đến năm 1979, Hiệp ước Lancaster House do Anh làm trung gian đã đạt được sự thống nhất giữa các đảng chính trị ở Zimbabwe, chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này, đồng thời mở đường cho một cuộc bầu cử công khai ở đây.
Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 4/3/1980, ông Mugabe đã giành được chiến thắng vang dội, trở thành thủ tướng đầu tiên của nước này. Ngay sau khi lên nắm quyền, ông đã đổi tên nước này Zimbabwe như ngày nay.
Ít lâu sau khi lên nắm quyền, ông Mugabe thực hiện nhiều chính sách để cải thiện cuộc sống của những người dân phần lớn đang sống trong cảnh nghèo khổ ở Zimbabwe như tăng lương, cải thiện các dịch vụ an ninh xã hội và trợ giá lương thực cho người dân.
Đồng tiền “khủng” của Zimbabwe. |
Ông cũng đã thực hiện chính sách giáo dục miễn phí trên khắp cả nước. Những cải cách giáo dục do ông tiến hành cho đến nay vẫn là một trong những di sản mạnh mẽ nhất của ông, đưa đến việc Zimbabwe trở thành một trong những nước có tỉ lệ người dân biết chữ cao nhất ở châu Phi, với 85% người dân biết đọc, biết viết.
Trong 2 năm 1980 và 1981, nền kinh tế của Zimbabwe đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 10,6% và 12,5%. Từ 1980 đến 1990, tỉ lệ trẻ tử vong trước khi sinh và dưới 5 tuổi ở nước này đã giảm mạnh, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng giảm trong khi tuổi thọ trung bình của nước này cũng tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, những thành tựu này chỉ duy trì được trong thời gian rất ngắn. Chỉ ít lâu sau đó, nền kinh tế bắt đầu tuột dốc không phanh mà nguyên nhân chính được cho là do sự yếu kém trong việc điều hành chính sách kinh tế của ông Mugabe khi ông lấy đất của người da trắng giao cho những người da đen không có kinh nghiệm và kiến thức về kinh tế quản lý.
Năm 2008, Zimbabwe là một trong những nước có nền kinh tế suy giảm nhanh nhất thế giới, tỉ lệ lạm phát hàng tháng là 3,5 triệu phần trăm và hơn 1 nửa dân số thất nghiệp.
Đây cũng chính là năm mà Zimbabwe trở thành tâm điểm của thế giới với những câu chuyện như một quả trứng có giá đến 50 tỉ đô la Zimbabwe hay một ổ bánh mỳ có giá tương đương số tiền mua 12 chiếc xe hơi mới ở cách đó 10 năm.
Cứ mỗi 25 giờ, giá cả ở nước này lại tăng gấp đôi. Cùng năm, Zimbabwe đã in tờ tiền giấy có mệnh giá lớn nhất là 100 nghìn tỉ đô la nhưng cũng chỉ đủ để mua vé xe bus cho 1 tuần.
Do lạm phát cao nên đến năm 2009, Zimbabwe đã dần chuyển sang sử dụng đồng đô la Mỹ và đến năm 2015 thì tiến hành đổi tiền với tỉ lệ 175 triệu tỉ đô la Zimbabwe bằng 5 USD!
Tổng thống già nhất thế giới
Năm 1987, ông Mugabe mời ZAPU sáp nhập với đảng cầm quyền, còn bản thân ông trở thành tổng thống. Trong suốt những năm 1990, ông tái đắc cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa và đến năm 2000 thì tổ chức trưng cầu ý dân về việc sửa hiến pháp, theo đó tăng thêm quyền cho tổng thống.
Trong các cuộc bầu cử diễn ra sau đó, ông này bị cáo buộc đã giở nhiều thủ đoạn để triệt hạ đối thủ. Năm 2013, ông tiếp tục tái đắc cử tổng thống. Cho đến nay, ở tuổi 92, ông Mugabe vẫn đang tại vị, trở thành nguyên thủ cao tuổi nhất thế giới và là một trong những nhà lãnh đạo nắm quyền lâu nhất.
Cũng vì đã quá nhiều tuổi nên ông Mugabe được cho là đã không còn minh mẫn. Tháng 9 năm ngoái, ông trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi bị phát giác đã đọc nhầm bài phát biểu cũ từng được ông đọc trước đó 1 tháng tại phiên khai mạc Quốc hội Zimbabwe diễn ra vào ngày 15/9.
Theo mô tả của một số kênh truyền hình, tại sự kiện trên, vị tổng thống khi đó 91 tuổi đã say sưa đọc từ đầu đến cuối bài phát biểu mà không hề phát hiện việc nhầm lẫn. Về phía các nghị sỹ, đa số đều chỉ ngồi im nhưng một số người vẫn vỗ tay không ngớt, truyền hình Zimbabwe đã phải cắt bỏ chương trình truyền hình trực tiếp vì sự cố này.
Vụ việc đã khiến cho ông Mugabe bị phe đối lập chỉ trích nặng nề, cáo buộc ông đã quá già để nắm quyền và lãnh đạo đất nước một cách hiệu quả. Mặc dù vậy nhưng ông vẫn chẳng mảy may nao núng, tháng 2 vừa qua, ông nhấn mạnh không có ý định từ chức, sẽ tiếp tục ra tranh cử vào năm 2018 và tiếp tục nắm quyền cho đến khi nào… Chúa đưa ông đi!
Về đời tư, vị tổng thống này cũng vấp phải chỉ trích khi sống một cuộc sống xa hoa, chi đến 40 triệu USD cho sinh nhật thứ 90 của mình trong khi đa số người dân phải sống trong cảnh lầm than.
Phu nhân của Tổng thống Grace Marufu – vốn là thư ký riêng của ông Mugabe, kém ông đến 41 tuổi, bắt đầu qua lại với tổng thống từ năm 1996, khi vợ trước của ông Mugabe là bà Sally Hayfron đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối – cũng khiến nhiều người dân Zimbabwe bức xúc với thói tiêu xài hoang phí, sử dụng nhiều hàng hiệu đến mức được cho là tín đồ của các hãng thời trang danh tiếng như Gucci…