Chuyện “hậu kỳ” ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ

Chuyện “hậu kỳ” ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ
(PLVN) -Hôm nay, ngày 13/7/2020, ngày mà cách đây đúng 20 năm Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết tại Washington, thủ đô Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, PLVN nhận được bài viết của ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đòan đàm phán BTA, về những câu chuyện hậu kỳ xung quanh việc ký BTA.

Trong bài viết, ông Lương chia sẻ, việc BTA được ký kết “như một gánh nặng ngàn cân được đẩy khỏi vai còm của tôi, sau 5 năm trời đánh vật…”

“Ước mơ, mong muốn có một văn bản pháp lý để nhờ sức ép thời đại đập nát thứ kinh tế bao cấp lỗi thời, trì trệ, mở đường cho đất nước phát triển cùng thời đại, đã thực hiện được. Ngày tôi được vào Nhà Trắng, được gặp và chụp ảnh với Tổng thống Bill Clinton, và sau đó được Tổng thống cảm ơn  trong buối họp báo được đài CNN truyền hình trực tiếp, cả thế giới theo dõi, trong đó có cả vợ con tôi ở nhà, với tôi, một ông thợ cày xứ Nghệ, từ mảnh đất nghèo "chó ăn đá, gà ăn sỏi", thế là được rồi, không mơ gì hơn nữa…” - ông tâm sự và cho biết viết lại những câu chuyện hậu kỳ đó “cốt để cho vui, những chuyện vui buồn ngày ấy…”

PLVN trân trọng giới thiệu!

Ai đã quyết định và tại sao quyết định lấy ngày 13/7 để ký?

Sau khi ký Biên bản thỏa thuận và nguyên tắc, tại Hà Nội ngày 25/7/1999, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cơ bản đã hoàn tất. Chỉ còn 11 điểm, chủ yếu về kỹ thuật, vài phần trăm mở cửa các loại dịch vụ phải bàn thêm (đáng ra là ký được tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Auckland, New Zealand, tháng 9/1999 nhưng rồi tuột cơ hội).

Đoàn đàm phán Việt Nam đổ bộ xuống Washington DC ngày 3/7/2000 để chuẩn bị trước. Bộ trưởng Vũ Khoan đi chậm vài hôm. Bộ trưởng ở cùng Sứ quán. Đoàn đàm phán ở Motel - nhà trọ, theo định mức chi của Bộ Tài chính.

Sau buổi gặp nhau chào xã giao, giới thiệu thành phần, hai đoàn Việt Nam và Mỹ cũng chỉ mất khoảng hơn nửa tiếng đã thống nhất các vấn đề, trong đó để lại 3 vấn đề xử lý ở cấp Bộ trưởng (thêm vài phần trăm mở cửa dịch vụ tài chính, viễn thông).

Mọi việc cũng nhẹ nhàng và thuận lợi, tôi và ông Joe Damond, Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ, bàn và thống nhất tổ chức để hai Bộ trưởng chính thức ký kết vào ngày 11/7/2000. 

Ngày 11/7/2000 cũng là ngày 11/6 Âm lịch, ngày giỗ cha tôi. Biết trước là ngày giỗ cha còn phải ở lại Washington chưa về được, tôi đã mang theo thẻ hương thơm, định bụng, ngày đó mua thêm bó hoa để cúng cha. Nếu Hiệp định ký vào ngày 11/7 thì tôi quá hạnh phúc.

Nhưng rồi, sáng 11/7 ông Damond báo lại cho tôi là chưa ký được, vì Nhà Trắng thông báo ngày giờ ký Hiệp định là do Tổng thống quyết. 

Tối hôm đó, tôi đã thắp hương cúng cha, với lòng thành kính và thưa với cha rằng: Việc khó nhất đời con, con đã làm được, nợ với đời con đã trả, con đã xứng đáng với cha.

Cha tôi, một người thông minh, văn hay, chữ đẹp, hào hoa phong nhã, ai cũng quý, ai cũng thương. Công việc của đoàn thể cách mạng luôn sôi nổi, trách nhiệm. Cuộc đời tôi luôn rõi theo bóng cha. Chỉ tiếc rằng ông mất quá sớm, lại thời buổi khó khăn, mẹ tôi và anh em tôi quá vất vả.

Tiếp sau đó, ông Damond còn nói với tôi rằng: Tổng thống quyết định ngày giờ ký vì Tổng thống muốn dành cho mình cái quyền là người đầu tiên thông báo với thế giới về việc ký kết một Hiệp định quan trọng đầu tiên giữa hai cựu thù trên tinh thần hòa giải. 

Sau tôi hiểu thêm tại sao phải ký lúc 13h, vì 14h Tổng thống họp báo, trong diễn văn có câu: "Cách đây mấy phút, Đại sứ Barshepsky và Bộ trưởng Vũ Khoan đã ký một Hiệp định giữa Hoa Kỳ và Việt Nam…).

Tổng thống Mỹ Bill Clinton họp báo công bố việc BTA đã được ký kết hồi 16h ngày 13/7/2000.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton họp báo công bố việc BTA đã được ký kết hồi 16h ngày 13/7/2000. 

Ngày ký giả, ngày ký thật và bức ảnh ký giả, bức ảnh ký thật

Như đã quyết định, đúng 13h ngày 13/7, Hai đoàn gặp nhau để ký. Nhưng đến lúc đó chưa có văn bản tiếng Việt của Hiệp định. Số là, trước lúc ra đi Bộ Ngoại giao đã rất cẩn thận chuẩn bị cho Đoàn đủ: Bìa Hiệp định, mấy trăm tờ giấy cứng có viền, giấy dùng cho các Hiệp định của Việt Nam.

Từ sáng sớm, ngày 13/7, Luật sư Nguyễn Hồng Dương, người phụ trách văn bản Hiệp định, đi tìm chỗ in, thì ra ở Mỹ không có máy in ra giấy cứng. Loay hoay mãi, cuối cùng quyết định in Hiệp định từ trong đĩa ra giấy trắng Mỹ, rồi chụp lại, in chụp những gần 300 tờ cho hai bộ Việt Nam và Mỹ. Một buổi sáng không xong. Luật sư Dương thì đi in Hiệp định. Tôi ở nhà xử lý các việc phát sinh.

Lúc đó, hai Bộ trưởng, hai Đại sứ, và các thành viên trong đoàn, các nhà báo, chờ, chờ mãi…

Sắp đến giờ đi vào Nhà trắng gặp Tổng thống, Bộ trưởng Vũ Khoan và Đại sứ Barshepsky ngồi vào bàn, cầm bút, đứng sau là hai Đại sứ, chụp ảnh "lễ ký". Đó là ký giả và bức ảnh đó là bức ảnh ký giả, nhưng ngày đó 13/7 được ghi vào Hiệp định là ngày ký.

Bộ trưởng Vũ Khoan và Đại sứ Barshepsky ngồi vào bàn, cầm bút, đứng sau là hai Đại sứ, chụp ảnh "lễ ký".
 Bộ trưởng Vũ Khoan và Đại sứ Barshepsky ngồi vào bàn, cầm bút, đứng sau là hai Đại sứ, chụp ảnh "lễ ký".

Hai Bên hẹn nhau, 10h hôm sau, ngày 14/7 gặp nhau ký, Ông Joe Damond và tôi ký nháy vào từng trang văn bản, mỗi người phải ký gần 600 chữ ký. Rồi trình hai Bộ trưởng ký chính thức, và chụp ảnh, đó là ngày ký thực và bức ảnh buổi ký thật, có mặt hai Bộ trưởng, hai Đại sứ và hai Trưởng đoàn đàm phán.

Một ngày sau đó 14/7/2000, ông Nguyễn Đình Lương đại diện cho Đoàn đàm phán Việt Nam đặt bút ký tắt Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tại Nhà Trắng.
Một ngày sau đó 14/7/2000, ông Nguyễn Đình Lương đại diện cho Đoàn đàm phán Việt Nam đặt bút ký tắt Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tại Nhà Trắng. 

Vào Nhà trắng và ra khỏi Nhà trắng

Lại nói chuyện đi đến Nhà trắng. Đến giờ phải đi vào Nhà trắng tiếp kiến Tổng thống Bill Clinton tôi còn kẹt lo văn bản Hiệp định, có người nôn nóng, cứ giục đi sợ muộn giờ, nhưng Bộ trưởng Vũ Khoan thì kiên quyết phải tìm cho được ông Lương, và chỉ khi nào có ông Lương ngồi lên xe Bộ trưởng Khoan mới cho nổ máy.

May quá tôi về kịp, và biết tin đó tôi rất cảm kích về cách xử lý tế nhị của ông Bộ trưởng. Ông đúng là một nhà ngoại giao xuất sắc, tuyệt vời.

Qua các trạm kiểm soát an ninh, chúng tôi được dẫn vào phòng khách Roosevelt. Ở đó đã có đủ các quan chức quan trọng phía Hoa Kỳ. Đại sứ Barshefsky, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ John Kerry, Hạ nghị sĩ Reyes, Thứ trưởng ngoại giao phụ trách kinh tế Larson, Đại sứ Peterson, Trưởng đoàn Joe Damond.

Trong khi mọi người đang chờ, ngoài vườn Nhà Trắng, chiếc trực thăng chở Tổng thống Bill Clinton hạ cánh, ông vừa về từ trại David nơi ông đang tổ chức cuộc đàm phán giữa Israel và Palestin. Ông vui vẻ bắt tay từng người và chụp ảnh với Bộ trưởng Vũ Khoan và một số người.

Tổng thống Bill Clinton tiếp ông Nguyễn Đình Lương tại Nhà Trắng ngày 13/7/2000.
Tổng thống Bill Clinton tiếp ông Nguyễn Đình Lương tại Nhà Trắng ngày 13/7/2000. 

Sau mấy phút chào hỏi, chuyện trò thân mật, mọi người ra Vườn Hồng để dự họp báo. Buổi họp báo có CNN truyền trực tiếp. Ở đây Tổng thống đọc một bài diễn văn, ông nói lướt qua quá trình bình thường hóa quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam; quá trình tìm kiếm để có thể có Hiệp định thương mại giữa hai nước, ý nghĩa của Hiệp định đối với kinh tế xã hội Việt Nam; và ông kết thúc bài diễn văn bằng câu: "Hiệp định này là một điều nhắc nhở nữa rằng, những kẻ thù có thể đến với nhau và tìm được điểm chung theo cách cùng có lợi cho nhân dân họ, bỏ qua quá khứ và nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải". Ông không quên cảm ơn những người đã có đóng góp cho sự thành công cuộc đàm phán này.

Khi Tổng thống nhắc đến câu: "Cảm ơn Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Nguyễn Đình Lương", ông Joe Damond đứng cạnh tôi bấm tay tôi một cái thật đau, hai chúng tôi nhìn nhau, cười và thích. 

Xong việc, ra khỏi trạm gác cổng Nhà trắng được mươi bước, Bộ trưởng Vũ Khoan đi chậm lại, khoác tay lên vai tôi, có vẻ quan trọng, nói vừa đủ hai người nghe: "Ông Lương ơi, có chuyện bây giờ mình mới dám nói: Ông Cầm điện sang bảo, ký xong thì phái ông Lương về ngay để báo cáo Bộ Chính trị, nhà đang chờ… còn mình, mình đã xin phép được đi chơi vài hôm…". Tôi không dám tin vào tai mình. Không biết nên vui hay nên buồn. Đúng tôi là người nắm hết mọi vấn đề trong Hiệp định, tôi phải về báo cáo là đúng. Nhưng có lẽ, nên cho tôi đi xả hơi vài hôm sau những năm tháng dài vất vả… 

Rồi mình cũng phải tặc lưỡi: Số mình đúng là số khổ. Nguyễn Du tiên sinh đã dạy rồi: "Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…". May quá, không lấy được vé đi ngay, vé Việt Nam đi Mỹ thời đó không phải như bây giờ.                                                                                

Chén rượu Vodka ngon nhất trong đời...

Ngày 14/7, ký xong Hiệp định, Bộ trưởng về Sứ quán Việt Nam. Chưa đến giờ về nấu cơm chiều, anh em trong Đoàn về văn phòng Thương vụ chơi.

Cảm giác của mình lúc đó rất lạ, cứ lâng lâng khó tả, có thể là niềm vui do cất được gánh nặng, tự nhiên mình thấy nhạt miệng, muốn có một cái gì đó mành mạnh, mà không biết cái gì.

May quá, liếc nhìn lên giá sách, thấy một chai Vodka mắt mình sáng lên, đây rồi, đúng là cái mình muốn. Bật chai luôn, mấy anh em rót mỗi người một cốc, nốc một hơi. Trời ơi, sao ngon thế! sướng thế. Cảm giác lúc đó, là cảm giác của bác thợ cày, trời nắng chang chang, cày xong thửa ruộng, mồ hôi nhễ nhại, ngồi phệt lên bờ, rít một hơi thuốc lào, rít thật sâu rồi nhả khói lên trời: sướng!

Và hình như chỉ có chén rượu đó, cho đến bây giờ, lãnh đạo cấp cao, cấp thấp chưa ai ban cho mình chén rượu nào. Thôi, không sao, văn hóa nhiệm kỳ xứ ta là vậy.

Ngày 13/7 năm nay, năm 2020, Joe Damond và bạn thân Jinny Foote và mình đã bàn nhau, hẹn gặp nhau tại Washington  DC tổ chức một buổi Gala kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định. Mọi việc tưởng như ngon lành, đùng một cái Covid tai hại chặn mất, đành chịu thôi. Số mình là vậy mà.

Và có lẽ mình cũng khó có dịp trở lại Washington DC lần nữa để gặp lại bạn bè vì mình cảm thấy già lắm rồi, sức yếu rồi, lại đang tính về quê sống  với lũy tre làng, với đồng lúa quê hương, và với cả những trận gió Lào nóng rát.

Đọc thêm

Trị tận gốc hành vi chuyển giá trốn thuế

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024. Một trong các nhiệm vụ được nêu rõ phải quyết liệt thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; là “thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống… bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu”.

Thúc đẩy đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao

Mô hình trồng rau trong nhà kính. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, tạo thuận lợi tối đa cho đầu tư vào lĩnh vực này.

Bộ NN&PTNT ra 'tối hậu thư' xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng

Bộ NN&PTNT ra 'tối hậu thư' xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng
(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan mới có văn bản chỉ đạo thực hiện Công điện của Thủ tướng về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng, báo cáo Bộ trước ngày 20/11/2024.

Còn nhiều ý kiến với dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới

Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể quy định mức lợi nhuận cụ thể cho từng mắt xích của hệ thống phân phối. (Ảnh: baodautu.vn).
(PLVN) - Đã nhiều lần tổ chức xin ý kiến cũng như nhận được các văn bản góp ý cho dự thảo Nghị định xăng dầu, thế nhưng dự thảo lần 4 vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh luận ở một số đề xuất mới, đặc biệt quy định thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản: Quyết tâm 'cán' mốc kỷ lục 60 tỷ USD

Tăng tốc XK nông, lâm, thủy sản cán mốc 60 tỷ USD vào cuối năm 2024. (Ảnh minh họa: DNTT).
(PLVN) -  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hai tháng cuối năm 2024 sẽ là thời gian tăng tốc quyết liệt của các ngành hàng với mục tiêu mới nhất là đưa kim ngạch XK cán mốc kỷ lục khoảng 60 tỷ USD.

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Thái Bình

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Thái Bình
(PLVN) - Với những chính sách ưu đãi của tỉnh, ưu thế nổi trội về vị trí địa lý, Thái Bình thuộc nhóm các tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu cả nước. Năm 2023, lần đầu tiên Thái Bình lọt top 5 cả nước về thu hút FDI. Từ 2021 đến nay, Khu kinh tế (KKT) tỉnh thu hút được 3,73 tỷ USD vốn FDI.

Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn

Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn
(PLVN) - Ngày 12/11 hội thảo chuyên đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” đã diễn ra với sự có mặt của nhiều đại diện cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các chuyên gia và doanh nghiệp . Sự kiện do Báo Đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Họp 'nóng' về dự án thép ngàn tỷ bị 'trùm mền' nhiều năm

Dự án TISCO 2 - một "địa chỉ" của sự lãng phí về nguồn lực đầu tư.
(PLVN) - Ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện hỏa tốc số 112/CĐ-TTg về giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công..., hôm 12/11, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã triệu tập cuộc họp xử lý Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2).

Tổng cục Hải quan yêu cầu ‘siết’ kỷ luật, kỷ cương công vụ

Tổng cục Hải quan mới đây đã ban hành Chỉ thị số 5269/CT-TCHQ về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ. (Ảnh: Quang Hùng)
(PLVN) - Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại và bảo đảm công tác quản lý công chức, xây dựng lực lượng, bảo vệ chính trị nội bộ, Tổng cục Hải quan mới đây đã ban hành Chỉ thị số 5269/CT-TCHQ về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Dệt may sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD?

Đơn hàng của dệt may Việt Nam đang dồi dào. (Nguồn: VGP).
(PLVN) -  Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đang phục hồi theo đà phục hồi của kinh tế thế giới. Nhiều dự đoán cho thấy, năm nay, nhiều khả năng dệt may Việt Nam sẽ “về đích” với mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.