Vẫn câu chuyện lúng túng
Vấn đề quan tâm với hàng triệu thí sinh dự thi năm nay luôn là làm thế nào để xác định được ngành nghề phù hợp, có nhiều cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Một học sinh bày tỏ sự mâu thuẫn khi đặt câu hỏi: “Sở trường của em là các môn xã hội, em định thi ngành xã hội học nhưng em sợ khó tìm việc nên định theo học tự nhiên để có cơ hội việc làm nhiều hơn”. Đây cũng là băn khoăn của nhiều em khi đứng trước sự lựa chọn ngành nghề cho mình.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người xây dựng trường học trực tuyến GiapSchool, cho biết từng có một khảo sát nhỏ trong vòng một năm với học sinh, sinh viên (SV) và phụ huynh. Khoảng 80% học sinh THCS và THPT, 50% SV trả lời học để kiếm tiền hoặc học để sau này có công ăn việc làm. Chừng 40 - 50% SV và 20 -25% học sinh THPT nói học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình.
Có 80 - 90% phụ huynh trả lời học để mở mang hiểu biết hoặc để có địa vị trong xã hội. Câu trả lời thường rơi vào các nhóm như sau: học để thi, vì bố mẹ bảo học, vì không biết làm gì khác, không biết học để làm gì, vì tất cả mọi người đều như vậy, như một quán tính hết cấp tiểu học thì lên cấp THCS, THPT, rồi vào ĐH. Thực tế, trước thời điểm đăng kí dự thi, nhiều em vẫn lúng túng chưa biết lựa chọn trường, lựa chọn nghề.
Trong buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh với sự tham gia của hàng trăm học sinh, phụ huynh và đặc biệt nhiều chuyên gia giáo dục tư vấn do Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy-Hà Nội) tổ chức, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng nhà trường đưa ra câu hỏi: "Nếu ngay bây giờ cô hỏi: “Con thích nghề gì?”, “Tại sao con thích nghề đó?” thì cô tin rằng không ít bạn sẽ lúng túng. Hạn chế ấy của các con có trách nhiệm của nhà trường là chưa làm tốt công tác hướng nghiệp. Dù muộn nhưng chưa phải là chấm hết, các con có thể hoàn toàn khắc phục được trong mùa chọn nghề, chọn trường này. Các con cần lưu ý khi chọn nghề cần tính tới yếu tố đam mê, lòng ham thích bởi đó là động lực để vượt khó, vươn lên".
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cũng cho biết, trường cho học sinh đăng ký môn thi từ đầu năm học. Trong tổng số 456 học sinh lớp 12 của trường thì có 153 thí sinh đăng ký lựa chọn bài thi Khoa học xã hội, 303 học sinh lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên. Cô Nhiếp cũng cho hay, học sinh của trường đều lựa chọn xét tuyển ĐH.
Trong khi đó, lãnh đạo một trường THPT nổi tiếng tại Hà Nội cho biết, qua kiểm tra sơ bộ, phần lớn học sinh của trường đều sợ môn Sinh học. Chính vì vậy, các em sẽ lựa chọn bài thi Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp, còn sẽ lựa chọn thi hai môn Vật lý, Hóa học trong bài thi Khoa học tự nhiên để xét tuyển sinh ĐH.
“Sự liên thông kiến thức ở các môn khoa học xã hội thấp hơn rất nhiều so với một khoa học tự nhiên. Trong một năm, học sinh khó có thể “cày” để đạt điểm 5 môn Sinh, nếu không học vững từ lớp dưới. Nhưng có thể “cày” được điểm 5 môn Lịch sử hoặc môn Địa, hay môn Giáo dục công dân” - vị lãnh đạo này nêu thực tế.
Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ: Chọn nghề các em cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng này, thứ nhất cần nắm bắt được nhu cầu xã hội, xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong những năm tới. Thứ hai là dựa vào năng lực, sở trường của mình có đáp ứng ngành nghề đó không. Thứ ba là ngành nghề đó có đúng với những hoài bào ước mơ của mình hay không? Nếu các em chọn đúng thì cơ hội phát triển nghề nghiệp cao, dễ thành công.
Xu hướng chọn nghề năng động
Các chuyên gia hướng nghiệp cũng khuyên thí sinh cần xác định được cá tính, đam mê và chỉ nên chọn 2 - 3 ngành nghề để tập trung hướng nghiệp. Bởi khi cơ hội vào các trường ĐH càng lớn thì sai lầm trong lựa chọn ngày càng cao. Không phải cứ đỗ trường nào là vào đại trường đó, để rồi một thời gian là bỏ ngang sẽ rất lãng phí.
Ông Bùi Xuân Tiến - Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động - Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội tư vấn, xã hội đang đòi hỏi sự năng động nên chọn những ngành nghề năng động để dễ kiếm việc hơn là những nghề đặc thù như luật, giáo viên... cũng khó kiếm việc. Ví dụ như, các trường có ngành công tác xã hội và dịch vụ xã hội vẫn cơ hội ra trường kiếm được việc làm cao. Với Thủ đô Hà Nội các doanh nghiệp thương mại dịch vụ có nhu cầu lớn về tuyển lao động đầu năm 2017. Các em cũng có thể chọn ngành kinh tế, thương mại để có thể tự thân lập nghiệp, kinh doanh các ngành nghề đa dạng...
Thầy Tùng Lâm thẳng thắn cho rằng, giáo dục hiện nay mới chỉ đào tạo cái mình có, trong khi đó xã hội đòi hỏi trường phải linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các ngành nghề xã hội đang cần. Hơn nữa quá trình đào tạo của các trường ĐH hiện nay vẫn nặng về học lý thuyết suông chứ không rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp sâu cho SV. Nên thực tế tuy các em học theo ngành “hot” xã hội đang cần nhưng lại không kiếm được việc làm do thiếu kỹ năng nghề nghiệp.
Vì thế thời gian tới cần điều chỉnh chương trình đào tạo cho sát nhu cầu thực tế của xã hội. “Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ GD-ĐT cần liên kết với các ngành nghề, các doanh nghiệp để có thông tin mới nhất về nhu cầu lao động vì nó biến động liên tục. Trên cơ sở đó các em lựa chọn được trường phù hợp, sau này ra trường có cơ hội làm việc cao, chứ hiện nay các em tự tìm hiểu” - thầy Lâm đề xuất.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Mạnh Hà khẳng định, không có ngành nghề nào không cần đến kiến thức, kỹ năng mà lại có lương cao. “Ngành nghề nào người lao động cũng phải có kiến thức sâu và giỏi thì sẽ nhận được công việc tốt, mức lương cao. Bởi vậy hãy chọn ngành mình đam mê, phù hợp với tố chất” - TS. Phạm Mạnh Hà khuyên.
Chia sẻ về điều này, TS. Vũ Thị Kim Hoa - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, với các bạn học sinh lớp 12, ngay tại thời điểm này rất khó để khẳng định được ngành nào dễ hoặc khó xin việc. Lời khuyên đối với các bạn là nếu xác định theo đuổi ngành nào thì hãy học giỏi, vững chuyên môn ở ngành đó. Xã hội luôn cần những người giỏi thực sự, lao động có chất lượng, và khi đó các bạn sẽ không lo thiếu việc làm.
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều này cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian, nếu mỗi bạn trẻ không lựa chọn đúng con đường của mình.