[links()]Ở nước ta, cho hay cấm và phải quản lý hành vi “đẻ thuê” như thế nào để giảm tối thiểu những thiệt hại cả về con người, đạo đức lẫn kinh tế do hành vi này gây ra là một câu hỏi đau đầu chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Các chuyên gia nói gì về việc này?
Bác sĩ Lê Thanh Thúy - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội:
Nguy cơ hạn chế quyền làm mẹ
BS.Lê Thanh Thúy. |
Xét theo quy điều đạo đức nghiêm ngặt, việc “đẻ thuê” bằng con đường thụ thai tự nhiên là xem thân xác người phụ nữ đơn thuần như một phương tiện sinh học, khinh miệt quyền làm mẹ thiêng liêng của họ và phản ánh một cách trắng trợn nhất ưu quyền ích kỷ của nam giới.
Đó là chưa nói đến những hậu quả tâm sinh lý đối với đứa con không có mẹ, thậm chí ngay trong thời gian ở trong bụng mẹ mà không đón nhận được tình thương đầy đủ.
Thêm vào đó là nguy cơ hôn nhân đồng huyết và loạn luân có thể xảy ra sau này. Bởi khi một người “đẻ thuê” sản sinh ra nhiều đứa con khác nhau; sau đó mẹ chúng lại biệt tích, những đứa con cùng mẹ này lớn lên, lỡ chúng lấy nhau thì sao?.
Chưa kể việc làm giấy khai sinh cho những đứa con “đẻ thuê” này; thực tế hiện nay đều khai không đúng mẹ đẻ của chúng. Đứa trẻ khi sinh ra lại mang rắc rối đến cho chính người mẹ mang thai, nếu như người thuê mang thai không đến nhận đứa trẻ, cháu bé sẽ được giao cho ai nuôi?.
Trong quá trình mang thai chắc chắn phát sinh tình cảm giữa người mang thai và đứa trẻ. Khi giao đứa trẻ đó cho người khác nuôi, có lẽ người mang thai cũng day dứt không ít. Ngoài ra mỗi một lần mang thai là một lần người phụ nữ đối diện với rủi ro về sức khỏe. Chưa kể đến việc chính việc mang thai dùm cho người khác lại có nguy cơ dẫn đến việc hạn chế quyền làm mẹ của người mang thai. Do vậy không nên lấy tính mạng và số phận của mình để kiếm tiền như vậy.
Việc mang thai hộ không có nguồn gốc huyết thống cho trường hợp người vợ bị vô sinh là một trường hợp khác. Ở một số nước, dịch vụ “đẻ thuê” được nhìn nhận dưới góc độ y khoa, tức thông qua việc cấy ghép tinh trùng. Trong khi ở ta, một số sự diễn giải, kể cả trên phim ảnh, vẫn chưa có được sự minh bạch khi phần nào gắn việc “đẻ thuê” với những quan hệ tính giao.
Đã có những đề nghị hợp pháp hóa việc này trong khuôn khổ kiểm soát và theo dõi chặt chẽ của bệnh viện, như đề nghị của BS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ - và của Ban Giám đốc hiện nay. Theo tôi, đây là một đề nghị hợp lý cần ủng hộ. Trong thực tế, nếu nhu cầu này ngày càng nhiều thì việc hợp pháp hóa nó vừa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của những gia đình muốn có con, vừa đảm bảo quyền lợi của người mang thai hộ, mà không vi phạm đạo đức và pháp luật.
PGS.TS Xã hội học Nguyễn An Lịch:
"Sản phẩm quái dị" của nghèo đói và thất học
Những nghiên cứu gần đây cho thấy số người di cư lên thành phố làm việc ngày càng nhiều, nhất là các thành phố lớn như TP.HCM, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng... Chứng tỏ, thực trạng dịch chuyển lao động đã có từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây mới bùng phát mạnh. Một năm chỉ 3 vụ lúa, còn lại là những ngày ngáp dài, thở vắn, tha thẩn chơi.
Có lẽ đôi lần ra phố chợ, nhìn những thanh niên trang lứa phóng xe tay ga, khoác quần áo đắt tiền, mua sắm thỏa thích... nên những thanh niên quê mùa cũng không ít lần ước vọng, và mơ ước làm giàu cứ lớn dần trong họ?. Vùng quê chỉ có nếp vườn, mảnh lúa, muốn giàu hơn cũng chẳng được. Cứ thế, từng người, từng người một ra đi. Nhưng làm gì khi thất học. Chẳng tay nghề, thế là như một thỏa thuận ngầm, tất cả đều bắt đầu bằng những ngày làm thuê, làm mướn, hay chập chững làm công nhân. Phần lớn lao động di cư không có nhiều thông tin về việc làm mà chủ yếu do người thân giới thiệu.
Và những người lao động di cư có hoàn cảnh khó khăn chính là miếng mồi ngon cho những kẻ xấu. Do bất bình đẳng về cơ hội, chỉ cần có ai lợi dụng, dụ dỗ là họ có thể làm bất cứ điều gì. Những thôn nữ phải làm lụng kiếm tiền cực khổ, lương công nhân không đủ chi trả cuộc sống lẫn đèo bòng gánh nặng cha già, mẹ yếu, em thơ, các cô dễ dàng sa vào cám dỗ của những kẻ trong đường dây “đẻ thuê”.
Người con gái miệt vườn, miệt ruộng hoặc bị lừa, hoặc tự nguyện sẵn sàng dấn thân vào cái nghề quái dị chưa từng có trong nếp nghĩ, nếp làm của vùng đất chân quê. Hơn thế nữa, người đi đã thế mà xem chừng người ở vẫn muốn dấn thân, sẵn sàng chịu mạo hiểm hên xui năm ăn, năm thua và rất dễ bị lừa.
Những người bán thân, bán máu, bán nội tạng, đẻ mướn... đều bỏ vốn trên chính cơ thể của mình, điều vốn dĩ để lại nhiều hậu quả đau lòng.
Cái đói văn hóa không ai nhìn thấy nhưng lại làm phá sản nhân phẩm và tạo ra những điều quái dị, nguồn gốc tất yếu của đói nghèo...
Về mặt chính sách, tôi cho rằng khi người phụ nữ phải sống với “nghề” “đẻ thuê”, đã cho thấy những thiệt thòi và bất bình đẳng về cơ hội trong cuộc sống, đặc biệt ở những vùng nghèo, sự phân biệt nam nữ còn cao. Theo tôi, trước mắt không chỉ có định lượng mà còn phải định tính cho vấn đề này nữa, nghĩa là phải có những điều tra, nghiên cứu xã hội học cụ thể, để từ đó có những tư vấn cần thiết cho việc hình thành các văn bản pháp luật.
PGS.TS Thanh Tâm (Viện Văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội):
Không thể mua được tình mẫu tử
Nhìn rộng ra thì trong quan hệ xã hội, có “cầu” ắt có “cung”. Có thể các cô gái làm công việc đẻ thuê nghĩ đơn giản là: Mình mang thai dùm người ta thì người ta trả công cho mình là lẽ đương nhiên. Suy nghĩ rất đơn giản, hơn nữa cuộc sống khó khăn đã khiến họ không tỉnh táo khi chọn công việc này. Thế nhưng việc sinh một đứa trẻ không đơn giản như việc sản xuất một món hàng.
Vấn đề nằm ở việc những người phụ nữ “đẻ thuê” có nghĩ đến tương lai, hạnh phúc của đứa trẻ hay không, hay đó chỉ là những nhu cầu nhất thời nhằm thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của cá nhân. Riêng tôi không ủng hộ điều này, bởi mối quan hệ mẹ - con vốn mang ý nghĩa thiêng liêng. Đứa trẻ nào sinh ra cũng có những cảm nhận đặc biệt với người mẹ, vì thế không có đau khổ nào bằng một đứa trẻ sinh ra mà không được sống trong vòng tay yêu thương của người mẹ. Nếu ngay cả tình mẫu tử thiêng liêng nhất cũng bị lợi ích vật chất thay thế, những quan hệ xã hội khác sẽ diễn biến khó lường trước.
Tất nhiên, hầu hết các cô gái đều vì hoàn cảnh khó khăn nên mới làm cái nghề này, song tôi dám chắc rằng, dù vì bất cứ lý do gì đi nữa, các cô cũng sẽ rơi vào bi kịch. Vài chục triệu đồng có thể giải quyết được khó khăn trước mắt, song nỗi ân hận, giày vò sẽ còn ám ảnh, đeo đẳng người phụ nữ đến cuối đời. Vài chục triệu đồng không thể mua được tình mẫu tử.
Tôi đã được nghe câu chuyện về một cô gái quê ở Thái Bình, đẻ con rồi đem bán, sau đó cô ta ân hận mà phát bệnh tâm thần, bỏ đi lang thang. Lúc nào cô ta cũng ôm khư khư chiếc gối cáu bẩn trong tay mà ầu ơ con cò, con vạc. Một ngày cuối năm, dân mò sắt vớt được xác cô gái ở gần làng chài sông Cấm.
Thu Hồng