Bà Phạm Thị Hồng Oanh quê quán ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Có trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật, hệ chính quy. Bà Oanh được đánh giá là Cán bộ Tư pháp trẻ, đầy năng động.
Mới đây, tại Hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, bà Phạm Thị Hồng Oanh đã chia sẻ: “Tiếp nối các thế hệ đi trước, tôi nguyện đem hết sức mình đóng góp cho xã hội, dù được trúng cử hay không trúng cử, tôi cũng sẽ cố gắng phấn đấu, nỗ lực để thực hiện những kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, tôi sẽ không ngừng rèn đức, luyện tài để xứng đáng với niềm tin bà con cử tri dành cho”.
Tiểu sử tóm tắt của bà Phạm Thị Hồng Oanh |
Chương trình hành động của nữ trưởng phòng Tư pháp gồm một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, học hỏi để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội được pháp luật quy định. Tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Đặc biệt, sẽ tích cực thực hiện việc chất vấn người có thẩm quyền về những vấn đề cử tri quan tâm và những vấn đề mang tính thời sự.
Thứ hai, giữ mối liên hệ bền vững và sâu sắc với cử tri và với nhân dân; gắn bó mật thiết và thường xuyên tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, ghi nhận những ý kiến đóng góp, những đề xuất, giải pháp hay của cử tri để chuyển tải đến Quốc hội, đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng.
“Thứ ba, tôi nhận thấy rằng hoạt động xây dựng pháp luật là hoạt động chiếm đa số thời gian trong các kỳ họp của Quốc hội, là cán bộ được đào tạo chuyên ngành Luật học, tôi có khả năng nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã tương đối đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện, còn khó khăn, vướng mắc khi áp dụng; một số văn bản quy định chồng chéo, mâu thuẫn; một số quan hệ xã hội chưa được cụ thể hóa bằng pháp luật. Vì vậy, nếu được trúng cử tôi sẽ cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước, nhất là các quy định pháp luật nhằm bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, bảo vệ chế độ, bảo đảm cho nhân dân cuộc sống hạnh phúc, bình yên”. Bà Oanh nói.
Bà Oanh được đánh giá là Cán bộ Tư pháp trẻ, đầy năng động. |
Thứ tư, sẽ cùng với các đại biểu Quốc hội thảo luận, xem xét và thực hiện việc chất vấn để từ đó quyết định chiến lược, sách lược nhằm định hướng, giải quyết những vấn đề được cử tri và nhân dân rất quan tâm và liên quan đến cuộc sống trong giai đoạn hiện nay, đó là công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt, tình trạng thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm, chất lượng giáo dục - đào tạo, tình trạng nghèo đói ở các vùng sâu, vùng xa, tình trạng sử dụng, tàng trữ, buôn bán các chất ma túy.
Bà Oanh nhấn mạnh: “Là cán bộ trẻ, tôi sẽ mang sự tâm huyết, năng động của tuổi trẻ, phát huy trí tuệ và sức trẻ, không ngại khó khăn đi đến những vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn để tìm hiểu đời sống nhân dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân để cùng với chính quyền địa phương đề ra giải pháp nâng cao đời sống nhân dân và đề xuất Quốc hội có chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước bảo đảm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Tại đơn vị bẩu cử số 2 (TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện: Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng), bà Oanh là nữ ứng viên duy nhất |
Vị ứng viên trẻ này tiếp tục, là một người phụ nữ, tôi luôn thấu hiểu và đồng cảm với những khó khăn, vất vả và những rào cản để người phụ nữ phát triển bản thân trong thời đại ngày nay. Phụ nữ chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng bất bình đẳng, chịu thiệt thòi nhiều mặt trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, tôi sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ, kiến nghị Quốc hội có các chương trình, chính sách bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, xóa bỏ định kiến xã hội, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, đào tạo nghề cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển bản thân, xây dựng sự nghiệp.