Sau gần 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến thời điểm này, thế giới vẫn chưa thể khống chế được đại dịch. Do đó, các nước đang dần chuyển từ “Zero COVID” (không còn COVID-19) sang “sống chung với dịch”. Khái niệm “sống chung với dịch” được nhiều nước đưa ra kèm theo nhiều biện pháp mở cửa, dần khôi phục nền kinh tế và trở lại đời sống “bình thường mới”. Thay vì áp dụng các quy định nghiêm ngặt trước đây, hầu hết các nước đều đang dần có những biện pháp nới lỏng, phòng, chống dịch chủ yếu dựa vào độ bao phủ vaccine, ý thức của người dân và kiểm soát dịch bằng công nghệ.
Trước xu hướng đó, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan để thực hiện các biện pháp nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Mũi 3 vaccine COVID-19
Nếu như trước đây, khi nhắc đến tiêm vaccine COVID, người dân đều nghĩ rằng “tiêm đầy đủ” là tiêm hai mũi vaccine theo khuyến cáo của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi xuất hiện biến chủng Delta và Omicron, hàng loạt quốc gia trên thế giới đang chứng kiến xu hướng ca nhiễm tăng nhanh chóng, kể cả những nước đã có tỷ lệ dân số tiêm chủng cao. Trước thực tế đó, chính phủ nhiều nước đang bắt đầu xem xét lại định nghĩa “tiêm đầy đủ” vaccine, nhằm thúc đẩy mũi tiêm tăng cường để ứng phó biến chủng lây lan nhanh.
Các nghiên cứu cho thấy hiệu quả phòng bệnh của các loại vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Đây chính là lý do để giới khoa học khuyến cáo về việc tiêm thêm mũi thứ 3 để tăng cường mạnh mẽ khả năng của cơ thể chống lại loại virus nguy hiểm gây dịch COVID-19. Theo đó, khái niệm “tiêm đầy đủ” giờ đây không phải là hai mà là ba mũi vaccine.
Trong các biện pháp đã triển khai, tiêm vaccine là một trong những biện pháp quan trọng. Với mục tiêu trong tháng 12, cả nước hoàn thành bao phủ vaccine COVID-19 liều cơ bản cho người từ 18 tuổi, đồng thời triển khai ngay tiêm mũi 3 cho người đủ điều kiện. Việt Nam đang triển khai rộng rãi tiêm mũi 3 vaccine COVID-19. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ đã có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Trước đó, vào hôm 17/12, Bộ Y tế cho phép tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc; hoặc liều bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Khoảng cách tiêm liều nhắc lại giảm xuống còn 3 tháng, thay vì 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai) như trước đây. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 3 sau mũi hai từ 6 tháng xuống còn 3 tháng nhằm tăng cường kháng thể để chống lại sự lây lan của biến chủng Omicron.
Tính đến ngày 25/12, có 783.757 liều vaccine mũi 3 đã được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tại 29 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó miền Nam tiêm nhiều nhất. Miền Nam đã tiêm hơn 525.000 liều mũi 3, miền Bắc tiêm được hơn 232.000 liều, miền Trung hơn 16.000 liều, trong khi Tây Nguyên chỉ có Gia Lai tiêm được 115 liều. Các tỉnh, thành tiêm mũi nhắc lại nhiều gồm: Hà Nội, Hà Tĩnh, TP HCM, Bến Tre, Tây Ninh...
Về loại vaccine, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA (như vaccine Pfizer, Moderna...); nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine AstraZeneca (vaccine vector virus).
Theo các bác sĩ, những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vaccine mũi thứ 3 tương tự như liều cơ bản. Hầu hết là các phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ tiêm, sưng đau. Phản ứng toàn thân như: Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Những phản ứng bất thường, hiếm gặp có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine mũi 3 là: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim... Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của mình sau khi tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Điều trị F0 tại nhà
Giai đoạn hiện nay, số ca mắc SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh, từ ngày 15/12 Hà Nội đều có trên 1.000 ca F0, trong đó gần 40% số ca ngoài cộng đồng. Trước tình trạng tăng nhanh ca mắc COVID-19, đặc biệt ca tại cộng đồng, Hà Nội đã cho phép triển khai cách ly F1, điều trị F0 tại nhà.
Với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, giải pháp điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nơi cư trú đang được xem là mô hình điều trị phù hợp khi tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 đạt mức cao.
Tại Hà Nội, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị là hơn 20.000 người, trong đó có hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, hơn 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện; số còn lại điều trị tại các bệnh viện trung ương, cơ sở thu dung điều trị của thành phố.
Theo hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 theo 4 nhóm nguy cơ do Bộ Y tế ban hành, có hai nhóm nguy cơ có thể điều trị tại nhà là nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ trung bình. Nhóm nguy cơ thấp gồm các ca mắc có độ tuổi 3 tháng - dưới 49 tuổi, không có bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên. Những trường hợp này sẽ được chăm sóc, theo dõi, điều trị tại nhà.
Nhóm nguy cơ trung bình gồm: Người tuổi từ 50 đến 64, không có bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine và người từ 3 tháng đến 49 tuổi, chưa tiêm đủ liều vaccine; có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ. Nhóm này được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tầng 1. Nếu cơ sở điều trị tầng 1 địa phương quá tải thì có thể cho điều trị tại nhà.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà. Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà được áp dụng tại các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để hướng dẫn cho người nhiễm COVID-19 và người chăm sóc người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc tại nhà.
Tại Hà Nội, F0 điều trị tại nhà (từ 18 tuổi trở lên) được phát miễn phí 3 gói thuốc. Túi thuốc A, thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc bổ sung vitamin được Trạm Y tế cấp phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà.
Cách ly, điều trị F0 tại nhà được áp dụng ở nhiều địa phương. |
Túi B, gồm thuốc chống viêm Corticoid, thuốc chống đông. Chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sĩ đánh giá, kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất trước khi chuyển người bệnh (sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng). Thuốc kháng đông, kháng viêm không dùng cho phụ nữ mang thai, cho con bú hay người mắc một số bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hoá, đường tiết niệu...
Túi thuốc C, thuốc kháng virus Molnupiravir, Favipiravir. Đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, phân bổ theo chương trình của Bộ Y tế, sử dụng có kiểm soát. Do đó, để sử dụng, F0 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia, khi sử dụng thuốc kháng virus phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Ngoài ra, F0 điều trị tại nhà cần uống nhiều nước, nước hỗ trợ giảm nhiệt độ cơ thể. Có thể uống oresol, pha đúng tỉ lệ ghi trên bao bì. Các loại thuốc xịt mũi họng, nước muối sinh lý rửa mũi, rửa họng, súc họng, các gia đình cũng nên chuẩn bị sẵn. F0 điều trị tại nhà duy trì tối thiểu việc rửa súc họng bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày, nhiều hơn có thể từ 4-5 lần/ngày.
Ngoài Hà Nội, một số địa phương cũng đã triển khai cách ly F0 tại nhà như tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Thừa Thiên - Huế,… và đạt được những bước đột phá trong việc giảm tải người nhiễm bệnh cho cơ sở y tế. Nhiều tỉnh, địa phương cũng đã sẵn sàng triển khai quản lý, điều trị F0 tại nhà trong thời gian tới.
Có thể thấy “Sống chung với dịch” được xem như là một xu thế tất yếu, giúp người dân có điều kiện đi lại, làm việc, từng bước nối lại nhịp sống đời thường và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc triển khai tiêm vaccine mũi 3 và cách ly F0 tại nhà là một trong những giải pháp hiệu quả được người dân quan tâm.