Một trong những hoạt động gần đây nhất là Bộ đang xúc tiến xây dựng dự thảo Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Bộ trưởng ban hành hoặc liên tịch ban hành trong lĩnh vực bồi thường nhà nước (BTNN).
Trước đó, để triển khai thi hành Luật TNBTCNN năm 2009, từ năm 2010, các cơ quan có thẩm quyền ban hành và liên tịch ban hành 1 Nghị định (Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN) và 18 Thông tư, Thông tư liên tịch (TTLT) hướng dẫn thực hiện TNBTCNN và quản lý nhà nước về công tác BTNN trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Đến nay, Nghị định số 16 đã được thay thế bởi Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN năm 2017. Còn trong số 18 Thông tư, TTLT thì 4 văn bản đã hết hiệu lực và 14 VBQPPL vẫn đang có hiệu lực pháp luật. Căn cứ quy định của Luật Ban hành VBQPPL 2015, qua rà soát, phân loại, Cục BTNN (Bộ Tư pháp) xây dựng dự thảo Thông tư bãi bỏ 7 VBQPPL trong lĩnh vực BTNN do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành và liên tịch ban hành nhằm bảo đảm sự minh bạch của hệ thống pháp luật. Cụ thể là 2 Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành (Thông tư số 03/2013/TT-BTP, Thông tư số 13/2015/TT-BTP) và 5 TTLT do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành (TTLT số 04/2013/TTLT-BTP-BQP, số 06/2014/TTLT-BTP-TTCP-BQP, số 16/2015/TTLT-BTP-BQP, số 17/2015/TTLT-BTP-BQP, số 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP).
Theo Cục BTNN, dự thảo Thông tư chỉ quy định việc bãi bỏ toàn bộ 7 VBQPPL trên, không đề xuất chính sách mới nên không phát sinh thủ tục hành chính, chi phí đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Dự thảo Thông tư cũng quy định các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước thời điểm Luật TNBTCNN 2017 có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng các quy định của 7 VBQPPL này để giải quyết.
Góp ý cho dự thảo Thông tư tại cuộc họp thẩm định diễn ra hôm qua (5/7), một số ý kiến băn khoăn về lý do không bãi bỏ 7 văn bản còn lại cũng như quy định chuyển tiếp việc giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường đã được thụ lý trước ngày 1/7/2018. Tuy nhiên, kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Văn Đạt cho biết, dự thảo Thông tư chỉ quy định việc bãi bỏ các VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hoặc chủ trì, liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Những VBQPPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, liên tịch với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC ban hành phải được liên ngành thống nhất xây dựng văn bản bãi bỏ; còn văn bản mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ phối hợp, liên tịch ban hành sẽ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành làm thủ tục bãi bỏ. Riêng điều khoản chuyển tiếp, ông Đạt đề nghị Cục BTNN cân nhắc xem nên áp dụng nguyên tắc có lợi cho người yêu cầu bồi thường như thế nào.