Lão nông 70 tuổi gánh nỗi oan về tội Giết người
Đó là vụ án oan của ông Đào Văn Nhẫn (SN 1940 trú tại xã Hồng Châu, Hữu Lũng, Lạng Sơn), người đã được VKSND tỉnh Lạng Sơn minh oan và bồi thường 41 triệu đồng do bị bắt giam oan 366 ngày vì tội “Giết người”.
Năm 1990, con trai ông Nhẫn là Đào Văn Nguyên có quan hệ yêu đương với một cô gái cùng xóm tên là Thúy. Do ghen tuông, tối 6/11/1992, Nguyên rủ Thúy lên đồi tâm sự sau đó sát hại cô gái này rồi bỏ trốn về quê ngoại ở Hưng Yên.
Ông Nhẫn |
Mãi đến 10 ngày sau, gia đình Thúy mới phát hiện xác con gái mình trên đỉnh đồi đang thời kỳ phân hủy mạnh.
Sau cái chết của chị Thúy, Nguyên bị bắt giam về tội “Giết người”, cơ quan điều tra cho rằng ông Nhẫn là cha hung thủ chắc chắn phải có liên quan đến cái chết của nạn nhân nên cũng … bắt giam ông Nhẫn.
Sau đó, Đào Văn Nguyên bị kết án 20 năm tù về tội “Giết người”, còn ông Nhẫn, cơ quan tố tụng xác định không có hành vi liên quan đến vụ án.
Án có hiệu lực, Đào Văn Nguyên đi chấp hành hình phạt tù tại Trại giam Tân Lập, đến ngày 15/10/1997 thì bị án Nguyên chết vì suy hô hấp cấp. Vậy là, vụ án tình bi thảm đã được “đào sâu chôn chặt” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng do cả hung thủ và nạn nhân đều đã mất.
Nhưng cũng bắt đầu từ đó, là hành trình kéo dài suốt 17 năm ông Nhẫn đòi được minh oan về việc đã bị khởi tố, bắt giam hơn 1 năm trời. Đến đầu năm 2009, ông Nhẫn đã được VKSND tỉnh Lạng Sơn minh oan, bồi thường tổng cộng 41 triệu đồng.
Oan khiên gửi lại cõi trần
Trong số những công dân đã được minh oan, anh Nguyễn Trọng Êm (ở đội 11 xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) là người có số phận bi thảm, thương tâm nhất.
Bi kịch oan sai của Nguyễn Trọng Êm bắt nguồn từ vụ thảm án trên cánh đồng Chín Mẫu (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng) xảy ra vào ngày 20/1/2006, khi đó, người dân phát hiện xác vợ chồng anh Phạm Văn Luân bị sát hại dã man.
Anh Êm (áo trắng) trong ngày được minh oan. |
Anh Luân là anh kết nghĩa, cũng là người mà Êm nghi ngờ ngoại tình với vợ mình. Chính vì có “tư thù” với nạn nhân nên trong con mắt cơ quan điều tra, Êm bị xếp vào diện đối tượng “tình nghi số 1”.
Sau đó Êm được triệu tập lên công an xã làm việc, tại đây công an thu giữ chiếc áo có dính máu, nghi là máu nạn nhân nhưng sau này giám định cho kết quả là... máu ngan. Mặc dù vậy, Êm vẫn bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Giết người”.
Sau 672 ngày giam oan vẫn không đủ chứng cứ kết tội, anh Êm được đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm.
Đến ngày 13/11/2009, VKSND TP. Hải Phòng tổ chức minh oan cho anh Êm, được bồi thường tổng cộng gần 82 triệu đồng.
Trở về sau án oan, Êm đã mất tất cả: vợ bỏ đi biệt tích, gia đình tan nát thương tâm. Thế nhưng số phận vẫn chưa buông tha cho Êm. Chưa đầy hai năm sau ngày được minh oan, anh Êm đã trở thành nạn nhân bị sát hại trong một vụ án “Giết người” ở cách xa quê nhà gần 2000 km.
Đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, anh Êm vẫn chưa biết mình đã phải chịu tội thay cho ai vì cơ quan tố tụng vẫn chưa thể tìm ra hung thủ của vụ thảm án năm nào.
Không đủ chứng cứ kết tội: phải minh oan!
Nữ sinh Vũ Ngọc Ánh (Tp HCM) cũng đã từng gặp phải câu chuyện oan sai "kêu trời không thấu". Ánh bị buộc tội giả mạo để rút tiền trong tài khoản của người khác.
Khi bị khởi tố, Ánh một mực kêu oan, nhân viên ngân hàng không nhớ chính xác đối tượng giả mạo, camera tự động của ngân hàng cũng không ghi hình được người này. Do chứng cứ buộc tội quá yếu nên cuối cùng VKSND Quận 1 (TP. HCM) đã phải đình chỉ truy tố oan đối với cô nữ sinh 20 tuổi.
Thay lời kết
Điểm qua một vài vụ án oan, minh oan nêu trên để thấy rằng, “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nên dẫu rằng các công dân đã được xin lỗi, minh oan thì cũng chỉ là bù đắp, xoa dịu được phần nào những đau đớn, uất ức của những người dân vô tội phải gánh chịu.
Vẫn biết rằng, trong chuỗi hoạt động tố tụng phức tạp, trong khi hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, khối lượng vụ án chồng chất và nhiều áp lực nên khó tránh khỏi những sơ suất, sai phạm.
Nhưng thiết nghĩ, hơn bất cứ nghề nào, hoạt động tố tụng hình sự cần phải thận trọng, công tâm, không chấp nhận bất cứ sự sơ suất nào vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng chính trị, số phận của con người cũng như hiệu quả quản lý của Nhà nước và pháp luật, tính công bằng và niềm tin công lý.