Tại phiên họp sáng hôm nay, 29/5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật giám định tư pháp. Vấn đề được nhắc tới trong ý kiến của nhiều đại biểu quốc hội là không nên bỏ giám định viên pháp y cấp tỉnh của ngành công an và chưa thể xã hội hóa trong lĩnh vực giám định pháp y.
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp |
Giám định pháp y không chỉ cần chuyên môn của ngành Y tế
Theo báo cáo giải trình của UBNTV QH, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh. Do đó, Dự thảo được trình tại phiên họp vẫn đưa ra hai phương án để các đại biểu cho ý kiến.
Mấu chốt của vấn đề này là có hai không Giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, nên chăng chỉ tập trung hoạt động giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.
Đại đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp sáng nay lại cho rằng nên giữ quy định về giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người). Công việc của họ không đơn thuần là nghiệp vụ y tế, mà còn góp phần vào bảo đảm an ninh, trật tự.
Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (đoàn Ninh Thuận) nói: “Trong bao năm qua, đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đã đóng góp quan trọng trong điều tra xử lý các vụ việc, đảm bảo độ chính xác, khách quan và nhanh chóng”.
Đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai) nhận định: “Do tính chất rất quan trọng của pháp y đối với điều tra, xét xử, phải đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh, chính xác… nhất là trong thời gian tội phạm gia tăng phức tạp như hiện nay, công việc điều tra phá án nói chung và đặc biệt là giám định tử thi phải rất kịp thời. trong khi đó, nên theo tôi cần duy trì lực lượng của phòng cảnh sát cấp tỉnh.”
Cũng đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức giám định pháp y cấp tỉnh trực thuộc ngành công an đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) lấy lý do bởi tổ chức này đã khẳng định được vai trò của mình trong nghiệp vụ, minh chứng là thành công của họ trong những vụ án lớn gần đây đã được phá một cách nhanh chóng.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khẳng định chưa đủ lý lẽ để bỏ pháp y công an tỉnh. Ông cũng lấy lý do diễn biến tội phạm hiện nay đang phức tạp, đòi hỏi tính cấp bách trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nên mô hình pháp y công an là rất cần thiết.
Lý do nữa là pháp y công an tỉnh còn được đào tạo về khoa học hình sự. Thêm một lý do rất hợp lý được ông đưa ra là: Khi có sự việc diễn ra, cơ quan này điều quân của cơ quan kia đi thì không bao giờ kịp thời, nhanh chóng như điều quân của mình. “Chúng ta không sợ chồng chéo, nhưng cần quy chế để không có sự chồng chéo. Để mỗi bên đều thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.” ông nói
Đại biểu Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) nhấn mạnh, công an đóng vai trò chủ đạo trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nếu bỏ giám định pháp y thuộc công an cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án.
Cũng đồng ý với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nói: “ Về đặc thù, lực lượng pháp y có liên quan mật thiết với cơ quan điều tra do công an cấp tỉnh quản lý, do đó mọi sự phân công tập trung đều nhuần nhuyễn. Hơn nữa về nguồn lực, nếu ngành y tế nhận thêm cả pháp y nữa thì quá nặng. Hiện nay ngành y tế đã quá tải rồi. Tôi không làm trong ngành y tế, tư pháp, hay công an, nhưng vì là đại biểu, tôi có điều kiện tiếp xúc với cử tri ở Công an Hòa Bình, tôi thấy việc giao ngành này cho Công an là tối ưu nhất”.
Quan điểm lựa chọn phương án bỏ giám định viên pháp y ngành công an ở cấp tỉnh lấy lý do cần tinh giản bộ máy, tập trung chuyên môn bởi giám định pháp y cần chuyên môn của ngành Y tế.
Đại biểu Lê Khánh Nhung đã đưa ra 5 lý do để chứng minh cho lựa chọn phương án 1 của mình. Mà theo đó, nguyên nhân chủ yếu là bởi “cần chuyên môn ngành Y”. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đồng ý với phương án bỏ giám định viên pháp y của công an cấp tỉnh, nhưng cho rằng cần phải có lộ trình.
Không thể mở rộng hơn nữa phạm vi giám định ngoài công lập
Trong dự thảo Luật giám định tư pháp, có quy định phạm vi hoạt động của ngoài công lập. Theo đó, về tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập do giám định viên tư pháp thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.
Vấn đề tập trung tranh luận đối với pháp y ngoài công lập là có nên mở rộng phạm vi của tổ chức giám định pháp y ngoài công lập không.
Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến cho rằng không thể xã hội hóa 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. “Không nên giao các vụ án hình sự cho tổ chức pháp y xã hội hóa.” Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhấn mạnh. “
Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) phát biểu: “ Trong các vụ án hình sự, kết luận Giám định được xem là chứng cứ. Do vậy việc thu thập chứng cứ phải được tiến hành chặt chẽ, không nên xã hội hóa việc này.
Ông Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) đưa ý kiến: Đại đa số các hoạt động xã hội hóa đều vì lợi nhuận, vậy khi cho phép giám định pháp y ngoài công lập thì có đảm bảo không? Trong khi việc thành lập tổ chức này đòi hỏi rất nhiều tính chính xác. Do vậy, quan điểm của tôi là trong điều kiện hiện nay chưa nên đưa giám định tư pháp ngoài công lập và giám định pháp y.
Vân Tùng