Ngày 4/9/1985, Tổng thống Philipines Marcos ký thông qua việc mở đường bay thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh - Manila của Hàng không Việt Nam. 5 ngày sau, chiếc máy bay B-707 mang số hiệu VN 9033 từ Thành phố Hồ Chí Minh đã đáp xuống phi trường Manila (Philippines).
Lượt về chuyến bay năm ấy đã chở theo 30 tấn thuốc men, hàng hóa, quà biếu của Việt kiều gửi về cho thân nhân. Những ngày đầu tháng 9/1985, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc góp phần giúp Việt Nam phá thế cấm vận của Mỹ, từng bước tiến ra và hội nhập với thế giới.
Đường bay không chỉ góp phần giúp cho sự phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước, đồng thời góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Philippines. Người đóng vai trò lớn cho việc khai thông đường bay này không ai khác chính là doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.
Với thế mạnh kinh nghiệm về đầu tư của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương và sự hợp tác chặt chẽ với các Công ty trong nước ông Hạnh Nguyễn cũng được biết đến là người đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong phát triển kinh tế cho các khu vực vùng sâu vùng xa như Mộc Bài, Lao Bảo, Tịnh Biên, Móng Cái, Lào Cai…
Năm 1995, ông Hạnh Nguyễn bắt đầu tham gia phân phối rượu cao cấp của Moët Hennessy tại thị trường Việt Nam. Và từ việc liên doanh với hãng rượu Moët Hennessy ông bắt đầu thâm nhập thế giới kinh doanh thời trang xa xỉ với nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn |
Cho đến giờ, một trong những điều tạo nên thương hiệu cho IPP và cá nhân ông Hạnh Nguyễn là bước đột phá dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh thời trang hàng hiệu. Ông và Tập đoàn IPP đã đầu tư mở rộng hệ thống các cửa hàng hàng hiệu của mình tại TP HCM và Hà Nội với hơn 75 thương hiệu thời trang, đồng hồ nữ trang, đồ da cao cấp hàng đầu thế giới như: Rolex, BVLGARI, Versace, Dolce & Gabbana, Cartier, Bally, Ferragamo, Tumi, Tag Huer, Nike, Banana republic, CK, Tommy Hilfiger, GAP…
Ông Hạnh Nguyễn kết hôn với cựu ngôi sao của phim “Vị đắng tình yêu” Lê Hồng Thủy Tiên. Có giai thoại kể, đầu thập niên 90 để theo đuổi “nàng thơ” của mình, ông Hạnh đi mọi chuyến bay có người đẹp Thủy Tiên.
Từ năm 2012, ông có thêm biệt danh “bố chồng Tăng Thanh Hà” khi con trai thứ Louis Nguyễn kết hôn cùng diễn viên nữ chính phim “Đẹp từng Cen - ti- mét.” Nhắc đến cô con dâu thuộc giới showbiz ông cười: “Nhờ con dâu, anh em nghệ sĩ ủng hộ, kinh doanh hàng hiệu IPP cũng phất lên.”
Năm 2018, Tập đoàn IPP đánh dấu bước ngoặt lớn bằng việc mở rộng kinh doanh bán lẻ sang lĩnh vực công nghệ và trí tuệ nhân tạo với những mở đầu là cửa hàng EDIGI – nhà phân phối bán lẻ và trung tâm bảo hành của APPLE. Và dường như khát vọng nâng tầm Việt Nam trước thế giới trong con người ông Hạnh Nguyễn vẫn chưa có chỉ dấu nào cho thấy sẽ dừng lại...
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và ông Alfonso Dolce trong buổi ra mắt thương hiệu thời trang đình đám của Ý Dolce & Gabbana tại Việt Nam |
Là một doanh nhân thành đạt, ông Hạnh Nguyễn dành nhiều tâm huyết cho vấn đề khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp. Ông cũng sẵn sàng ủng hộ, đầu tư tài chính cho các dự án khởi nghiệp của thế hệ trẻ.
Tại buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM về vấn đề này, ông hào hứng chia sẻ: “Khởi nghiệp luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta, điều quan trọng là các bạn phải nắm bắt được thời cơ, khi đã có ý tưởng trong đầu, nếu có điều kiện các bạn phải bắt tay vào thực hiện ngay chứ không nên chờ đợi vì cơ hội sẽ không đến với mình lần thứ hai.
Muốn khởi nghiệp đầu tiên phải thích; thứ hai là phải có ước mơ, phải dám ước mơ; thứ ba là phải can đảm, kiên trì; thứ tư là phải có chiến lược kinh doanh cụ thể; thứ năm là phải có tài chánh; thứ sáu là phải có nguồn lực nhân sự; thứ bảy là về pháp lý… Các bạn trẻ phải dám ước mơ và kiên trì thực hiện ước mơ của mình.”
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Tập đoàn IPP) do doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng thành viên được thành lập ngày 29/10/2002 tại Việt Nam.
Trong nhiều năm qua Tập đoàn IPP đã đầu tư, cùng hợp tác đầu tư và đưa về đầu tư tại Việt Nam 47 dự án với tổng số vốn hơn 500 triệu USD và đã tạo công ăn việc làm cho hơn 25 ngàn lao động ở Việt Nam, doanh số hàng năm bình quân đạt 542 triệu USD, số tiền đóng thuế của Tập đoàn IPP với Nhà nước ngày càng tăng. Từ năm 2010 đến năm 2018 tổng số tiền thuế mà tập đoàn đã nộp vào ngân sách nhà nước là gần 9.343 tỷ đồng.