Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
(PLVN) - Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn - là thông điệp nổi bật trong bài phỏng vấn dành cho Thông tấn xã Việt Nam của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn.

Thưa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong hoạt động Quốc hội năm vừa qua?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Có thể thấy khối lượng công việc của Quốc hội trong năm 2023 nhiều hơn, có thể nói là “nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay”.

Đó là việc tổ chức thành công 5 kỳ họp Quốc hội với 2 kỳ họp thường kỳ và 3 kỳ họp bất thường; 16 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa kể các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 để tiếp thu, giải trình các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại 2 kỳ họp thường kỳ của Quốc hội. Như vậy, số lượng kỳ họp của riêng năm 2023 đã bằng số lượng kỳ họp của nửa nhiệm kỳ Quốc hội.

Bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, với sáng kiến bố trí, sắp xếp thành hai đợt họp của mỗi kỳ cho thấy sự linh hoạt, thích nghi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2023 cũng là năm có nhiều “lần đầu tiên” như: Tổ chức thành công Giải Diên Hồng lần thứ nhất; chuẩn bị cho lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ hai (diễn ra vào tháng 1/2024); Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm quán triệt quan điểm và chỉ đạo của Trung ương là “gắn chặt việc xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”; Diễn đàn Người lao động; Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”… Trong đó, một số sự kiện đã được bình chọn là sự kiện tiêu biểu của Quốc hội năm 2023.

Như vậy, có thể thấy khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, đặt ra yêu cầu rất cao đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội. Mặc dù công việc nhiều, áp lực lớn, theo tôi, điều đáng quý nhất là mỗi cán bộ, đại biểu Quốc hội… đều cảm thấy vui trong việc đóng góp công sức của mình vào công việc chung. Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đều ở trong guồng công việc, sự cố gắng, nỗ lực chung này.

Tôi muốn nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân - là trung tâm của hoạt động Quốc hội. Qua các nhiệm kỳ, hoạt động của đại biểu Quốc hội ngày càng có những chuyển biến tích cực gắn với đổi mới về tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Tại các kỳ họp, đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, phát biểu sâu sắc, đa chiều trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, số lượng đại biểu đăng ký tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn rất lớn, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Có thể thấy, tinh thần đổi mới ở nghị trường đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; cho thấy những nỗ lực trong thực hiện lời hứa với cử tri.

Về công tác lập pháp, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW (năm 2021) về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ.

Tính đến Kỳ họp thứ 6, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV (đạt 83,21%).

Đây là minh chứng rõ rệt của sự đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động, tích cực của Đảng đoàn Quốc hội trong việc khẩn trương thể chế hóa chủ trương, đường lối Đại hội XIII của Đảng, sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Từ kết quả trên cho thấy chúng ta đã và đang khắc phục được tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo” trên tinh thần chủ động từ sớm, từ xa. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết và phát triển trong 78 năm Quốc hội Việt Nam.

Nhìn lại năm 2023, hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một “điểm sáng”. Chúng ta không chỉ giám sát theo kiểu “hậu kiểm”, mà đặt trọng tâm giám sát ngay những vấn đề đang được triển khai, từ đó Quốc hội cùng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước…

Để ra được những quyết sách kịp thời như thế này xuất phát từ việc chuẩn bị “từ sớm, từ xa”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, giám sát đã được xác định là một nội dung trọng tâm và then chốt. Thực hiện tốt chức năng giám sát sẽ tác động tích cực tới việc thực hiện các chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam)

Xin Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những trọng tâm công tác và yêu cầu nhiệm vụ mới của Quốc hội trong năm 2024?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết định chưa thông qua hai dự thảo gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sau khi nghiên cứu, tiếp thu góp ý của 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của dự án luật này và còn nhiều ý kiến khác nhau về quan điểm trong xem xét dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp.

Việc Quốc hội bổ sung nội dung này vào trong Kỳ họp thứ 6 và thông qua Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với việc đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cuộc sống, điều này còn cho thấy Quốc hội tiếp tục quán triệt nguyên tắc: Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời.

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Quốc hội đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cũng đã đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6-6,5%.

Như tôi đã nói, Quốc hội tiếp tục xuyên suốt tinh thần lập pháp chủ động, kiến tạo phát triển với tầm nhìn dài hạn. Với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ kịp thời, trong thẩm quyền của mình, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết. Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia với số vốn đầu tư rất lớn. Sáu dự án này đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng và từng địa phương có dự án đi qua.

Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tiếp tục trên tinh thần đó. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp 21 dự án giao thông trọng điểm khác của đất nước rút ngắn đáng kể thời gian, tăng tốc tiến độ dự án.

Vừa qua, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực và trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét, xử lý và báo cáo kết quả vào Kỳ họp thứ 7, có giải pháp khắc phục ngay các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận công chức, viên chức. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Kết quả của tổng rà soát, hệ thống hoá hệ thống pháp luật có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình cải cách hành chính. Từ đó, năm 2024, chúng ta tiếp tục thực hiện tổng rà soát về thủ tục hành chính.

Cùng với đó chúng ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội; sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Quốc hội cùng với hệ thống chính trị tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…

Tất cả đều nhằm mục đích khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất Đại Hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất Đại Hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 44 (AIPA-44)

Xin Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ về công tác ngoại giao nghị viện và những yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay, nhất là phát huy “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn mới?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hòa chung trong thành tựu đối ngoại Việt Nam, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thời gian qua không chỉ diễn ra sôi động mà còn được nâng lên về chất. Chúng ta đã “phát huy mạnh mẽ nét đặc trưng vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc”. Có thể khẳng định năm 2023 là năm thành công nổi bật của ngoại giao nghị viện.

Đã có trên 10 đoàn Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện các nước thăm chính thức Việt Nam và nhiều chuyến công tác của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam tới các quốc gia tham dự diễn đàn đa phương; nhiều thoả thuận quốc tế nhân danh Quốc hội được ký mới/ký lại giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước.

Hoạt động đối ngoại song phương được chú trọng quan hệ với các nước láng giềng; đưa quan hệ với các nước đối tác chiến lược đi vào chiều sâu; thúc đẩy thực chất quan hệ với các đối tác hợp tác và bạn bè truyền thống; tăng cường sự tin cậy với các đối tác khác…

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã đưa ngoại giao nghị viện trở thành một kênh chính trị đối ngoại quan trọng, là nguồn sức mạnh thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao vị thế quốc tế của quốc gia…

Trong ngoại giao nghị viện đa phương, Quốc hội đã tham gia tích cực, chủ động với tâm thế sẵn sàng “đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung” và “khởi xướng, dẫn dắt” các sáng kiến mới tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế, khu vực như IPU, AIPA...

Điển hình gần đây là thành công của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Hội nghị đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU qua 9 kỳ hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng các đại biểu chụp ảnh chung, tại Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng các đại biểu chụp ảnh chung, tại Lễ khai mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Lào vào đầu tháng 12/2023 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội 3 nước đã ký thông qua Tuyên bố chung. Việc thành lập cơ chế này là mốc son quan trọng trong lịch sử hợp tác giữa ba Quốc hội, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa ba cơ quan lập pháp lên cấp cao nhất.

Hội nghị đánh dấu sự hoàn thiện “ba đỉnh tam giác” của cơ chế hợp tác cấp cao Campuchia - Lào - Việt Nam, đó là Người đứng đầu ba Đảng, Thủ tướng ba nước và giờ là Chủ tịch ba Quốc hội, đã được hoàn thiện, tạo thành thế “kiềng ba chân”: Chủ trương, đường lối của Đảng; thể chế hóa, xây dựng khung khổ pháp lý và giám sát của Quốc hội; thực thi của Chính phủ để 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn.

Nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là phải tiếp tục gìn giữ và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước hướng tới hai mục tiêu 100 năm (đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước). Để làm tốt nhiệm vụ đó, cần phải không ngừng đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong tư duy đối ngoại, trong phương cách triển khai, với tư duy mới, cách làm mới. Tư duy mới là cách tiếp cận toàn cầu, đa phương và liên ngành, trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta cần tiếp tục phát huy trường phái đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam tiếp tục vun đắp quan hệ với cơ quan lập pháp các nước, quan hệ tốt đẹp với các liên minh nghị sĩ hữu nghị, cá nhân các nghị sĩ có uy tín..., coi đó như là “vốn chính trị” của chúng ta trong quan hệ với các cơ quan lập pháp các nước.

Cùng với đó là tiếp tục phát huy thế mạnh của kênh đối ngoại Quốc hội, là đại diện cho người dân; đẩy mạnh kết nối giao lưu “mềm” về văn hóa, xã hội, giáo dục, thanh niên, du lịch... và lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của Việt Nam đến với khu vực và quốc tế.

Đối ngoại Quốc hội cũng tiếp tục gắn với triển khai nhiều khuôn khổ hợp tác mới xác lập gần đây, như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP26, triển khai sáng kiến “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC) của Chính phủ Nhật Bản…

Chúng ta tiếp tục chú trọng thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế, xác định đây là nhiệm vụ trung tâm, là động lực quan trọng để phát triển, trên tinh thần “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.

Nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với công tác đối ngoại và là xu thế tất yếu của nền ngoại giao thế giới. Quốc hội sẽ tiếp tục dành ưu tiên cao cho ngành ngoại giao khi xem xét, quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Cùng với đó, đối ngoại Quốc hội tiếp tục chủ động triển khai chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN - AIPA và Liên Hợp Quốc - Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); sẵn sàng “khởi xướng, dẫn dắt” trong các vấn đề mà Việt Nam có thế mạnh, có kinh nghiệm như: Xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, bình đẳng giới, y tế...

Năm 2023 dân số Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu - là một dấu mốc quan trọng, ấn tượng trong quá trình phát triển. Đất nước đã có gần 40 năm đổi mới, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình và tăng nhanh… Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Mùa Xuân mới đang về, tôi xin chúc đồng bào, cử tri cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chủ động của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, nỗ lực và tâm huyết của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, sớm hoàn thành những mục tiêu phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ!./.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...