Chư Prông, bừng sáng góc trời biên giới

Một góc làng quê trên vùng biên giới Chư Prông hôm nay
Một góc làng quê trên vùng biên giới Chư Prông hôm nay
(PLO) - Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng chân núi biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai sáng như một trời sao. Ánh điện lung linh quyện với những thanh âm rộn rã từ những dãy nhà cao tầng ở thị trấn biên giới này gợi cho ta cảm giác như đang sống ở một nơi phồn hoa đô hội. Người ta không biết rằng, chính nơi đây hơn 40 năm về trước là vùng đất bom cày, đạn xới, hoang tàn bởi chiến tranh để lại.

Chư Prông là một huyện biên giới phía Tây của tỉnh Gia Lai giáp với nước bạn Campuchia. Dải đất rộng trên 170.000 ha, nằm dưới đỉnh núi Chư Prông lộng gió đã cho huyện mang tên ngọn núi án ngữ vùng đất phía Tây.

Những người tiên phong đi mở đất

Ông Phan Sỹ Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Chư Prông cho biết, Nông trường Cao su Chư Prông đã được thành lập giữa năm 1977 và sau đó hơn 2000 ha cao su mới trồng đã phải thanh lý một nửa vì không phát triển được, công nhân xao xác kẻ ở người đi. Nhưng như lời đảng viên Mai Khắc Tuấn, nguyên Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của công ty, tâm sự: “Dù gian khổ đến mấy và còn rất ít người ở lại, chúng tôi đều là những đảng viên, nhiều đồng chí đã trưởng thành trong quân đội vẫn vững vàng trụ lại, đi tiên phong hướng dẫn, thuyết phục công nhân bám đất, bám rừng để trồng cây cao su như Nghị quyết của chi bộ đã xác định”.

Đồng chí Lương Văn Quý, Phó Bí thư  Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn công ty nhắc lại câu thành ngữ: “Trong cái khó ló cái khôn” và đúng là như vậy. Bằng sức tổng lực dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ công ty và tiếp sức từ đồng bào các dân tộc nơi đứng chân, công ty đã huy động vốn, sức lao động nhàn rỗi của người dân, kẻ góp công, người góp của để phát triển nguồn cao su gia đình; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây, quản lý kinh tế chặt chẽ và khoa học. Từng chi bộ đã ra Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi đảng viên lãnh đạo từ 10 đến 15 hộ gia đình trong nhiệm vụ bám đất rừng để khai hoang trồng cao su.

Vẫn những con người ấy, những đảng viên ấy nhưng trái tim và khối óc thì đã chuyển thay, luôn khát khao cho đất rừng biên giới này thay đổi. Gần 40 năm, sức của con người kỳ diệu quá. Đến nay, công ty đã có 3.000 cán bộ, công nhân với gần 9.000 ha cao su trải dài dọc miền biên giới, gần 500 ha cà phê với 5 nông trường: Thống Nhất, Thanh Bình, Đoàn Kết, Suối Mơ, Hòa Bình và nhiều xí nghiệp trực thuộc, trong đó có nhà máy chế biến mủ cao su công suất trên 7000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh công suất 5000 tấn/năm.

Nói về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty, đồng chí Trần Ngọc Bính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết, công ty luôn bảo tồn và phát triển được vốn sản xuất kinh doanh. Nếu doanh  thu năm 1997 chỉ có trên 24,4 tỷ đồng thì nay có thời điểm cao su được giá nhất đã đạt trên 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 300 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng. Đảng bộ công ty luôn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hàng năm.

Hiện nay Đảng bộ có trên 200 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ gồm các nông trường, đội sản xuất, trường học, nhà máy chế biến… Khi chúng tôi đến thăm gia đình chị Rơ Chăm Buk, chị nói: “Tôi là công nhân của công ty, làm cao su nếu được giá thì lương cao, thưởng lớn, thật là ưng cái bụng lắm!”. Tôi đã gặp những công nhân cạo mủ cao su giỏi mà vẫn thường gọi là “bàn tay vàng” như Hoàng Văn Đông, KBăh Bem, Rơ Mah Lớ, Nguyễn Huy Hoàng… của công ty, đó là những gương mặt rạng ngời, toát lên một cuộc sống no đủ, ấm êm của những người đã xác định gắn bó trọn đời với nghề cao su ở nơi đây.

Chiều về, sau một ngày lao động, những chàng trai, cô gái dân tộc Jơ Rai, Xơ Đăng của các xã Ia Boòng, Ia Me, Ia Tô, Ia Băng rảo bước trên những con đường nhựa rộng mở, ánh mắt tràn đầy hạnh phúc vì họ đã cùng với công ty đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và nhiều danh hiệu cao quý khác trong  40 năm xây dựng và phát triển.

Giúp đồng bào cùng tiến bước

Tổng Giám đốc Công ty Phan Sĩ Bình khẳng định: “Ở địa bàn chiến lược như biên giới Chư Prông, việc đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân cao su là đúng đắn và cần thiết nên Đảng bộ công ty xác định là mục tiêu xuyên suốt từ trước tới nay”.

Ngay từ những nay đầu thành lập, công ty đã thu nhận hàng trăm người dân tộc Ja Rai ở các xã lân cận vào làm công nhân của công ty. Đến nay, công ty đã có trên 1.500 công nhân là người Ja Rai ở 42 buôn của 11 xã trong huyện, chiếm 56% tổng số công nhân của công ty. Riêng ở Nông trường Hòa Bình, có đến gần 92% công nhân là người Ja Rai, hoặc ở Nông trường Suối Mơ, tỷ lệ này là 77%. Công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm trên 100km đường  cấp phối, 19km đường nhựa, 10km đường điện trung hạ thế, xây dựng trung tâm y tế 30 giường bệnh rồi trường học từ thị trấn đến các buôn làng… cho bà con. Giúp bà con vay không lãi để làm nhà kiến cố, ưu tiên về việc làm, định mức đầu tư, đơn giá tiền lương… rồi xóa mù chữ, bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 cho trên 500 người Ja Rai ở các xã. Lương bình quân của công nhân người dân tộc thiểu số đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều thợ giỏi cạo mủ như  Kpả Hyol, Kpả Bem, Siu Lun, Kpuih Gan… và rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở công ty có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cuộc sống rất khá giả.

Trong số trên 1.500 người dân tộc thiểu số được tuyển dụng vào làm công nhân, được giao khoán chăm sóc vườn cây, không chỉ đời sống được đảm bảo, vượt khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu như vợ chồng trẻ Rơmah Bli và Siu Keng ở làng Klă, xã Chư Đrăng là một ví dụ. Với 3 ha cao su nhận khoán, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, có những tháng thu đến 12 triệu đồng. Anh chị còn được công ty hỗ trợ trồng 800 cây cà phê, cấy 3 ha lúa nước, thu nhập mỗi năm trên 120 triệu đồng. Còn với anh Kpă Toa, 26 tuổi ở đội 4, Nông trường Đoàn Kết khi được hỏi vì sao trở thành thợ cạo mủ giỏi thì anh nói: “Mình phải luôn mài con dao cho thật sắc, đi cạo đúng giờ, đúng kỹ thuật…”. Anh khoe: “Tết vừa qua gia đình em được thưởng 15 triệu đồng.

Đêm về trên biên giới Chư Prông thật thanh bình, yên ả. Trong nhịp sống hối hả hôm nay, hương đất Chư Prông tỏa ra từ cao su, cà phê, từ những ngôi nhà khang trang trong những con đường nhỏ bình yên, no đủ. Trên nhà rông cao vút của xã Chư Đrăng, bên dòng suối Ia Đrăng quanh năm cuộn chảy, tôi nghe rõ âm hưởng cất lên từ bài hát “Đêm trên Cha Lo” của nhạc sĩ  Phạm Tuyên trên chiếc loa truyền thanh vọng vào vách núi: “Em có thấy góc trời biên giới, như rực ánh hồng chân mây. Hỡi gió núi hãy hát cùng ta, nắng quê hương bừng lên, mãi xanh tươi cuộc đời’’… mà thấy tha thiết, thân thương quá giữa đất trời biên giới Chư Prông…

Đọc thêm

Tân Phó Tổng Giám đốc VEC là ai?

Chủ tịch và Tổng Giám đốc VEC chúc mừng tân Phó Tổng Giám đốc Đặng Hoài Nam.
(PLVN) - Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Hoài Nam giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc tổng công ty này.

PJICO tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2024, thông qua kế hoạch phát triển mới

PJICO tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông năm 2024, thông qua kế hoạch phát triển mới
(PLVN) - Ngày 10/4, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội đã thông qua phương án nhân sự, kế hoạch kinh doanh năm 2024 và định hướng phát triển kinh doanh giai đoạn 5 năm tới. Ông Phạm Thanh Hải tiếp tục được bầu giữ vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Máy chạy xuyên đêm trên công trường đường dây 500kV mạch 3

Thi công "3 ca, 4 kíp", cả ngày lẫn đêm là khẩu hiệu trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.
(PLVN) - Giữa màn đêm, đèn phá của máy công trình đủ sáng để những người thợ đủ nhìn mà điều chỉnh các đầu đục phá đá, mở đường tới nơi dựng cột. Ở một số vị trí khác, xe máy vẫn liên tục bơm bê tông vào hố móng dù đêm đã về khuya…

Tự động hóa quy trình kinh doanh: Không còn thời gian để đắn đo!

Theo đại diện FaceNet, tự động hóa không chỉ giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn mà còn cải thiện đáng kể trải nghiệm của người dùng cuối. (Ảnh: Thanh Thanh)
(PLVN) - Theo GlobeNewsWire, thị trường tự động hóa quy trình kinh doanh (BPA) toàn cầu được dự báo sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép là 11,4%. Năm 2023, thị trường BPA được ước tính trị giá khoảng 14,2 tỷ USD, dự kiến tăng 30,2 tỷ USD vào cuối năm 2030. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn đang loay hoay với câu hỏi nên hay không nên…

Lên núi làm đường dây 500kV: Quyết tâm ắt ‘cao’ hơn núi

Đỉnh cao nhất trong dãy núi Hoàng Sơn hơn 1.000 mét. Có nhiều vị trí móng của đường dây 500kV mạch 3 phải xây dựng trên dãy núi này. (Ảnh: lãnh đạo EVN kiểm tra cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu).
(PLVN) - “Va vào đá” là cụm từ diễn tả độ khó của địa hình, địa vật tại nhiều vị trí, gói thầu của Dự án đường dây 500kV mạch 3, đòi hỏi nhà thầu thi công ngoài việc hô “quyết tâm” còn phải đầu tư nguồn lực đủ mạnh mới chinh phục được đá núi để dựng cột, kéo dây...

Gần 400 căn hộ xanh - thông minh Sunshine Green Iconic sắp xuất hiện tại khu Đông Hà Nội

Gần 400 căn hộ xanh - thông minh Sunshine Green Iconic sắp xuất hiện tại khu Đông Hà Nội
(PLVN) -  Sunshine Green Iconic - một trong những dự án trọng điểm “Nhà Sunshine” hiện đang giữ tốc độ triển khai thần tốc dưới sự giám sát chặt chẽ của tổng thầu SCG Group, nhanh chóng bước sang giai đoạn thi công hoàn thiện: Hệ thống điện, nước, PCCC… cả 4 tòa và sớm mang đến bộ sưu tập 400 căn hộ “Vertical Garden 4.0” đầu tiên tại khu Đông Hà Nội.

PVFCCo: 21 năm vững bước, không ngừng bổ sung động lực mới cho phát triển bền vững

PVFCCo: 21 năm vững bước, không ngừng bổ sung động lực mới cho phát triển bền vững
(PLVN) - 21 năm trước (28/3/2003), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - tiền thân là Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận Nhà máy Đạm Phú Mỹ - nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sản xuất phân đạm từ nguồn khí tự nhiên với công suất tương đương gần 50% nhu cầu phân đạm trong nước khi đó.

Viettel đứng thứ hai thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông

Viettel đứng thứ hai thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông
(PLVN) - Brand Finance - tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ hai thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…