Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế điều hành thảo luận. Tham dự trực tiếp hội nghị có các lãnh đạo Bộ Ngoại giao, thủ trưởng các đơn vị trong Bộ, các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 và 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài dự trực tuyến.
Phát biểu định hướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm triển khai các yêu cầu của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao 32 đối với công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.
Từ đó, xác định các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2024 và thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai công tác Ngoại giao kinh tế. Hội nghị sẽ tập trung trao đổi về các nhiệm vụ cần phải làm trong năm 2024, đặc biệt các ý tưởng tạo đột phá, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, tình hình thế giới và khu vực năm 2024 tiếp tục chiều hướng phức tạp, có thể phát sinh thêm những biến động mới. Kinh tế thế giới năm 2024 dự báo ổn định hơn nhưng vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro, thách thức.
Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực của những tháng cuối năm 2023 và đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt về xuất khẩu và đầu tư. Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đánh giá tích cực, đặt kỳ vọng cao về tình hình và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, kinh tế trong nước còn nhiều thách thức, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, nhu cầu của các thị trường xuất, nhập khẩu chủ chốt còn nhiều khó khăn...
Phát huy các thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo cơ hội mới để phát triển và nâng cao uy tín, vị thế đất nước đã đạt được trong năm 2023, công tác đối ngoại và Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp vào các thành tựu chung của đất nước.
Riêng trong tháng 1, Việt Nam đã tổ chức thành công, hiệu quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị WEF Davos 2024 và thăm chính thức Hungary và Romania; đón 5 đoàn cấp cao (các đoàn Tổng thống Đức, Indonesia, Philippines, Thủ tướng Lào, Chủ tịch Quốc hội Bulgaria), với nhiều thỏa thuận quan trọng được ký kết, được Lãnh đạo cấp cao đánh giá cao.
Tại hội nghị, bà Đoàn Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế trình bày báo cáo về các nhiệm vụ Ngoại giao kinh tế trọng tâm năm 2024 và các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai công tác Ngoại giao kinh tế.
Các Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thủ trưởng các đơn vị cũng đã tập trung thảo luận vào 3 nội dung bao gồm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới phục vụ 3 đột phá chiến lược; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; nâng cao hiệu quả công tác Ngoại giao kinh tế với trọng tâm là việc rà soát các thoả thuận, cam kết quốc tế.
Các đại biểu đã xác định các nội hàm, trọng tâm và động lực cần tập trung thúc đẩy từ việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn, đối tác chủ chốt, theo lĩnh vực trong thời gian qua; đề xuất và thống nhất các nhiệm vụ Ngoại giao kinh tế trọng tâm năm 2024 trên cơ sở bám sát các nhu cầu phát triển của đất nước, tình hình địa bàn và các định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32.
Các đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Ngoại giao kinh tế, trong đó có giải pháp trọng tâm trong năm 2024 là tập trung đôn đốc, thúc đẩy, các thỏa thuận với các đối tác, nhất là trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh...
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa tiên quyết để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, tạo nền tảng quan trọng hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến của các trưởng cơ quan đại diện và thủ trưởng các đơn vị trong Bộ, Bộ trưởng đề nghị thủ trưởng các đơn vị, trưởng cơ quan đại diện bám sát các chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và nhu cầu thực tiễn trong nước của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.
Từ đó, tập trung vào huy động nguồn lực của toàn đơn vị và cơ quan đại diện trong phục vụ 3 đột phá chiến lược; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới để đưa Ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của công tác Ngoại giao kinh tế năm 2024.
Thứ nhất, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin dự báo.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác Ngoại giao kinh tế và vai trò điều phối của Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế.
Để hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm trên, Bộ trưởng đề xuất chú trọng các nội dung như tập trung phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống để mở rộng cơ hội xuất khẩu và thu hút đầu tư chất lượng cao; rà soát, đôn đốc, triển khai các cam kết, thoả thuận quốc tế trong các hoạt động đối ngoại.
Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế; đưa các hoạt động Ngoại giao kinh tế gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp; tiếp tục tổ chức hiệu quả việc quán triệt, rà soát, đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, của Bộ về công tác Ngoại giao kinh tế…
Trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đối ngoại nói chung, Ngoại giao kinh tế nói riêng sẽ nặng nề, khó khăn và vất vả hơn, “đòi hỏi chúng ta phải hết sức chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, cách làm” để có thể hoàn thành nhiệm vụ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao.