Thông báo kết luận nêu rõ, năm 2019, CPI bình quân ước khoảng 2,7% - 2,8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm ở mức 4%, nằm trong kịch bản thấp; kết quả kiểm soát lạm phát trong 4 năm liên tục hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi chỉ số tăng trưởng kinh tế tiếp tục đạt cao ước trên 7%, gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng của lạm phát thể hiện phát triển kinh tế đất nước bền vững, đời sống kinh tế-xã hội được duy trì ổn định.
Điều hành giá năm 2019 thực hiện được 2 mục tiêu kép, đó là lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu, việc điều chỉnh giá của một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu (điện, giáo dục, y tế,…) vẫn đảm bảo thực hiện theo lộ trình đề ra.
Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ trong năm 2019 và tổng kết đánh giá, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tăng cường đẩy mạnh hơn nữa để tạo cơ sở, điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong đó đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%.
Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ. Trước mắt không thực hiện điều chỉnh giá trong quý I và quý IV đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; trường hợp điều chỉnh, phải có phương án giá cụ thể và các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê; Sở Tài chính và cơ quan thống kê tại địa phương để tính toán mức độ tác động vào CPI, trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thận trọng.
Đối với công tác phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đẩy mạnh thực hiện mô hình Chương trình bình ổn thị trường Tết, Chương trình kết nối cung cầu hiệu quả tại một số địa phương, chú trọng các địa bàn lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội,… và đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.
Đồng thời chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, nắm bắt tình hình giá cả thị trường để dự báo, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp trong từng giai đoạn, từng thời kỳ; nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu có giải pháp chủ động chuẩn bị các nguồn hàng hóa vào đầu năm và cuối năm để hạn chế tăng giá bất hợp lý…
Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 2 – 2,5%. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...