Hôm nay (28/3), Chính phủ đã tổ chức Phiên họp chuyên đề góp ý vào Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về các vấn đề được nêu trong Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung vào đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Các thành viên Chính phủ cũng cho ý kiến vào các vấn đề cần xin ý kiến Chính phủ như: Quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”; thẩm quyền của Chính phủ quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tính chất của HĐND; việc điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến HĐND; quy định Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”; quy định trưng cầu ý dân về Hiến pháp…
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị về 7 nhóm vấn đề với các lập luận cụ thể về từng đề xuất, kiến nghị, trong đó tập trung chuyên sâu về nhóm kiến nghị, đề xuất về chế định Chính phủ, chính quyền địa phương. Về nhóm kiến nghị, đề xuất liên quan đến Chính phủ, Dự thảo Báo cáo của Chính phủ kiến nghị xác định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; đề xuất về cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do luật định; những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ phải được quyết định theo đa số; về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được kiến nghị nên quy định khái quát thành 07 nhiệm vụ, quyền hạn thuộc 02 nhóm chức năng của Chính phủ là: chức năng thực hiện quyền hành pháp và chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; bổ sung quy định rõ Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước; kiến nghị bổ sung, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng trong việc “tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc” và thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, kiểm tra việc thi hành pháp luật, xử lý theo quy định của luật các văn bản pháp luật có vi phạm….
Về nhóm kiến nghị, đề xuất liên quan đến chính quyền địa phương, Dự thảo Báo cáo của Chính phủ kiến nghị bổ sung quy định mở cho việc thành lập các loại đơn vị hành chính – lãnh thổ khác chưa được quy định trong Hiến pháp; đưa ra 2 phương án xác định chính quyền địa phương gồm HĐND và cơ quan hành chính nhà nước (Phương án 1) hoặc Ủy ban hành chính cùng cấp (Phương án 2); quy định rõ việc thành lập chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 26 (2008) của Quốc hội, phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và phân cấp quản lý theo quy định của luật; xác định vị trí, vai trò HĐND là cơ quan đại diện của nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương trong đó có việc quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương gắn với nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm….
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị về quy định đối với cơ quan nhà nước khác liên quan đến Chính phủ, như Quốc hội, Chủ tịch nước, TANDTC, Hội đồng Hiến pháp nhằm cụ thể hóa nhất quán nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước và nguyên tắc phân cấp giữa trung ương và địa phương; các kiến nghị, đề xuất liên quan đến chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, về vấn đề thu hồi đất, về kỹ thuật lập hiến.
Lan Phương