Ước tính tổng số tiền chi trả hàng năm của các chương trình PES trên toàn thế giới trên 36 tỷ USD. Đây là một trong những giải pháp được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua dự án “Mạng lưới Dịch vụ Hệ sinh thái và Đa dạng Sinh học” (BES-Net) giai đoạn II - một sáng kiến hợp tác giữa Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), UNEP-WCMC và UNESCO, được hỗ trợ bởi Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) của Chính phủ Đức và SwedBio. Dự án nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái để tăng cường khả năng phục hồi của Trái đất và phúc lợi của con người.
Tại Việt Nam, chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được triển khai thành công trong hơn một thập kỷ qua, góp phần tăng nguồn lực tài chính cho bảo vệ và phát triển rừng. Những bài học kinh nghiệm từ chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ sở để nhân rộng cơ chế tương tự cho các hệ sinh thái khác, trong đó có môi trường biển và đất ngập nước.
Mới đây, tại hội thảo kỹ thuật về “Đánh giá và thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP tổ chức, nhóm nghiên cứu của UNDP và Viện Chiến lược, Chính sách, Tài nguyên và Môi trường đã trình bày một báo cáo cơ sở cho việc “xây dựng đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên cấp tỉnh và cấp cơ sở cũng như chuẩn bị đề án thí điểm cơ chế chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon đối với hệ sinh thái biển và hệ sinh thái đất ngập nước”.
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cần có những đóng góp thiết thực góp phần thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học đầy tham vọng cam kết trong Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu đưa ra tại Hội nghị lần thứ 15 (COP15) các bên của Công ước Đa dạng sinh học. Những nỗ lực không chỉ đến từ các nhà hoạch định chính sách, mà còn từ các tập đoàn và cá nhân cùng đưa ra các sáng kiến thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái giúp cho công cuộc tái tạo, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái ở Việt Nam”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã triển khai các sáng kiến “giống như PES” cho các hệ sinh thái biển và đất ngập nước, nhưng hiện tại vẫn chưa có chi trả toàn diện cho dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước. Một số áp dụng PES trong thực tiễn như: Thu phí dịch vụ tham quan đối với các khu vực biển và vùng đất ngập nước được bảo vệ, mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, hay phát triển các phương pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường ở một số vùng ven biển với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan.
Báo cáo nhấn mạnh rằng sự thành công của các chương trình PES phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau và có thể không phải lúc nào cũng tối ưu hóa chi phí. Các chương trình này hoạt động tốt nhất khi các dịch vụ được xác định rõ ràng, những người thụ hưởng được tổ chức tốt và các cộng đồng quản lý đất đai và tài nguyên có quyền sở hữu rõ ràng và khung pháp lý vững chắc. Các hệ thống PES chủ yếu tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái/môi trường có giá trị cao đối với người hưởng lợi và chi phí cung cấp dịch vụ thấp. Các dịch vụ đầu nguồn, dịch vụ môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ carbon và vẻ đẹp cảnh quan là những mục tiêu chính của các chương trình PES trên toàn cầu.
Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả áp dụng, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tầm quan trọng của những đóng góp, ý kiến của chuyên gia đối với kết quả nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách trong việc hoàn thiện, thúc đẩy cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái hiệu quả.