Được tống đạt văn bản của “cơ quan, tổ chức khác”
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP do Bộ Tư pháp chủ trì dự kiến mở rộng phạm vi tống đạt của Thừa phát lại theo hướng:
Thừa phát lại được tống đạt văn bản của đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự; thực hiện tống đạt văn bản trong hoạt động tương trợ tư pháp (Công ước La Hay 1965) và tống đạt văn bản của các cơ quan, tổ chức khác.
Xuất phát từ thực tế hiện nay, mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện (thậm chí có nơi còn nợ chi phí tống đạt cũng như quy trình, thủ tục tống đạt; sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa thực sự gắn kết…) nhưng có thể nói sau thời gian thí điểm, hoạt động tống đạt văn bản của Thừa phát lại đã tạo được lòng tin đối với cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự cũng như các cơ quan, tổ chức khác.
Nhờ đó, hiện nay thực tiễn đã xuất hiện thêm nhu cầu từ phía cơ quan, tổ chức khác trong việc nhờ Thừa phát lại tống đạt văn bản, không những chỉ trong dân sự mà cả các vụ việc hành chính; không chỉ trong cơ quan tố tụng mà còn của cơ quan, tổ chức khác.
Đối với mức chi phí tống đạt, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi nội dung này cho phù hợp theo từng nhóm đối tượng yêu cầu (nhóm đối tượng là Tòa án và cơ quan thi hành án theo mức do Nhà nước quy định như hiện nay; nhóm đối tượng là đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính và nhóm đối tượng là cơ quan, tổ chức khác theo nguyên tắc thỏa thuận; chi phí tống đạt văn bản về tương trợ tư pháp sẽ do pháp luật về tương trợ tư pháp quy định) và theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại.
Nên bỏ quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng?
Qua thời gian triển khai cho thấy, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại thời gian qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tống đạt văn bản và lập vi bằng; lĩnh vực xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án có kết quả rất thấp, chưa thực hiện được vụ cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng nào. Hạn chế này theo Bộ Tư pháp do nhiều nguyên nhân.
Đáng chú ý, đây là hoạt động khó khăn, phức tạp, trong khi đó Thừa phát lại là một nghề mới, đang từng bước khẳng định vị trí trong hoạt động bổ trợ tư pháp và thị trường dịch vụ pháp lý, số lượng các Văn phòng còn mỏng, thời gian thực tế hoạt động chưa nhiều.
Bên cạnh đó, các quy định của Chính phủ về hoạt động này chưa đủ để tạo điều kiện cho Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, nhất là nhiệm vụ, quyền hạn không ngang bằng với chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, sự hiểu biết của người dân, xã hội đối với chế định Thừa phát lại còn hạn chế, người dân vẫn lựa chọn hệ thống cơ quan thi hành án với sự đầu tư và hỗ trợ rất lớn từ Nhà nước mà chưa mạnh dạn sử dụng dịch vụ thi hành án của Thừa phát lại.
Ngay cả đối với việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế không có huy động lực lượng thì Thừa phát lại cũng gặp rất nhiều khó khăn do không nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía các cơ quan, tổ chức như: cơ quan thuế, cơ quan đăng ký tài sản, tổ chức tín dụng...
Về định hướng quy định thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại, hiện nay có 2 luồng quan điểm: Thứ nhất, giữ nguyên quy định hiện nay về thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại, kể cả tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác thi hành án dân sự khi xây dựng chế định Thừa phát lại, góp phần giảm tải cho cơ quan thi hành án, tạo cơ chế để người dân lựa chọn tổ chức thi hành hiệu quả bản án, quyết định cho mình.
Đối với những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự của Thừa phát lại hiện nay cần nghiên cứu, có cơ chế phù hợp như: Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan đối với việc thi hành án của Thừa phát lại… tạo điều kiện cho Thừa phát lại tổ chức thi hành án, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và hoạt động của Thừa phát lại.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Để duy trì mục tiêu ban đầu đặt ra khi tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại và đảm bảo cơ chế cho hoạt động này của Thừa phát lại, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về thẩm quyền thi hành án của Thừa phát lại; trong đó, có quyền được áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự; đồng thời quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc hỗ trợ Thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế.
Riêng đối với việc tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng, do thực tiễn phát sinh chưa phát sinh nhiều, trong khi đó, nhận thức, quan điểm về vấn đề này còn khác nhau nên khi xây dựng Nghị định cần nghiên cứu bỏ thẩm quyền này của Thừa phát lại để bảo đảm tính khả thi.