[links()] Trước một số thông tin về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề xuất xây dựng Thông tư liên tịch nhằm “quản” tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: “Nhà nước không quản lý tiền công đức mà chỉ hướng dẫn các di tích quản lý tiền công đức nhằm đảm bảo số tiền này được sử dụng minh bạch, đúng mục đích…”.
|
ảnh minh họa |
Nhà nước không cần biết số lượng tiền công đức là bao nhiêu
Quan điểm trên của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2012. Theo báo cáo tại Hội nghị thì việc quản lý và tổ chức lễ hội ở nước ta vẫn còn tồn tại một số bất cập, trong đó có việc “quản lý tài chính và nguồn thu tại lễ hội và hoạt động tại di tích của một số địa phương còn buông lỏng, tạo điều kiện thu lời cho một số cá nhân, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích tương ứng với nguồn công đức hảo tâm của nhân dân”.
Là người trực tiếp đi thanh tra tại một số lễ hội, ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL - cho hay: “Việc quản lý thu- chi tiền công đức, tiền giọt dầu tại một số di tích đã gây nhiều thắc mắc, mất đoàn kết do không công khai hoặc có sơ hở. Có nơi, Ban Quản lý di tích quản 100%, nhưng có nơi cũng chỉ quản một phần, phần khác do nhà chùa hoặc nhà đền quản lý. Thậm chí, đã có tình trạng một ban thờ nhưng có 2 hòm công đức của 2 chủ khác nhau. Hay như ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) vẫn sử dụng phiếu ghi công đức của Hòa thượng Thích Thanh Tứ mặc dù Hòa thượng đã viên tịch; hay việc “khoán" thu tiền công đức tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An)”…
Cũng theo ông Phúc thì quản lý tiền công đức là một việc khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn, do mô hình quản lý di tích không thống nhất (có nơi do chính quyền địa phương, có nơi do Hội Người cao tuổi, có nơi do thôn quản lý) hoặc thu - chi không minh bạch, gây nghi ngờ, mâu thuẫn.
Trước thực tế trên, Bộ VH, TT &DL đã đưa ra kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ VH, TT &DL, Ban Tôn giáo Chính phủ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu. Về vấn đề này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: “Xây dựng văn bản này không có nghĩa là Nhà nước quản lý tiền công đức tại các cơ sở thờ tự. Nhà nước không cần biết số lượng tiền công đức là bao nhiêu, cũng không đứng ra thu tiền công đức mà chỉ định hướng, hướng dẫn để đảm bảo sử dụng số tiền một cách minh bạch, đúng mục đích”.
Mô hình quản lý tiền công đức phù hợp tôn giáo, dân tộc, vùng miền
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho hay, cùng với việc hoàn thiện Quy hoạch tổng thể lễ hội, Bộ VH-TT& DL sẽ cùng các đơn vị liên quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý các di tích trên cơ sở đánh giá ưu điểm và hạn chế của một số mô hình hiện nay. Ví dụ như mô hình quản lý di tích, quản lý tiền công đức ở Yên Tử (Quảng Ninh), Đền Bà Chúa Xứ (An Giang)….
Tuy nhiên, cũng không nên áp dụng một mô hình duy nhất mà còn tùy thuộc vào từng tôn giáo, dân tộc và từng vùng miền khác nhau.
Đơn cử, về mô hình sử dụng tiền công đức và quản lý di tích Yên Tử, Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh - chia sẻ, di tích Yên Tử là một trong những nơi đã làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo cũng như công tác tổ chức lễ hội.
Tại đây, tỉnh Quảng Ninh đã phân rõ chức năng, nhiệm vụ của 3 đơn vị tham gia quản lý di tích là: Trung tâm Quản lý Di tích và thắng cảnh Yên Tử (làm chức năng quản lý nhà nước); Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm (làm chức năng đầu tư, kinh doanh và đảm bảo vệ sinh môi trường, cứu hộ, cứu nạn…); và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh (chịu trách nhiệm hoạt động tín ngưỡng; tu bổ, tôn tạo các chùa bằng nguồn vốn xã hội hóa).
Đánh giá việc quản lý di tích ở Yên Tử là một mô hình khá hay nhưng vì cho rằng quy định về tiền công đức là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, nên Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Chúng tôi chưa đưa ra một quy định cụ thể mà mới chỉ đưa ra một số nguyên tắc chung và còn tiếp tục phải nghiên cứu và đi tham quan, học hỏi ở một số mô hình”.
Nhóm PVVH