Châu Âu: Lại rúng động vì khủng bố!

(PLO) - Tuần qua, liên tiếp hai vụ tấn công khủng bố xảy ra đã khiến châu Âu và thế giới bàng hoàng, rúng động. Dù đã có rất nhiều cảnh báo, đã áp dụng rất nhiều biện pháp phòng ngừa, trấn áp, tấn công khủng bố vẫn xảy ra...

Lần này, là một vụ khủng bố tấn công bằng xe tải ở Đức – nước đầu tàu trong tiếp nhận người di cư đến châu Âu – và ở Thổ Nhĩ Kỳ – nơi đang kẹt trong thế cực kỳ nhạy cảm của mối quan hệ với Nga, NATO và Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Syria...

Nước Đức bàng hoàng

Lúc 20 giờ ngày 19/12/2016 (theo giờ địa phương, tức 2 giờ sáng ngày 20/12 theo giờ Hà Nội), một vụ tấn công bằng xe tải đã xảy ra tại chợ Giáng sinh Breitscheidplatz , nằm ở khu vực sầm uất nhất của Berlin, vốn thu hút rất nhiều khách du lịch, và khá gần các cơ quan Quốc hội và Chính phủ CHLB Đức. Ít nhất 12 người thiệt mạng, khoảng 50 người khác bị thương và một số khác ở tình trạng nghiêm trọng trong vụ tấn công này. 

Hiện trường vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Đức
Hiện trường vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Đức

Người phát ngôn cảnh sát Đức cho biết kẻ lái xe đã đánh xe vào phần đường dành cho người đi bộ ở khu chợ Giáng sinh này để thực hiện vụ tấn công. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về hành động tấn công trên. Giới chức Đức đang nỗ lực khẩn trương điều tra vụ tấn công trên. 

Trang tin Blaze nhận định vụ tấn công lần này sử dụng chiến thuật tương tự như nhiều vụ tấn công trước đây của IS, đó là sử dụng xe tải lao vào đám đông các nước phương Tây và gây ra thiệt hại lớn. Trước đó, Mỹ cũng đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các khu chợ ở châu Âu nhân dịp Giáng sinh trong bối cảnh IS đang thất thủ và mất dần lãnh thổ ở hai khu vực quan trọng là Iraq và Syria sau các cuộc không kích của liên quân quốc tế chống khủng bố.

Đêm 20/12, hãng tin Amaq có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố, một chiến binh của IS đã thực hiện vụ tấn công bằng xe tải. Tuyên bố đăng trên mạng của hãng trên ghi rõ, “một chiến binh của IS đã thực hiện chiến dịch ở Berlin này nhằm hưởng ứng những lời kêu gọi tấn công nhằm vào công dân của các nước tham gia liên minh (chống IS)”. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu danh tính của kẻ tấn công. Hiện Đức đã thả nghi phạm người Pakistan bị bắt ban đầu do không có bằng chứng có liên quan rõ ràng. Cảnh sát Đức cho biết nghi phạm thực sự vẫn chưa bị bắt, có thể có vũ khí và có khả năng gây ra các vụ tấn công khác.

Đại sứ Nga gục ngã

Cũng ngày 19/12/2016, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Karlov đã bị tấn công bằng súng và qua đời khi đang tham dự buổi khai mạc cuộc triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara. Ngoài Đại sứ Nga, còn có ba người khác bị thương trong vụ tấn công này. Cùng ngày, Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin kẻ tấn công Đại sứ Nga đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch của cảnh sát.

Hiện trường ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ
Hiện trường ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soulu xác nhận đối tượng nổ súng vào Đại sứ Nga Karlov là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi. Tên này từng làm việc trong lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Ankara trong thời gian 2 năm rưỡi. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm, Altintas mới bị sa thải do bị cáo buộc dính líu tới tổ chức khủng bố và vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua. Khi tiến hành vụ tấn công, thủ phạm này đã hô to khẩu hiệu với nội dung “Chúa vĩ đại” và “Không quên Aleppo”.

Ngay lập tức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên án “vụ tấn công khủng bố hèn hạ” nhằm vào Đại sứ Karlov, đồng thời khẳng định vụ việc này sẽ không thể làm tổn hại tới quan hệ song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và sự hợp tác của hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đây là “hành động khủng bố”, đồng thời khẳng định vụ việc sẽ được trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và “những kẻ khủng bố sẽ bị trừng phạt thích đáng”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhận định vụ sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là hành động khiêu khích nhằm phá hoại nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Ankara, cũng như phá hoại tiến trình hòa bình tại Syria vốn đang được tích cực thúc đẩy bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số quốc gia khác. 

Ngày 20/12, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ ít nhất 5 người liên quan tới vụ sát hại Đại sứ Nga Andrei Karlov tại Ankara. Theo kênh truyền hình NTV, trong số 5 người bị bắt giữ có cha, mẹ và em gái của đối tượng nổ súng sát hại Đại sứ Karlov. Những người bị bắt giữ đã được di lý từ thành phố Soke, tỉnh Aydin về thủ đô Ankara nhằm phục vụ công tác điều tra. 

Vụ tấn công diễn ra vào thời điểm khi Moskva và Ankara vừa mới khôi phục quan hệ ngoại giao sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay của Nga hồi tháng 11/2015. Tuy vụ tấn công này sẽ gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai nước, song không thể đẩy hai bên tới chỗ tuyệt giao nhau. Moskva sẽ vẫn phải dựa nhiều vào Ankara để được chia sẻ thông tin tình báo và hơn thế cả hai bên đều không muốn làm thụt lùi những tiến bộ kinh tế và ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua.

Còn về phía Thổ Nhĩ Kỳ, khi các lực lượng chống khủng bố của nước này đang hoạt động ngày càng tích cực tại Syria, Ankara lại càng cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Moskva hơn bao giờ hết. Bởi trong cuộc chiến kéo dài gần 6 năm qua Nga là đồng minh chủ chốt của Syria và đã hỗ trợ các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad giành được nhiều thắng lợi trên chiến trường, đặc biệt là tái chiếm khu vực phía Bắc thành phố Aleppo từ tay các phiến quân nổi dậy vào ngày 13/12 vừa qua. Từ bàn đạp Aleppo, quân đội Syria sẽ có điều kiện thuận lợi để mở các cuộc tấn công nhằm thẳng vào Raqqa, địa bàn hoạt động được coi là “đầu não” của Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng. 

Gồng mình “siết chặt” an ninh

Ngay hôm sau, ngày 20/12, nhiều quốc gia châu Âu đã đồng loạt tăng cường an ninh. Cùng với các biện pháp chống khủng bố lập tức được tăng cường trên khắp Italy, tân Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti sáng 20/12 đã làm việc với Tư lệnh cảnh sát Franco Gabrielli, bàn các biện pháp đối phó trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố. Uỷ ban Chống khủng bố Italy cũng nhóm họp để đánh giá nguy cơ tấn công khủng bố ở nước này.

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, các thành phố lớn của Italy là nơi thường có những khu chợ Giáng sinh sầm uất, nhất là ở khu vực miền Bắc. Tại thành phố Bolzano, nơi có khu chợ Giáng sinh đông đúc và nổi tiếng bậc nhất miền Bắc Italy, các đơn vị an ninh, cùng nhiều lực lượng hỗ trợ khác đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Italy hiện vẫn đang áp dụng mức báo động an ninh ở cấp độ 2, cấp độ cao nhất trong tình huống chưa xảy ra tấn công khủng bố, kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái. Italy và đặc biệt là thủ đô Rome, lâu nay luôn là mục tiêu đe dọa bị tấn công khủng bố.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tuyên bố nước này đang “ở mức đe dọa khủng bố cao” sau vụ tấn công tại khu chợ Giáng sinh tại thủ đô Berlin của Đức. Ông Hollande cũng nhấn mạnh rằng tuy phải đối mặt với mức đe dọa cao nhưng Pháp đã tiến hành một chiến dịch an ninh quy mô lớn, sau hàng loạt vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo ở nước này trong vòng hai năm qua. Pháp đã chứng kiến hàng loạt vụ khủng bố kể từ sau các vụ tấn công kinh hoàng ngày 13/11/2015 tại Paris khiến 130 người thiệt mạng.

Tại Anh, nguồn tin cảnh sát thành phố London (Anh) ngày 20/12 cho biết họ đang xem xét lại kế hoạch đảm bảo an ninh tại các sự kiện lớn diễn ra trong mùa Giáng sinh, sau hai vụ tấn công kể trên. Tuyên bố của cơ quan trên nêu rõ: “Cảnh sát thủ đô London đã có kế hoạch chi tiết về đảm bảo an ninh tại các sự kiện lớn trong mùa Giáng sinh và năm mới. Như một biện pháp đề phòng thông thường, chúng tôi xem xét lại các kế hoạch an ninh sau khi xảy ra những vụ tấn công ở nước ngoài và hiện chúng tôi đang làm như vậy sau hai vụ việc tồi tệ tại Berlin và Ankara vào tối qua”.

Ngày 20/12, Trung tâm xử lý khủng hoảng của Bỉ cho biết cơ quan này không đưa ra biện pháp an ninh bổ sung nào sau vụ tấn công bằng xe tải vào một khu chợ Giáng sinh tại Đức. Mức độ cảnh báo đe dọa khủng bố trên toàn lãnh thổ Bỉ hiện vẫn đặt ở mức cao 3 trên 4. Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ nước này Jan Jambon phát biểu trên sóng Radio 1 rằng, sự kiện tại Berlin không khiến Bỉ phải thay đổi các biện pháp an ninh cho các chợ Noel và sân trượt băng. Mức cảnh báo cao nhất, mức 4, chỉ được áp dụng khi xuất hiện tình huống đe dọa an ninh với các bằng chứng cụ thể được đánh giá là mối đe dọa nghiêm trọng và có thể xảy ra.

Sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels hồi tháng 3 vừa qua, nước Bỉ vẫn được đặt trong tình trạng cảnh giác an ninh cao độTrung tâm phân tích và xử lý các mối đe dọa (OCAM) đã tính đến các kịch bản trong đó có tấn công bằng xe ôtô vào đám đông như trường hợp vừa diễn ra ngày 19/12 tại Berlin của Đức và trước đó ngày 14/7 tại Nice của Pháp...

Lên án mạnh mẽ việc tấn công nhân viên ngoại giao

Các nước Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) khẳng định sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công nhắm vào các nhà ngoại giao và các nhân viên lãnh sự. Đại diện thường trực Nga tại OSCE Alexander Lukasevich cho biết tuyên bố của OSCE được đưa ra trong tuyên bố của Hội đồng thường trực OSCE ngày 20/12 lên án vụ ám sát Đại sứ Nga Andrei Karlov tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) vừa diễn ra ngày hôm trước.

Ông Lukasevich nhấn mạnh các nước OSCE khẳng định nguyên tắc bất khả xâm phạm đối với các nhân viên ngoại giao và lãnh sự. Các nước OSCE khẳng định sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết để không xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các nhân viên ngoại giao, cũng như lãnh sự trong tương lai. Cũng theo ông Lukasevich, các nước OSCE một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa ra xét xử tất cả những kẻ tiến hành tấn công khủng bố hay tài trợ, lên kế hoạch, bảo trợ khủng bố. Các vụ xử phải dựa trên luật pháp quốc tế và luật pháp của các quốc gia.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.