Mối quan hệ mật thiết
Thưa ông, dưới góc độ Chánh án TANDTC, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của công tác thi hành án?
- Bất kỳ một phán quyết nào của tòa án chỉ thực sự có ý nghĩa khi được bảo đảm thi hành. Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) chính là một biện pháp bảo đảm cho phán quyết của tòa án phải được thực thi trên thực tế; qua đó góp phần bảo vệ kịp thời lợi ích của Nhà nước, của tập thể, lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của ngành THADS, chúng ta có thể thấy rằng, hoạt động THADS luôn có mối quan hệ rất mật thiết với công tác của các tòa án. Trước đây, đã có 43 năm công tác này do TAND đảm nhiệm. Từ sau năm 1993 khi công tác này chuyển giao cho Chính phủ đảm nhiệm, TANDTC cũng luôn quan tâm chỉ đạo các tòa án địa phương tăng cường phối hợp với cơ quan THADS cùng cấp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành liên quan tới lĩnh vực công tác này.
Và trên thực tế, qua giải quyết kiến nghị của cơ quan THADS đã giúp các tòa án kịp thời khắc phục những sai sót trong một số bản án đã tuyên. Đặc biệt trong những năm gần đây thì sự phối hợp giữa tòa án và ngành THADS ngày càng được tăng cường, thể hiện qua việc TANDTC đã cùng Bộ Tư pháp, Bộ Công an và VKSNDTC ban hành Quy chế số 14/2013/QCLN - BTP - BCA - TANDTC - VKSNDTC ngày 09/10/2013 về phối hợp trong công tác THADS (Quy chế số 14/2013/QCLN).
Ảnh minh họa. |
Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết cũng như kỹ năng viết bản án, quyết định, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo các TAND địa phương chủ động, tăng cường phối hợp với cơ quan THADS cùng cấp rà soát các bản án, quyết định dân sự chưa thi hành để xác định trách nhiệm của các cơ quan và xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm của tòa án.
Các TAND đã tích cực giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan THADS về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định để cơ quan thi hành án tổ chức kịp thời việc thi hành; hạn chế vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc đối với người được thi hành án và cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đối với những bản án, quyết định không thể giải thích, sửa chữa theo đúng quy định của pháp luật thì kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
TANDTC cũng đã đưa ra các chỉ tiêu thống kê sát thực tế; lồng ghép trong hệ thống thống kê nghiệp vụ. Việc rà soát, đối chiếu số liệu thống kê định kỳ đã giúp lãnh đạo tòa án nắm bắt, chỉ đạo, khắc phục kịp thời những sai sót và tăng cường trách nhiệm của thẩm phán trong việc ban hành bản án, quyết định đúng luật”.
Sự ra đời của Quy chế này có ý nghĩa gì?
- Với việc quy định các nguyên tắc, phương thức và nội dung phối hợp giữa các ngành trong từng lĩnh vực cụ thể liên quan đến công tác THADS, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan đơn vị, Quy chế số 14/2013/QCLN là cơ sở quan trọng để các ngành tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp bảo đảm cho phán quyết của tòa án phải được thực thi trên thực tế; đồng thời mỗi ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Đối với hệ thống TAND, triển khai thực hiện Quy chế, các TAND đã tích cực phối hợp với cơ quan THADS và các cơ quan có liên quan; thường xuyên trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; thống nhất biện pháp giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS được thực hiện có hiệu quả.
Để triển khai Quy chế này, ngành Tòa án đã có những hành động cụ thể gì?
- TANDTC đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về THADS; chỉ đạo TAND các cấp phối hợp với các cơ quan liên ngành ở địa phương xây dựng Quy chế liên ngành ở cấp cơ sở, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương để triển khai có hiệu quả công tác phối hợp trong THADS.
Trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền, các TAND luôn áp dụng kịp thời các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm cho khả năng THADS, từ đó bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS, tòa án đã thực hiện nghiêm túc việc thông báo cho cơ quan THADS đến tòa án (tại phiên hoà giải, phiên họp, phiên toà) để thi hành đối với những quyết định đương sự tự nguyện thi hành ngay.
Bên cạnh đó, các tòa án cũng luôn thực hiện tốt việc hướng dẫn quyền và các quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu THADS cho các đương sự, góp phần bảo đảm cho công tác THADS đạt hiệu quả cao, hạn chế khiếu kiện không có căn cứ. Việc cấp và chuyển giao bản án, quyết định cho các đương sự, cơ quan THADS và cá nhân, tổ chức có liên quan luôn được các tòa án thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm kịp thời, chính xác theo quy định pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS cũng được các tòa án thường xuyên quan tâm, thực hiện bằng các hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; đăng tải các bài viết về công tác THADS trên báo chí.
Tại các phiên tòa, Hội đồng xét xử luôn chú trọng lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS; giúp cho đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan hiểu rõ hơn, từ đó thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật về THADS.
Những chuyển biến tích cực
Quy chế trên có hiệu quả như thế nào với các ngành nói chung, và ngành Tòa án nói riêng, thưa ông?
- Việc quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tại Quy chế số 14/2013/QCLN không những mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác THADS mà còn mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của từng cơ quan liên ngành.
Trong quá trình THADS, những sai sót của bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành được cơ quan THA phát hiện và yêu cầu TAND có thẩm quyền xử lý. Thông qua việc giải quyết các kiến nghị, yêu cầu của cơ quan THADS, tòa án các cấp đã nâng cao chất lượng giải quyết và kỹ năng, góp phần nâng cao trách nhiệm và nghiệp vụ, chuyên môn cho các thẩm phán.
Nếu như những năm trước đây, hàng năm, TAND các cấp có khoảng trên 1000 bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành… thì từ năm 2013 trở lại đây, con số này đã giảm đáng kể.
Năm 2014 tổng số bản án tuyên không rõ, khó thi hành trong toàn hệ thống tòa án là 560 trường hợp, chiếm 0,14% trên tổng số các vụ việc đã giải quyết; năm 2015 chỉ còn 295 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,07% trên tổng số các vụ việc đã giải quyết. Và tính đến ngày 31/3/2016, có 12 tỉnh, thành phố không còn bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
Kết quả nêu trên cho thấy, thông qua kiến nghị, yêu cầu của cơ quan THADS trong giải thích, sửa chữa bản án, quyết định, việc xử lý, khắc phục các bản án tuyên không rõ, khó thi hành đã được các TAND thực hiện có hiệu quả; việc rà soát và phối hợp với VKSND và cơ quan THA để có biện pháp xử lý ngay đối với các trường hợp tuyên không rõ, khó thi hành đã trở thành nền nếp trong toàn hệ thống, góp phần hạn chế các sai sót và nâng cao chất lượng bản án, quyết định của các TAND các cấp.
Ông nhận xét gì về sự phối hợp giữa ngành TAND và cơ quan THADS từ khi có Quy chế?
- Các TAND đã phối hợp rất tốt với cơ quan THADS trong việc hướng dẫn trình tự, thủ tục và tạo điều kiện cho bị cáo hoặc gia đình bị cáo tự nguyện nộp tiền, tài sản, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra hoặc để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án theo quy định pháp luật với phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự. Trong những trường hợp này, cơ quan THADS luôn kịp thời ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo hoặc gia đình bị cáo, thông báo cho tòa án xét xử vụ án biết để xem xét cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ, từ đó có thể giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trong công tác giải quyết, xét xử các tranh chấp dân sự, trong tình huống cấp thiết, các tòa án đã kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định để bảo toàn nhanh chóng tài sản khi chưa có phán quyết chính thức của tòa án giải quyết về mặt nội dung của vụ án nhằm bảo đảm thi hành án. Từ đó bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án, các cơ quan THADS đã khẩn trương thi hành theo đúng quy định của pháp luật; giúp cho việc giải quyết, xét xử vụ án của tòa án được nhanh chóng và có căn cứ; đồng thời bảo đảm cho khả năng thi hành án khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Đánh giá chung của ông về Quy chế 14/2013/QCLN?
- Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Quy chế đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác THADS trên cả nước. Trong những năm gần đây, công tác THADS đã đi vào nền nếp và tỷ lệ vụ việc dân sự được thi hành tăng nhiều hơn so với những năm trước đây. Bên cạnh đó, thực tiễn thực hiện Quy chế cho thấy, thông qua công tác phối hợp trong THADS, không những cơ quan THADS mà TAND và Viện kiểm sát nhân dân cũng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành THADS, thông qua Báo Pháp luật Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, công chức đã và đang công tác trong các cơ quan THADS. Chúng tôi mong muốn công tác phối hợp giữa TAND các cấp và cơ quan THADS ngày càng thêm chặt chẽ, với mục tiêu chung là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tôi tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp và những kết quả quan trọng đã đạt được trong 70 năm qua, ngành THADS sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Xin cảm ơn Chánh án!
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu