Chân dung vị Thủ tướng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Thủ tướng Lotay Tshering.
Thủ tướng Lotay Tshering.
(PLVN) - Thủ tướng Tshering cho biết ông không gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa hai vai. Ông nhận thấy làm chính trị cũng có những nét tương đồng với việc làm một bác sỹ phẫu thuật.

“Ở bệnh viện, tôi khám và chữa cho bệnh nhân. Trong chính phủ, tôi “khám” những chính sách và cố gắng khiến chúng tốt hơn”, ông nói. Hiện nay, vị Thủ tướng kiêm bác sỹ này đang đặt cải cách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là trọng tâm trong chương trình nghị sự chính trị của mình. 

“Bác sỹ quốc dân”

Một ngày thứ Bảy tại Bhutan, bác sỹ Lotay Tshering có lịch tiến hành một ca phẫu thuật bàng quang cho bệnh nhân tại Bệnh viện quốc gia Jigme Dorji Wangchuck. Là một bác sỹ có tay nghề cao nên những ca phẫu thuật như vậy không thể làm khó bác sỹ Tshering. Mọi việc diễn ra suôn sẻ. Sau ca phẫu thuật, vị bác sỹ trong chiếc áo blouse đã bạc màu và đôi sục quen thuộc lại nhanh chân rảo bước qua những hành lang đông đúc bệnh nhân để tới phòng khám, tiếp tục thăm khám cho các bệnh nhân khác đang ngồi chờ.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu bác sỹ Lotay Tshering chỉ là một bác sĩ bình thường như bao bác sỹ khác. Trên thực tế, ông chính là Thủ tướng đương nhiệm của Bhutan! “Nhiều người thích chơi golf hay bắn cung nhưng tôi lại thích phẫu thuật. Tôi thường dành những ngày cuối tuần ở đây. Với tôi, đó là cách để giảm căng thẳng”, vị bác sỹ lý giải về công việc mà ông vẫn duy trì đều đặn kể từ sau khi đắc cử Thủ tướng Bhutan hồi năm ngoái.

Còn với những y, bác sỹ hay bệnh nhân ở bệnh viện, việc vị Thủ tướng tóc đã điểm bạc ngày cuối tuần không nghỉ ngơi mà vẫn cần mẫn bên bàn mổ hay phòng khám đã trở nên quen thuộc. Do đó, không một ai quá chú ý đến ông Tshering và vẫn luôn nhìn nhận ông như bao nhân viên y tế khác. Có mặt ông hay không, các bác sĩ, y tá vẫn thực hiện công việc của họ như bình thường. Các bệnh nhân cũng vậy. Gặp ông, họ vui mừng ra mặt vì được bác sỹ tốt khám. Không một ai ái ngại khi người trực tiếp thăm khám, chữa bệnh cho mình là người đứng đầu đất nước.

Ông Lotay Tshering sinh năm 1968 trong một gia đình bình thường ở ngôi làng Dalukha thuộc huyện Mewang, tỉnh Thimpu. Vốn là một người thông minh, học giỏi nên sau khi tốt nghiệp trung học, ông đã thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Mymensingh thuộc Đại học Dhaka, Bangladesh. Sau khi nhận được bằng cử nhân y khoa năm 2001, ông tiếp tục theo học sau đại học tại Đại học Y khoa Bangabandhu Sheikh Mujib ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, trở thành một bác sỹ phẫu thuật. 

Đến năm 2007, ông nhận được học bổng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tới theo học chuyên ngành Tiết niệu tại Đại học Y Wisconsin, Mỹ. Trở về Bhutan, ông trở thành là bác sĩ tiết niệu duy nhất được đào tạo bài bản của Bhutan. Năm 2010, ông Tshering tiếp tục nhận được học bổng chuyên ngành Nội tiết tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, Singapore và Đại học Okayama, Nhật Bản.

Năm 2014, ông bổ sung thêm vào kho tàng kiến thức và chuỗi bằng cấp của mình với tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Canberra, Úc. Ông trở thành một trong những bác sỹ giỏi nhất của Bhutan.

Bác sỹ Tshering
Bác sỹ Tshering

Không chỉ được đào tạo bài bản, bác sỹ Tshering còn rất được lòng người dân bởi sự nhiệt thành, tận tâm của ông. Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi ra trường, ông gần như trở thành “bác sỹ quốc dân”, được rất nhiều người biết đến và nể trọng. Vị bác sĩ dành gần như cả ngày trong bệnh viện để thực hiện các phẫu thuật cho bệnh nhân.

Thậm chí, cả những ngày cuối tuần cũng được ông dành để phục vụ người bệnh. Ngoài ra, bác sỹ Tshering cũng thường xuyên xuất hiện trong chương trình y học thường thức của đài truyền hình Bhutan để đưa ra những lời khuyên cho mọi người trong việc chăm sóc sức khỏe. 

Thực hiện chỉ thị của Nhà vua Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, ông còn thường xuyên dẫn đầu một đội bác sỹ đi tới những khu vực hẻo lánh của đất nước để thăm khám và chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Năm 2017, bác sỹ Tshering đã được Nhà vua Bhutan trao tặng danh hiệu Druk Thuksey (có nghĩa là Con trai của Bhutan) vì tấm lòng nhiệt thành, vị tha và sự phục vụ tận tụy của ông cho Nhà vua, đất nước và nhân dân Bhutan. Từ năm 2014 - 2018, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ sở y tế Kidu.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tshering cho biết, tất cả những việc mà ông đã làm đều lấy cảm hứng từ tấm gương của Mẹ Teresa - một nữ tu và là nhà truyền giáo Công giáo Roma, người đã cống hiến cả cuộc đời để nỗ lực vì người nghèo trên khắp thế giới. Ông đặc biệt xúc động khi nghe bài thơ có tên “Do It Anyway” (tạm dịch Dù sao đi nữa) của Mẹ Teresa và quyết định noi gương bà, nỗ lực hết mình vì cộng đồng.

Không gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa hai vai 

Năm 2013, bác sỹ Tshering tình nguyện trả lại toàn bộ chi phí đào tạo cho nhà nước để có thể từ bỏ vị trí của một công chức và tham gia hoạt động chính trị. Quyết định này được ông giải thích rằng, trên cương vị là một bác sỹ, ông chỉ có thể xử lý được các vấn đề của các bệnh nhân riêng lẻ, còn những vấn đề mang tính hệ thống thì chỉ có thể được khắc phục ở cấp chính sách. “Nếu không phải vì đam mê và mong muốn được phục vụ đất nước ở một cấp độ khác thôi thúc, tôi sẽ không trả một số tiền lớn như vậy để từ chức”, ông thừa nhận.

Tuy nhiên, ở lần đầu tiên tham gia tranh cử vào ghế nghị sỹ Quốc hội năm đó, ông đã không thể giành chiến thắng. Không bỏ cuộc, tháng 5/2018, chỉ 5 tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội thứ 3 của Bhutan, ông Tshering được bầu làm Chủ tịch đảng Druk Nyamrup Tshogpa (DNT).

Tại cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 10 cùng năm, DNT lần đầu tiên có đại diện được bầu vào Quốc hội và thậm chí còn giành được 30/47 ghế, trở thành đảng lớn nhất trong cơ quan lập pháp Bhutan. Bác sỹ Tshering cũng chính thức trở thành Thủ tướng của nước này. Ngày 7/11/2018, ông tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng dân bầu thứ 3 của Bhutan.

Sau khi nhậm chức, ông cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước, xử trí các công việc đối nội và đối ngoại. Dù vậy nhưng trong suốt thời gian qua, ông vẫn đều đặn dành hai ngày trong tuần để tiếp tục công việc của một bác sỹ.

Bác sỹ Tshering tận tình chăm sóc bệnh nhân.
Bác sỹ Tshering tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Trong đó, vào các sáng thứ Năm hàng tuần, ông tới các cơ sở y tế và trường học để chia sẻ kinh nghiệm y khoa với các bác sĩ khác và thực tập sinh. Ngày thứ Bảy được ông dành hoàn toàn tại bệnh viện. Chủ nhật là ngày ông dành hoàn toàn cho gia đình.

Bhutan, vương quốc với khoảng 750.000 dân nằm ở giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đất nước nhỏ bé này thu hút sự chú ý của cả thế giới bởi được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Có điều, tương tự như bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, Bhutan cũng phải đối mặt với những vấn đề như tham nhũng, đói nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao, tỉ lệ tội phạm gia tăng…

Vậy nhưng Thủ tướng Tshering cho biết ông không gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa hai vai. Ông nhận thấy làm chính trị cũng có những nét tương đồng với việc làm một bác sỹ phẫu thuật. “Ở bệnh viện, tôi khám và chữa cho bệnh nhân. Trong chính phủ, tôi “khám” những chính sách và cố gắng khiến chúng tốt hơn”, ông nói. Hiện nay, vị Thủ tướng kiêm bác sỹ này đang đặt cải cách trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là trọng tâm trong chương trình nghị sự chính trị của mình. 

Tại văn phòng Thủ tướng, ông Tshering luôn treo chiếc áo blouse ở phía sau ghế ngồi, mà theo ông là để ông tự nhắc nhở bản thân phải tập trung vào lĩnh vực y tế cho người dân. Vị Thủ tướng giãi bày rằng ông luôn cảm thấy nhớ khi không được tới bệnh viện làm việc. “Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho tới khi qua đời”, ông khẳng định.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.