Nơi cần thì không thấy có, nơi có thì lại rất ít người đi là thực trạng về cầu bộ hành hiện nay ở Thủ đô Hà Nội. Thêm vào đó, nhiều cầu bộ hành được đưa vào sử dụng sau một thời gian đã nhanh chóng xuống cấp, trở thành nơi vứt rác bừa bãi, nơi thanh niên tâm sự, thậm chí có cả bơm kim tiêm...
Nơi cần không có
7h30 hay 17h hàng ngày tại tuyến đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) dòng người hai chiều chen chúc nhau nhích từng mét một mới có thể di chuyển. Tuyến đường này thường xuyên trở thành nút giao thông gây tắc nghẽn. Có nhiều lý do để lý giải điều này. Thứ nhất, đoạn đường Xuân Thủy là cửa ngõ ra vào Thủ đô từ các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng…lượng người buôn bán, công chức đi lại chiếm số lượng không nhỏ.
Thứ hai, đường Xuân Thủy có tới ba trường Đại học lớn gồm ĐH Quốc Gia, ĐH Sư phạm 1 Hà Nội và Học viện Báo chí tuyên truyền. Lượng sinh viên của ba trường này tương đối lớn nên nhu cầu đi lại cực kỳ cao. Thứ ba, đường Xuân Thủy có tới hai siêu thị (Pico và Topcare), hai chợ tiêu dùng (chợ Hàng Xanh và chợ Dịch Vọng ngày và đêm), chưa kể hai bên đầu đường Xuân Thủy có hai trạm xe buýt, dòng người chờ xe buýt đi làm rất đông.Chờ mãi, cuối tháng 7/2011, hai cột đèn đỏ được lắp đặt cho tuyến đường này được dựng lên để nhường đường cho người đi bộ qua đường và giải quyết nhu cầu đi lại cao tại khu vực này nhưng rốt cuộc chỉ như muối bỏ bể.
Nguyên nhân là bởi ý thức tham gia giao thông của người dân quá kém, nếu không muốn nói là mạnh ai người ấy đi. Kể cả khi đèn đỏ bật lên thì nhiều xe máy, ô tô vẫn ngang nhiên phóng qua nếu không có cảnh sát giao thông phía trước. Vào giờ tan tầm, tình trạng này diễn ra thường xuyên. Về phía người đi bộ, mặc dù cũng có tín hiệu đèn đỏ không được qua đường nhưng cũng cứ…hồn nhiên đi qua chả cần để ý tín hiệu đèn. Đã có nhiều trường hợp xe máy đâm nhau liên hoàn vì xe đi đầu tiên phanh gấp tránh một người đi bộ sang đường không quan sát...
Bà Trần Thị Vinh (53 tuổi, cán bộ hưu trí trú tại ngõ 233 đường Xuân Thủy) nói: “Đáng ra đoạn đường này nên có một cầu bộ hành cho người qua đường. Như vậy sẽ giảm được ùn tắc rất nhiều cho tuyến đường. Đã sống ở đây nhiều năm, tôi có hôm không thể nào qua nổi đường để về nhà vì người đi lại đông quá”.
Chị Vũ Thị Liễu (Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội) đứng gần đó đưa ra quan điểm tương tự: “Bọn em sáng bắt xe buýt rất vất vả vì phải băng qua đường sang bên kia mới có thể bắt được. Nhiều khi đèn đỏ bật lên mà sang đường vẫn còn run bần bật vì xe máy vẫn phóng qua bình thường”.
Về nhu cầu một chiếc cầu bộ hành được xây dựng tại đây, Liễu quả quyết: “Nếu có chiếc cầu bộ hành thì còn gì bằng hả anh. Nó sẽ giúp bọn em và người đi bộ qua đường dễ dàng hơn rất nhiều. Bọn em cũng không phải mất thời gian và lo sợ mỗi khi qua đường nữa”.
Nơi có không cần
8h, cầu bộ hành đoạn cổng trường ĐH Giao thông vận tải rất đông người đi lại. Tuy nhiên, dưới lòng đường vẫn có từng tốp thanh niên, sinh viên trường Đại học này băng qua đường để vào trường và qua bến xe buýt đối diện bắt xe đi về. Đây là trạm xe buýt trung chuyển Cầu Giấy nên lượng sinh viên và người đi bộ qua đường chủ yếu sử dụng cầu bộ hành. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên khi được hỏi đều nói rất ngắn gọn rằng đi qua đường vào trường nhanh hơn, tiện hơn là phải leo qua cầu bộ hành.
Một bà bán nước gần đó cho biết: “Thi thoảng vẫn có những vụ tai nạn nhỏ do người đi đường tránh người đi bộ qua đường. Rất may là không có tai nạn nào nghiêm trọng chứ tôi thấy nhiều sinh viên vẫn trèo qua hàng rào sắt để tiện sang đường đấy thôi”.
Đôi khi có mặt của lực lượng sinh viên tình nguyện trường ĐH Giao thông vận tải đứng thành hàng ngang trước cổng trường chỉ với một nhiệm vụ duy nhất: Không cho ai băng qua đường mà phải đi qua cầu bộ hành. Chẳng nhẽ phải sử dụng đến biện pháp bắt buộc như vậy thì chiếc cầu bộ hành mới phát huy được tác dụng hay đến khi có tai nạn mới thôi băng qua đường kiểu…tiện lợi?. Nên có hay không biện pháp răn đe phù hợp đối với những trường hợp vi phạm giao thông là đối tượng sinh viên tại trường ĐH Giao thông vận tải?.
17h15 ngày 5/10, tại cầu bộ hành tại Giảng Võ: Dù đoạn trước cầu bộ hành là ngã tư Giảng Võ, Đê La Thành và Láng Hạ rất đông phương tiện tham gia giao thông nhưng chiếc cầu bộ hành này vào giờ cao điểm rất ít người qua. Ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã - Liễu Giai luôn tấp nập người sang đường nhưng cũng lại chưa có cây cầu nào, trong khi cách đó khoảng 200m cũng vẫn trên đường Nguyễn Chí Thanh, một cây cầu bộ hành vẫn còn chưa hoàn tất do đang gặp phải phản đối của người dân vì bịt lối vào ngõ và cổng vào Trung tâm y tế. Cầu bộ hành đoạn trường ĐH Luật Hà Nội luôn có rác bẩn (gồm cả bơm kim tiêm dính máu) và trở thành nơi tâm sự hồn nhiên của thanh niên cả ngày lẫn ban đêm. |
Uyên Lê