Đa dạng các phương thức nộp hồ sơ và cấp Phiếu LLTP
Mặc dù khẳng định Luật LLTP đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng theo Bộ Tư pháp, một trong những bất cập của Luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục cấp Phiếu LLTP, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả cấp Phiếu theo quy định của Luật LLTP còn chưa thuận tiện, bất cập trong thực tiễn.
Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho người yêu cầu cấp Phiếu LLTP mà còn gây lúng túng cho cơ quan giải quyết yêu cầu. Cũng theo quy định của Luật LLTP, việc yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân bị giới hạn theo nơi đăng ký thường trú, tạm trú và phải thực hiện trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Quy định này làm tăng chi phí và gây những khó khăn nhất định cho người yêu cầu cấp Phiếu.
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP, dự thảo Luật quy định theo hướng đa dạng các phương thức nộp hồ sơ và cấp Phiếu LLTP. Dự thảo Luật bổ sung hình thức Phiếu LLTP dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử và phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến; bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến) đồng thời cụ thể hóa thủ tục cấp Phiếu đối với từng hình thức nộp hồ sơ.
Dự thảo cũng quy định linh hoạt về thủ tục cấp Phiếu LLTP số 1, mở thêm quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP cho người dân. Theo đó, dự thảo quy định theo hướng chỉ mở thêm quyền lựa chọn cho người dân trong các trường hợp cá nhân không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú; đã cư trú ở Việt Nam (Luật hiện hành đã quy định) và bổ sung thêm các trường hợp: không có quốc tịch, đã phạm tội hoặc có hành vi phạm tội phải xác minh ở nhiều nơi, nhiều cơ quan khác nhau đã nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nhưng quá thời hạn không được cấp phiếu LLTP hoặc có vướng mắc không giải quyết được.
Phiếu LLTP số 2: Không cấp cho cá nhân nhưng nên có “ngoại lệ”?
Một bất cập khác khá nổi cộm sau 6 năm thi hành Luật LLTP là yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 hiện nay đang bị lạm dụng. Luật LLTP quy định có 02 loại Phiếu LLTP được cấp là Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. Khác với Phiếu LLTP số 1, Phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa và chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình.
Tuy nhiên, từ năm 2012, tình trạng lạm dụng yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng. Thực tế giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 không xuất phát từ yêu cầu muốn biết về nội dung LLTP của mình mà do xuất phát từ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, chủ yếu để bổ túc hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài; xin việc làm, cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam...
Việc cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân đã gây tốn kém, phát sinh nhiều chi phí, thời gian, dẫn đến khó khăn cho cá nhân khi tái hòa nhập cộng đồng, thậm chí mất cơ hội khi đi du học, xin việc làm, xuất cảnh, định cư ở nước ngoài...
Để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 trong thời gian qua, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, bảo đảm mục đích nhân đạo của chế định xóa án tích, dự thảo Luật sửa đổi quy định theo hướng Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân.
Tại cuộc họp Ban soạn thảo, tuyệt đại đa số ý kiến đồng thuận với việc không cấp phiếu LLTP số 2 cho cá nhân. Thực tế, nhiều đại diện Sở Tư pháp địa phương cho biết, bản thân công dân khi đi xin Phiếu số 2 cũng cho rằng mình đang bị đối xử bất bình đẳng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông còn băn khoăn bởi trên thực tế, một số ngành đặc thù vẫn yêu cầu phải có Phiếu số 2 trong khi dự thảo quy định chỉ cấp cho cơ quan tố tụng. Vì thế, nên có quy định điều chỉnh vấn đề này.
* Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc: Cấp Phiếu LLTP phải đảm bảo chính xác
Trên thực tế người dân đều mong muốn việc cấp phiếu được nhanh chóng thuận lợi, tuy nhiên nếu nhanh mà sai thì cực kỳ nguy hiểm bởi LLTP là vấn đề hệ trọng đối với mỗi cá nhân con người. Do đó, phải rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục trong dự thảo Luật để thuận lợi cho người dân nhưng phải bảo đảm chính xác. Riêng việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng phải hết sức thận trọng để đảm bảo bí mật đời tư cá nhân. Không phải một người cứ gửi email đến, ta chưa biết người đó là ai mà đã cấp. Quan trọng là phải xác định đúng người có yêu cầu.
Về việc cấp Phiếu LLTP số 2, nhiều ý kiến đồng thuận chỉ cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, không cấp cho cá nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số ngành vẫn yêu cầu cần Phiếu số 2 để biết lý lịch cụ thể, do đó nên bổ sung cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng. Theo đó, nếu 1 cơ quan cần phiếu số 2 thì sẽ phối hợp trao đổi với cơ quan quản lý LLTP để có thông tin. Về thẩm quyền cấp Phiếu, tuyệt đối không có chuyện cấp song song, dự thảo phải làm rõ cái gì Sở Tư pháp cấp, cái gì Trung tâm cấp mà chủ yếu là phải ưu tiên địa phương cấp, Trung ương chỉ “cứu cánh” cho địa phương những trường hợp đặc biệt địa phương không giải quyết được và phải do địa phương đề xuất lên mới được cấp.
* Ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia: Nên quy định về thời hạn và thủ tục đặc biệt
Dự thảo Luật lần này đặc biệt coi trọng việc cải cách thủ tục hành chính. Đơn cử thay vì 10 ngày như Luật hiện hành, để tạo thuận lợi hơn cho người yêu cầu cấp Phiếu, dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn theo hướng giảm xuống là 07 ngày làm việc. Dự thảo cũng cho phép cấp phiếu qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến...Tuy nhiên, thực tế công tác cấp Phiếu LLTP cho thấy, nhiều trường hợp rất khó, cơ quan chức năng phải mất nhiều công sức, ví dụ cá nhân có nhiều biến động trong cuộc sống, đã từng qua nhiều nơi cư trú, người lang thang cơ nhỡ, người không có quốc tịch, người có nhiều bản án, thậm chí liên quan đến nước ngoài... hay trường hợp quá thời hạn rồi mà khó không giải quyết được thì cũng nên quy định về thời hạn đặc biệt và thủ tục đặc biệt để giải quyết. Như vậy mới cho người ta một lối thoát khỏi sự bế tắc.
* Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC: Chỉ cấp cho cơ quan tố tụng để tránh lạm dụng
Điều 32a về cung cấp, cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định: Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc ra quyết định khởi tố bị can có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp nơi Viện kiểm sát có trụ sở trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định.VKS cấp tỉnh, huyện, quân khu… ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc ra quyết định khởi tố bị can có nhiệm vụ cung cấp cho Sở Tư pháp là không hợp lý. Vì nếu chỉ gửi quyết định phê chuẩn thôi mà không có quyết định khởi tố thì sẽ không đầy đủ thông tin. Do đó, nên giao CQĐT gửi cả quyết định khởi tố và quyết định phê chuẩn của VKS. Riêng với quyết định đình chỉ bị can trong trường hợp không có tội thì cơ quan nào ra quyết định cơ quan đó phải gửi. Tôi cũng nhất trí cao việc Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tố tụng để tránh lạm dụng như hiện nay.
* Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính: Cấp qua mạng có an toàn không?
Tôi ủng hộ việc Phiếu LLTP số 2 chỉ cấp cho cơ quan tố tụng nhưng còn về phương thức cấp thì cũng có những băn khoăn. Dự thảo Luật bổ sung hình thức Phiếu LLTP dưới dạng văn bản giấy hoặc dữ liệu điện tử và phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến; bổ sung quy định về hình thức nộp hồ yêu cầu cấp Phiếu LLTP (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến), cấp qua mạng như vậy có an toàn không vì đây là thông tin cá nhân cần được bảo mật tuyệt đối. Có thể chúng ta tính đến việc cấp qua mạng nội bộ để đảm bảo an toàn. Riêng với quy định về cập nhật thông tin phạm tội mới, tôi cho rằng quyết định đình chỉ vụ án, rút truy tố cũng rất quan trọng nhưng lại chưa thấy dự thảo đề cập, do đó cần bổ sung.