Cảnh tỉnh muộn màng sau vụ 16 em bé thiệt mạng do ô nhiễm nguồn nước

ảnh: Internet
ảnh: Internet
(PLO) -Chỉ trong một thời gian ngắn, tại thành phố Woburn, bang Massachusetts của Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số trẻ bị bệnh bạch cầu. Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước ở địa phương đã bị một số công ty “đầu độc”. Nhưng, kết luận này chỉ được đưa ra sau khi đã có 16 em bé thiệt mạng oan uổng.

Hiện tượng kỳ lạ

Nằm cách thành phố Boston chỉ khoảng gần 20km về phía Tây Bắc và gần thung lũng sông Mystic, Woburn là một thành phố nhỏ thuộc bang Massachusetts, với số dân chỉ khoảng 38.000 người. Đây cũng là một trong những thành phố cổ xưa nhất ở khu vực, với những người đầu tiên đến đây định cư vào năm 1640.

Cho đến mãi thế kỷ 19, kinh tế của thành phố vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi kênh đào Middlesex được mở vào năm 1803, kéo theo đó là sự bùng nổ của hoạt động sản xuất công nghiệp ở địa phương.

Năm 1839, một kỹ sư tên Charles Goodyear đã phát hiện quá trình lưu hóa, đưa đến sự biến chuyển đáng kể trong hoạt động sản xuất đồ da ở địa phương. Cùng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp đồ da, nhờ việc đi lại thuận tiện, các hoạt động sản xuất máy móc và hóa chất ở Woburn cũng đã tăng trưởng đáng kể. Vào đầu những năm 1900, ở Woburn tập trung nhiều xưởng hóa chất sản xuất thuốc trừ sâu có thành phần arsen, dệt, giấy, thuộc da…

Ban đầu, người dân địa phương cũng tỏ ra hài lòng khi nhận thấy sự thay đổi mỗi ngày trong đời sống kinh tế của họ. Tuy nhiên, đến những năm 1970, người ta bắt đầu nhận thấy những điểm lạ kỳ xảy ra. Năm 1973, một bé trai 3 tuổi rưỡi ở Woburn tên Jimmy Anderson được chẩn đoán đã mắc bệnh bạch cầu.

Bé Jimmy Anderson
Bé Jimmy Anderson

Sau trường hợp của bé Anderson, tại Woburn tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp bệnh tương tự khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục trẻ em và cả người lớn cũng được phát hiện đã bị ung thư máu và một số dạng ung thư khác.

Một số nguồn tin khi đó cho rằng, tỉ lệ trẻ bị ung thư máu ở thành phố Woburn khi đó cao gấp khoảng 4 lần số ca bệnh trung bình tại các thành phố có diện tích và quy mô dân số tương đương.

Đặc biệt, trong số 12 trẻ bị bạch cầu có đến 8 em sống trong khu vực có bán kính chưa đầy 1km và có 6 em có nhà gần như sát vách nhau. Những người khác trong gia đình những em bé này cũng gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe khác như phát ban, mờ mắt, sẩy thai, nhức đầu.

Nghi vấn nguồn nước

Trong suốt quá trình điều trị cho con ở Boston, chị Anne Anderson đã tìm đến gặp nhiều gia đình có con bị bệnh khác. Chị cho rằng, những trường hợp mắc ung thư máu ở khu dân cư mà chị sinh sống hoàn toàn không phải là việc ngẫu nhiên mà cụ thể chị nghi ngờ rằng bệnh tình của con trai mình có liên quan đến nguồn nước uống ở địa phương mà chị nghĩ đã bị nhiễm độc. Song, các bác sỹ tại bệnh viện nói rằng rất khó để chứng minh được việc các yếu tố môi trường là nguyên nhân dẫn tới các trường hợp bị ung thư.

Thực ra, mức độ an toàn của nguồn nước uống ở Woburn là vấn đề từ lâu đã gây tranh cãi. Bởi, cùng với sự ra đời và phát triển của những nhà máy ở địa phương, lượng hóa chất đổ về đây cũng tăng theo cấp số nhân.

Các nhà máy được thông tin đã sử dụng nhiều hợp chất độc hại để phục vụ hoạt động sản xuất, trong đó có chất xử lý da vốn được cho là vô cùng nguy hiểm. Một phần nước thải có chứa các hóa chất độc hại được cho là đã được các nhà máy xả ra sông Aberjona ở địa phương.

Vào những năm 1950, khi sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động công nghiệp dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng ở địa phương, giới chức thành phố đã bắt đầu xem xét đến việc khoan các giếng nước công cộng để phục vụ cho nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, năm 1958, một kỹ sư trong quá trình khảo sát kết luận rằng nguồn nước ngầm ở Woburn vô cùng độc hại, không an toàn để uống.

Dù vậy nhưng giới chức địa phương vẫn bất chấp cảnh báo này và đến đầu những năm 1960 đã cho khoan 2 giếng nước lớn được gọi là Giếng G và H ở khu vực phía Đông lưu vực sông Aberjona. Nguồn nước giếng được sử dụng suốt những đợt cao điểm khô hạn dù người dân liên tục phàn nàn rằng nước có mùi và có vị lạ, cũng như việc nước ăn mòn đường ống dẫn.

Đơn kiện tập thể

Mãi đến tháng 5/1979, một tờ báo ở Woburn tình cờ phát hiện 184 thùng hóa chất đã được lén đem chôn ở gần sông Aberjona. Phát hiện này đã buộc các điều tra viên của bang Massachusetts phải vào cuộc.

Những thùng hóa chất ở Woburn.
Những thùng hóa chất ở Woburn.

Kết quả xét nghiệm trên mẫu nước của các giếng G và H sau đó cho thấy nguồn nước ở đây đã bị nhiễm tetrachloroethylene (TCE) – một chất bị nghi ngờ gây bệnh ung thư, rối loạn thần kinh, đột biến tế bào, tổn thương gan và nhiều phụ gia công nghiệp độc hại khác. Cả hai giếng nước nói trên đã ngay lập tức bị lấp bỏ.

Sau phát hiện trên, đến tháng 1/1981, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh bang Massachusetts và Sở y tế bang công bố một báo cáo cho rằng nước bị nhiễm độc bị nghi ngờ là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp mắc ung thư ở địa phương.

Dù vậy, giới chức địa phương vẫn không có động thái truy tìm đối tượng sai phạm để buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trong lúc đó, bé trai Anderson và 15 em bé khác qua đời vì bệnh ung thư.

Thất vọng về nhà chức trách, nhóm các gia đình bị ảnh hưởng ở địa phương đã thuê một luật sư ở địa phương tên Jan Schlictmann chuẩn bị hồ sơ kiện các tổ chức mà họ cho là có trách nhiệm trong vụ việc.

Tháng 5/1982, 8 gia đình có con tử vong do bệnh bạch cầu đã đứng đơn tập thể trong vụ kiện dân sự chống lại 2 tập đoàn W. R. Grace và Beatrice. WR Grace là công ty chuyên sản xuất máy móc chế biến thực phẩm còn Beatrice Foods là công ty chủ quản của J. J. Riley - công ty thuộc da duy nhất khi đó còn hoạt động ở Woburn.

Đơn kiện cáo buộc các công ty trên đã làm ô nhiễm nguồn nước ngầm ở địa phương do không xử lý đúng cách các hóa chất TCE, PCE và các dung môi công nghiệp khác tại các cơ sở của họ ở gần giếng G và H ở Woburn.

Sau một thời gian tranh tụng kéo dài và bộc lộ đầy những điểm gây bất bình, đến tháng 7/1986, phán quyết cuối cùng trong vụ việc được đưa ra. Song, phán quyết đó được cho là không rõ ràng. Theo đó, bồi thẩm đoàn cho rằng họ không phát hiện bằng chứng thích đáng cho thấy Beatrice có liên quan đến việc những em bé bị ung thư còn W.R. Grace được xác định đã vô tình làm ô nhiễm các giếng nước ở Woburn.

Trên cơ sở kết luận của bồi thẩm đoàn, Thẩm phán Skinner sau đó đã bác bỏ đơn kiện chống lại Beatrice. Song, kết quả vụ kiện chống lại W.R. Grace cũng được đưa ra theo hướng bất lợi cho các nguyên đơn.

Cụ thể, tòa cho rằng việc các giếng nước nhiễm độc bắt đầu vào tháng 9/1973 trong khi một số gia đình đâm đơn kiện có người thân được xác định mắc bệnh trước thời điểm này nên W.R. Grace không bị buộc phải chịu trách nhiệm về hầu hết các đơn kiện chống lại họ.

Sau khi phán quyết nói trên được đưa ra, các nguyên đơn đã dàn xếp với W.R. Grace về việc bồi thường 8 triệu USD còn Grace bác bỏ mọi trách nhiệm về việc nước nhiễm độc. Năm 1987, luật sư Schlichtmann tiếp tục đâm đơn kiện Grace nhưng Thẩm phán Skinner và Tòa phúc thẩm sau đó đã ra phán quyết chống lại các nguyên đơn.

Hậu quả dài lâu

Mặc dù kết quả tại tòa án đáng thất vọng nhưng vụ việc đã để lại di sản đáng kể. Bởi, Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ sau đó đã vào cuộc và kết luận các công ty sản xuất công nghiệp ở Woburn có trách nhiệm trong vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở địa phương.

Cùng với kết luận này, cơ quan trên cũng đã đạt được dàn xếp trị giá 69,5 triệu USD đối với 5 công ty được xác định có trách nhiệm xử lý ô nhiễm ở các giếng G và H ở Woburn. Các công ty này bao gồm Beatrice, W.R. Grace, UniFirst, Hemingway Trucking và New England Plastics.

Số tiền mà các công ty liên quan bị buộc phải chi trả cho việc làm sạch môi trường nói trên được cho là khoản tiền dọn dẹp chất độc lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Do đó, vụ việc ở Woburn được cho là một vụ kiện có tính bước ngoặt, đánh dấu sự bắt đầu của kỷ nguyên mà các công ty sản xuất buộc phải chịu trách nhiệm về tác hại của chất thải độc hại do họ thải ra môi trường.

Tuy nhiên, dù mấy chục năm đã qua đi cùng nhiều đợt nỗ lực dọn dẹp môi trường nhưng nguồn nước uống bị ô nhiễm và di sản của căn bệnh ung thư vẫn còn hiện hữu tại Woburn. Không một ai, kể cả cơ quan bảo vệ môi sinh của Mỹ - đơn vị chịu trách nhiệm giám sát việc dọn dẹp các điểm ô nhiễm, khẳng định chắc chắn rằng người dân đã hoàn toàn thoát khỏi nguy cơ bị tác động bởi hóa chất đã bị xả ra.

“Vụ việc ở Woburn khiến người ta thấy được những hậu quả nặng nề về sức khỏe do việc ô nhiễm môi trường gây ra. Sự thật đau lòng là những tổn hại mà chúng ta gây ra ngày hôm nay sẽ phải mất một thời gian rất dài sau đó mới có thể khắc phục được” – ông Schlichtmann, luật sư đã tham gia vụ kiện năm 1982 đúc rút.

Đọc thêm

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ngày 21/12, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, tổ chức lễ ra mắt hệ thống máy MRI 3.0 Tesla - công nghệ AI tầm soát đột quỵ. Đồng thời, hệ thống máy MRI 3.0 Tesla hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán chính xác các bệnh lý phức tạp về thần kinh, mạch máu, ung thư…

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.