Ngư dân - “cánh tay nối dài”
Vừa từ biển trở về sau gần một tháng bám ngư trường, anh Trần Hữu Phúc - chủ tàu cá PY 92070TS đã đến Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Đà Rằng (Đồn BP Tuy Hòa) gặp gỡ, trò chuyện cùng Trung úy, Trạm trưởng Phạm Văn Huân. Trong những câu chuyện về tình hình đánh bắt, thời tiết trên biển, sản lượng, giá cá, anh Phúc còn thông tin về một tàu cá ở làng biển này vừa bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ. Anh Phúc cho biết, ngư trường của mình hiện ít cá, trong khi đó, khu vực ngoài vùng giáp ranh mùa này thường có luồng cá ngừ di chuyển.
“Mỗi tàu thường trang bị hai, ba nghề, không có cá này, họ sẽ chủ động chuyển sang đánh bắt loại cá khác. Đối với tàu cá chỉ có duy nhất giàn câu cá ngừ, họ sẽ bám đuổi theo luồng cá để đánh và chạy lấn qua ngư trường nước bạn, dễ bị bắt giữ” - Anh Phúc giải thích. Anh cũng cho rằng, nếu ngư dân được tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn ưu đãi để sắm nhiều nghề trên phương tiện sẽ hạn chế được tình trạng lấn sang ngư trường nước ngoài đánh bắt.
Đã thành thông lệ, hơn 10 năm qua, sau mỗi chuyến biển, anh Phúc và các chủ tàu cá trong Tổ tàu thuyền an toàn khu phố Bạch Đằng đều đến Trạm KSBP báo cáo mọi tình hình trên biển. “Theo chúng tôi, điều này không chỉ là trách nhiệm mà đã thành một thói quen và hoàn toàn tự nguyện. Việc báo tin tức như thế không chỉ giúp Đồn BP Tuy Hòa nắm chắc tình hình trên biển để quản lý, mà chúng tôi còn thấy các anh như người nhà, nhờ đó thêm vững vàng, yên tâm hơn khi vươn khơi” - anh Phúc tâm sự.
Tại Trạm KSBP Đà Rằng, chúng tôi còn chứng kiến cuộc trò chuyện giữa những ngư dân trên tàu cá PY 96172TS với Trạm trưởng Phạm Văn Huân qua máy điện đàm. Anh Phạm Ngọc Tuấn - Thuyền trưởng tàu cá này đã báo cáo với Trạm KSBP Đà Rằng họ đã tiếp cận và vớt được 6 ngư dân trên tàu cá PY 96678TS bị nạn tại khu vực cách đảo Song Tử Tây 108 hải lý về phía Tây Tây Bắc.
Trung úy Phạm Văn Huân cho biết, 5 giờ trước, tàu cá PY 96678 TS do ông Phạm Ngọc Sơn làm Thuyền trưởng cùng 5 lao động đang câu cá ngừ đại dương ở Trường Sa thì bị va vào đá ngầm. Tàu bị phá nước rồi chìm dần.
Thuyền trưởng Sơn và các thuyền viên sau khi phát tín hiệu về Trạm KSBP Đà Rằng đã nhanh chóng rời tàu, xuống thuyền thúng. Tiếp nhận thông tin đề nghị ứng cứu tàu cá bị nạn của Trạm KSBP Đà Rằng, ông Tuấn đã cho tàu chạy đến vị trí tàu PY 96678 TS bị nạn để tiếp cận và vớt các ngư dân, đồng thời buộc dây, lai dắt tàu cá bị nạn. Tuy nhiên, do bị phá nước quá nặng, tàu này chìm hẳn ngay sau đó. Các thuyền viên đã cắt dây, thả tàu và báo về Trạm KSBP sẽ tiếp tục chuyến đánh bắt, dự kiến 10 ngày sau sẽ đưa các ngư dân bị nạn về bờ.
Đó là 2 trong hàng chục cuộc gặp gỡ, trao đổi, kết nối, thông tin tình hình qua lại hết sức mật thiết mỗi ngày giữa cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Đà Rằng với những ngư dân ở các làng biển TP Tuy Hòa.
Kế thừa thành quả phong trào tổ tàu thuyền an toàn
Chia sẻ về mối quan hệ “quân dân cá nước” này, Trung tá Lê Thế Vinh - Đồn trưởng Đồn BP Tuy Hòa cho biết: “Để có những “đồng đội ngư dân” sẵn sàng giúp đỡ đơn vị trong việc nắm bắt tình hình trên biển, hàng chục năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn BP Tuy Hòa luôn chủ động kết nối, xây dựng lực lượng quần chúng nòng cốt bằng các mô hình tổ tàu thuyền an toàn và thôn, xóm, khu phố, dòng họ, gia đình tiêu biểu tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.
Đây là những mô hình ra đời xuất phát từ yêu cầu thực hiện Chỉ thị 34/CT-BTL năm 2003 của Bộ Tư lệnh BĐBP về Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn xóm khu vực biên giới”.
Từ các buổi sinh hoạt quần chúng, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hiểu thấu tâm tư, tình cảm, những khó khăn mà bà con gặp phải. Từ đây, nhiều vụ việc vướng mắc như chuyện tranh chấp lao động giữa các phương tiện, chuyện mất an toàn tại bến bãi neo đậu tàu thuyền, cửa biển bị bồi lấp gây nguy hiểm cho tàu cá, chính sách bảo hiểm còn gây khó cho ngư dân gặp nạn... đã được Đồn BP Tuy Hòa đề đạt, kiến nghị lên các cấp chính quyền, ngành chức năng tích cực tháo gỡ, tạo nhiều thuận lợi để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển làm ăn.
Thông qua “tai, mắt” của những ngư dân ưu tú trong hai mô hình này, BĐBP tỉnh Phú Yên đã nắm chắc tình hình trên biển và tổ chức tuần tra, xua đuổi nhiều lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt trộm hải sản. Đồn cũng đã xử lý hàng chục vụ tàu thuyền sử dụng thuốc nổ, xung điện khai thác thủy sản, tình trạng mua bán, tàng trữ trái phép chất nổ, chất ma túy đều được ngư dân phát hiện, tố giác, góp phần giữ bình yên khu vực biên giới biển.
Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, hai làng biển Đông Tác và phường 6, thành phố Tuy Hòa mới đây đã công bố quyết định thành lập và ra mắt 29 tổ sản xuất trên biển với gần 300 chủ tàu, thuyền trưởng tham gia. Cũng bằng hình thức tập hợp, vận động, kết nối ngư dân đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, các tổ sản xuất trên biển ra đời trên cơ sở kế thừa những thành quả xây dựng phong trào tổ tàu thuyền an toàn được Đồn BP Tuy Hòa triển khai hơn 10 năm qua.