Vừa hết đợt nghỉ phép để xử lý hậu quả của hậu COVID-19 cho hai cô con gái nhỏ, chị Trần Nguyệt Minh (38 tuổi, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) lại tiếp tục xin nghỉ thêm mấy ngày nữa vì các con lại “lăn” ra ốm. Lần này, các con vừa sốt cao vừa nôn, tiêu chảy có phần giống căn bệnh “viêm gan bí ẩn” khiến chị rất lo lắng. “Khu nhà tôi nhiều trẻ con bị triệu chứng như thế nên vợ chồng tôi lo lắm. COVID-19 chưa hết, lại xuất hiện căn bệnh lạ này, trong khi sức đề kháng của trẻ còn yếu”, chị Minh chia sẻ.
Không riêng chị Minh, khá đông người dân đổ xô đi khám vì hoang mang, lo lắng trước các triệu chứng tương tự.
Tuy nhiên, theo ngành Y tế, hiện Việt Nam vẫn chưa phát hiện ca bệnh nào căn bệnh “viêm gan bí ẩn” nào. Nhưng Bộ Y tế luôn đề cao cảnh giác khi liên tiếp ra văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ các ca nghi mắc để kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời; Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tình hình bệnh “viêm gan bí ẩn” và có biện pháp phòng chống phù hợp, tạm thời…
Theo các chuyên gia y tế, triệu chứng khởi phát của bệnh nhân khi mắc bệnh “viêm gan bí ẩn” là: sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan, sau đó diễn biến thành suy gan. Biểu hiện sớm của suy gan là chán ăn, vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, nước tiểu có màu sẫm… Trường hợp nặng có thể xảy ra tình trạng lơ mơ, thậm chí hôn mê. Khi xét nghiệm phát hiện bị tăng men gan hay suy giảm các chức năng của gan…
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên chú ý vệ sinh cá nhân cho trẻ để chặn đứng nguồn lây (rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn; che miệng khi hắt hơi; ăn chín uống sôi; vệ sinh đồ dùng cá nhân; đảm bảo nguồn nước sạch…). Trong trường hợp trẻ xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Trường hợp có yếu tố hướng tới tình trạng tổn thương gan, các thầy thuốc sẽ chỉ định làm các xét nghiệm để xác định có bị tổn thương gan hay không.
Để chủ động giám sát các ca bệnh, hạn chế số ca mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; Phối hợp với địa phương lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam gửi về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Xác định phát hiện sớm để chủ động phòng bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn theo dõi sát sao các trường hợp có biểu hiện sốt, nôn, tiêu chảy, đặc biệt là xác định xem có bị tổn thương gan hay không. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng theo dõi sát diễn biến các ca bệnh và hướng điều trị các trường hợp để đúc rút kinh nghiệm. Không chỉ vậy, Ban lãnh đạo bệnh viện cũng chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực để đáp ứng các ca bệnh nặng, kể cả phải ghép gan.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, để sàng lọc và phát hiện sớm bệnh, bệnh viện đã xây dựng các bộ câu hỏi ghi nhận, sàng lọc bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn. Theo đó, các bệnh nhân ở phòng khám nếu có triệu chứng nghi ngờ sẽ được làm xét nghiệm liên quan để xác định tổn thương gan. Tùy từng bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để tiếp cận chẩn đoán, can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, các xét nghiệm men gan để sàng lọc chỉ cần thực hiện ở các đối tượng nguy cơ cao do bác sĩ chỉ định, không cần thực hiện đồng loạt xét nghiệm men gan, chức năng gan vì không cần thiết – các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo.