Tháng 1 năm nay, chị N.T.A. bỗng thấy tài khoản ngân hàng của mình bị trừ hơn chục triệu đồng. Nghĩ là mình bị hack tài khoản, chị A. ra ngân hàng để tìm hiểu. Sau nhiều thủ tục kiểm tra, chị A. được biết tiền bị trừ là vì chị chơi... game online. Sau nhiều lần truy vấn, chị A. mới “bật ngửa” vì số tiền bị mất là do cậu con trai 12 tuổi. Cậu bé vừa khóc, vừa kể trong khi lướt net, tình cờ cậu bé thấy lời mời gọi chơi game online để nhận được tiền. Khi vào chơi, ban đầu cậu bé quả thật được “phát tiền” trong thẻ để chơi game thỏa thích. Sau đó, cậu bé được yêu cầu nạp tiền để mua các loại vũ khí trong game để trở nên “vô địch”, nhận nhiều tiền thưởng hơn. Vì không có tiền, cậu bé lấy điện thoại của mẹ, có cài sẵn chế độ thanh toán qua các ứng dụng, lấy cớ xin mẹ mua phần mềm học tiếng Anh online để lấy mật khẩu thanh toán cho game.
Câu chuyện phụ huynh bị trừ tiền trong tài khoản bởi các trò lừa đảo game online hướng về con trẻ không phải hiếm. Có trường hợp, phụ huynh bị trừ đến hàng trăm triệu đồng vì thiếu kiểm soát thiết bị điện tử và tiền trong tài khoản. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT, trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Thống kê cũng cho thấy, giờ đây, các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới, tập trung ở các đối tượng như người cao tuổi, người có thu nhập thấp và đặc biệt là trẻ em. Trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Bộ Công an liệt kê, thì các vụ lừa đảo nhắm tới trẻ em chủ yếu tập trung vào 3 hình thức gồm lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm và lừa cung cấp dịch vụ lấy lại Facebook.
Bên cạnh các chiêu lừa tiền hướng đến trẻ em, các đối tượng lừa đảo lợi dụng tình trạng nhận thức còn hạn chế, suy nghĩ ngây thơ của trẻ để lừa gạt hướng về tình cảm, đặc biệt là đối với trẻ đang tuổi lớn. Đã có trường hợp, trẻ bị lừa hẹn hò qua mạng, dụ dỗ vào nhà nghỉ, bị chụp cảnh nóng, đe dọa sẽ tung ảnh nóng phát tán để trẻ bị khống chế, buộc phải làm theo ý, hoặc trộm tiền cha mẹ để đưa cho kẻ lừa đảo, hay ép trẻ tham gia các hoạt động phi pháp. Trong các vụ lừa đảo này, trẻ không chỉ bị lừa, cướp tiền mà nhiều trường hợp còn bị xâm hại. Nhiều trẻ, trải qua việc bị lừa đã bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm lý, mất niềm tin, sợ hãi người lớn... ảnh hưởng lâu dài cho tương lai các em.
Cuối năm 2023, trước việc lừa đảo nhắm vào đối tượng trẻ em ngày càng nhiều, Cục An toàn thông tin đã đưa ra những cảnh báo đến toàn xã hội. Theo Cục An toàn thông tin, trẻ em và người lớn đều phải có đủ hiểu biết và chủ động trang bị các thông tin cần thiết về các nguy cơ lừa đảo.
Về phần mình, phụ huynh cần quan tâm, giáo dục trẻ không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; dạy trẻ kỹ năng nhận biết cũng như bảo vệ mình trước những lời dụ dỗ, các trang web và đường dẫn lạ trên không gian mạng. Đồng thời, khuyến khích trẻ chia sẻ thường xuyên các tình huống, tin nhắn đáng ngờ mà trẻ gặp phải. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần thường xuyên theo dõi các tương tác trực tuyến, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống, đồng thời cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín để có thể kịp thời phát hiện các liên kết và phần mềm độc hại trên thiết bị của trẻ.
Còn theo các chuyên gia tâm lý, ngoài việc thường xuyên dạy bảo kĩ năng, theo sát các hoạt động trên mạng của con, phụ huynh cũng cần theo dõi diễn biến tâm, sinh lý của con, thường xuyên trò chuyện, tâm sự với con, đặc biệt là khi cảm giác con có những triệu chứng tâm lý thay đổi khác lạ. Có như thế mới có thể ngăn chặn kịp thời những kẻ lừa đảo tiếp cận trẻ cho các âm mưu đen tối, giúp trẻ tránh khỏi những hậu quả không hay ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu