Số phận hàng trăm nghìn dân phụ thuộc vào 1 hồ chứa
Thực tế cho thấy, hiện các nhà đầu tư xây dựng thủy điện hầu như chỉ thiên về mục tiêu kiếm lời mà không chú trọng đúng mức việc vận hành hồ chứa, dẫn đến nguy cơ mất an toàn về mùa lũ, thiếu nước về mùa khô tại hạ du. Nếu xẩy ra trường hợp một trong các đập thủy điện gặp “sự cố”, khả năng dẫn đến hậu quả dây chuyền là rất cao và khó ai có thể tiên lượng được điều gì sẽ xảy đến với số phận hàng trăm nghìn hộ dân ở hạ du. Bài học về xả lũ của thủy điện A Vương, thủy diện Sông Ba vẫn còn đó.
Bậc thang thủy điện chi chít trên sông Đồng Nai. |
Chính các dự án thủy điện cũng lâm cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Kết quả đợt khảo sát về tác động môi trường của các nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai cuối năm 2010 cho thấy, hàng loạt nhà máy thủy điện phải ngưng hoạt động vì thiếu nước. Nằm gần cuối sông Đồng Nai, không tích đủ nước để vận hành, thủy điện Trị An buộc phải “trùm mền” là một chuyện, nhưng ngược lên thượng nguồn, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng), thủy điện Đồng Nai 2 cũng phải “vật vã” tích nước!
Ông Hoàng Văn Thống- Chánh Thanh tra Sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Đồng Nai bộc bạch: “Lo ngại lớn nhất đối với việc xây dựng nhiều công trình thủy điện cùng một lưu vực sông là việc ngăn nước của các nhà máy sẽ làm mất đi dòng chảy sinh thái của sông, ảnh hưởng đến hệ động thực vật xung quanh, đồng thời diện tích rừng bị thu hẹp nên khả năng giữ nước kém, đất đai bị sói mòn, sạt lở… Chất lượng nước tại đập về hạ lưu là vấn đề cũng đáng quan tâm. Điều tiết nước tăng thì đẩy về hạ lưu rửa ô nhiễm tốt hơn, tuy nhiên nguy cơ ô nhiễm khá nhiều tại các đập thủy điện, đặc biệt là tảo sinh chất độc tại thủy điện Trị An là một ví dụ”
Đã đến lúc nói “không”
TS Lê Anh Tuấn- Viện nghiên cứu biến đổi khi hậu - Đại học Cần Thơ cho rằng: “Nếu triển khai thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì các nhà quản lý cần xem xét lại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và các Luật mà Nhà nước đã ban hành”. Bởi lẽ, Công ước Ramsar mà Việt Nam phê chuẩn tham gia từ năm 1989 đã ghi rõ: “Các bên cam kết bảo đảm việc bảo tồn và sử dụng khôn ngoan các vùng đất Ramsar như là sự quản lý toàn diện các lợi ích mà khu đất ngập nước đã cung cấp cho con người (như sinh kế, sức khỏe, văn hóa) và môi trường (như bảo vệ đa dạng sinh học)”. Trong khi đó, việc triển khai 2 dự án thủy điện nói trên sẽ “xóa sổ” hệ đất ngập nước Bàu Sấu là khu Ramsar thứ 1.499 của thế giới và khu thứ 2 của Việt Nam. Đó là chưa nói vi phạm Công ước đa dạng sinh học Akwé.
UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận không triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 8 vì tác động lớn đến dân sinh, gây ngập lụt Vườn quốc gia (VQG). Theo quy hoạch dự án thủy điện Đồng Nai 8 sẽ làm ngập 10.000 ha đất rừng; trên 50.000 dân phải di dời. Bên cạnh đó dự án thủy điện Đồng Nai 7 và Đạ Kho nằm ở huyện Đạ Tẻ (Lâm Đồng) và một phần xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, Đồng Nai (thuộc VQG) cũng có tác động xấu đến rừng Cát Tiên và khu ngập nước Ramsar–Bàu Sấu, nên tỉnh không đồng ý bổ sung hai dự án này vào quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai.
Thiết nghĩ, vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo vệ pháp luật, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành nên có sớm có quyết định không chấp thuận 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Theo Nghị quyết số 49 ngày 19/6/2010 của Quốc hội: các dự án, công trình sử dụng đất VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên… phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Đối chiếu với quy định trên, quy trình đầu tư hai dự án thủy điện nói trên - “nuốt chửng” hơn 136 ha đất rừng VQG Cát Tiên – rõ ràng là vi phạm pháp luật. |
Phúc Ân