Cảnh báo bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn

Bệnh nhân viêm não Nhật Bản điều trị tại Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức Truyền nhiễm.
Bệnh nhân viêm não Nhật Bản điều trị tại Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức Truyền nhiễm.
Gần đây, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức Truyền nhiễm, Bệnh viện trung ương quân đội 108, tiếp nhận nhiều bệnh nhân người lớn, trong đó có các chiến sĩ bộ đội mắc bệnh viêm não Nhật Bản điển hình, với những tổn thương nặng nề về thần kinh-tâm thần, để lại di chứng, tàn phế nghiêm trọng nếu khỏi bệnh.

Đơn cử, ngày 3/9, bệnh nhân Lưu Văn N. (53 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội), vào viện sau 3 ngày sốt cao liên tục 39-40 độ C, rối loạn ý thức, liệt chân trái, tiểu tiện không thể kiểm soát. Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng hôn mê, liệt tứ chi, suy hô hấp, trụy tim mạch phải thở máy, dùng thuốc vận mạch duy trì huyết áp.

Kết quả xét nghiệm máu và dịch não tủy cho thấy bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản. Hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy tổn thương dạng viêm lan tỏa toàn bộ vùng chất xám bán cầu 2 bên. Bệnh nhân sau đó xuất hiện rối loạn thần kinh thực vật nghiêm trọng, tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình xin cho bệnh nhân ra viện về chăm sóc giai đoạn cuối tại nhà vào ngày thứ 10 của bệnh.

Trước đó, tháng 6-7/2018, khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức Truyền nhiễm cũng tiếp nhận 6 bệnh nhân người lớn, trong đó có 3 chiến sĩ đóng quân tại tỉnh Điện Biên được chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Tuy cả 6 trường hợp này đều được cứu sống ra viện, nhưng 4 bệnh nhân phải mang di chứng tàn phế: rối loạn ý thức, hôn mê, liệt mềm tứ chi nằm một chỗ, động kinh, thở máy kéo dài hoặc thở qua lỗ mở khí quản.

Theo TS. Vũ Viết Sáng, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức Truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện trung ương quân đội 108, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh viêm não Nhật Bản, song chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi. Nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2-6 tuổi, chiếm 75% tổng số trẻ mắc. Người lớn ít mắc bệnh do đa số đã có miễn dịch mắc phải. 

Thời gian ủ bệnh trung bình là 1 tuần (từ 5-14 ngày). Bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao 39-40 độ, đau đầu, buồn nôn và nôn. Bệnh diễn biến nặng lên rất nhanh. Có trẻ đang khỏe mạnh bỗng nhiên sốt cao, sau đó xuất hiện nôn, cứng gáy, tăng trương lực cơ, co giật, rối loạn ý thức, lờ đờ, lú lẫn rồi hôn mê ngay trong vòng 1-3 ngày đầu.

Giai đoạn toàn phát kéo dài từ ngày 3-4 đến ngày 6-7 của bệnh. Virus xâm nhập vào nhu mô não tuỷ gây huỷ hoại các tế bào thần kinh. Các triệu chứng của giai đoạn khởi phát không thuyên giảm mà tăng dần.

Giai đoạn này diễn ra ngắn, nổi bật là các triệu chứng tổn thương não chung và tổn thương thần kinh khu trú: rối loạn ý thức, lú lẫn, có khi hôn mê sâu, liệt từng phần hoặc toàn bộ tứ chi, động kinh, múa giật, múa vờn, rối loạn cơ tròn, rối loạn thần kinh thực vật như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở, tăng tiết trong lòng khí quản, mạch nhanh và yếu, huyết áp tụt ảnh hưởng đến các chức năng sống. Bệnh nhân tử vong chủ yếu gặp trong giai đoạn này. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

Giai đoạn lui bệnh bắt đầu từ tuần thứ 2 trở đi. Sốt giảm dần và hết vào khoảng ngày thứ 10 nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê có thể tỉnh lại dần dần, không còn những cơn co cứng, hết nôn và đau đầu.

Bệnh nhân có thể xuất hiện các biến chứng như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm phế quản - phổi do bội nhiễm; viêm đường tiết niệu do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét điểm tỳ đè và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. 

Di chứng có thể gặp là bại hoặc liệt tay chân, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, động kinh, parkison, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần hoặc hôn mê, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá, nghe kém hoặc điếc... 

Cũng theo TS. Vũ Viết Sáng, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Các điều trị hỗ trợ nhằm duy trì chức năng sống, hạn chế tổn thương não thứ phát, điều chỉnh rối loạn chức năng các cơ quan, dự phòng biến chứng như: hạ sốt, an thần, chống co giật, chống phù não, hồi sức hô hấp và tuần hoàn, cân bằng nước-điện giải, cân bằng kiềm toan, kiểm soát đường máu, kháng sinh chống bội nhiễm, nuôi dưỡng tích cực, săn sóc chống loét. 

Dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu dựa vào tiêm phòng vac-xin. Vac-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1954. Vac-xin được tiêm cho mọi lứa tuổi, ưu tiên cho trẻ từ 1-5 tuổi trong vùng có dịch lưu hành. Cần tiêm 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản, mỗi liều 0,5mL (liều thứ 2 cách liều thứ nhất 1 tuần, liều thứ 3 sau liều thứ hai 1 năm). Sau đó cứ 3 năm tiêm một liều để duy trì miễn dịch bền vững.

Ngoài ra cần áp dụng các biện pháp dự phòng không đặc hiệu khác như: diệt muỗi, nằm màn, tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường ngoại cảnh, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh cá nhân.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính của hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương các tế bào thần kinh. Tên gọi viêm não Nhật Bản có nguồn gốc từ một vụ dịch xảy ra năm 1924 tại Nhật Bản với hơn 6000 người mắc bệnh, nhiều người tử vong. Năm 1933, các nhà khoa học Nhật Bản đã xác định được tác nhân gây bệnh, đặt tên là virus viêm não Nhật Bản, một loại Arbovirus nhóm B (họ Togaviridae, giống Flavivirus). 

Bệnh có tỉ lệ tử vong cao và để lại những di chứng nặng nề. Ước tính, có khoảng 25 - 35% bệnh nhân viêm não Nhật Bản tử vong và khoảng 50% bệnh nhân có các di chứng thần kinh, tâm thần. 

Nguồn bệnh chủ yếu là các loài chim hoang dã (diệc, liếu điếu…) và gia súc (lợn, ngựa..). Chim và lợn là các ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên. Muỗi hút máu của chim và lợn có chứa virus, sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đến nay, đây là con đường duy nhất lây nhiễm viêm não Nhật Bản. Hiện chưa ghi nhận lây truyền từ người sang người. Dù nhiễm virus song lợn không bị bệnh mà đóng vai trò là kho chứa, duy trì virus trong thiên nhiên.

Nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh, nhưng chủ yếu là 2 loài: Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui. Cả 2 loài muỗi này hoạt động mạnh vào lúc chập choạng tối và thường sống ở ruộng lúa nước.

Tại Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Các ổ dịch thường nằm ở những vùng trồng lúa nước kết hợp chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả (nhãn, vải..) và nuôi lợn. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất từ tháng 5 - 7.

Tin cùng chuyên mục

TP Cần Thơ đẩy mạnh quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trên địa bàn. (Nguồn: Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

(PLVN) -  Việc hầu hết các em học sinh (HS) khi gặp vấn đề tâm lý không biết phải gặp ai, làm gì để giúp các em vượt qua là phản ánh rõ nét cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khoảng trống.

Đọc thêm

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.