Cẩn trọng với bệnh sốt mò

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh liên tiếp tiếp nhận các trường hợp trẻ sốt nhập viện do mò đốt. Sốt do mò đốt có các triệu chứng gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác. 

Bệnh xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4-5 đến tháng 9-10, đỉnh cao vào những tháng 6-7. Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin điều trị nên người dân  không nên chủ quan.

Nhập viện vì mò đốt

Cụ thể, trường hợp trẻ N.H.T. (10 tuổi), nhập viện trong tình trạng trẻ sốt từng cơn, đã uống thuốc kháng sinh không đỡ được gia đình cho nhập viện.

Qua thăm khám bác sĩ phát hiện một vết loét đóng vảy đen điển hình do ấu trùng mò đốt ở vùng nách, kích thước 5x10mm. Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị nhiễm khuẩn huyết/theo dõi bệnh do Rickettsia và chỉ định nhập Khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.

Trước đó, mới đây, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội thông tin đã điều trị thành công cho một bệnh nhân nam 83 tuổi suýt chết vì ấu trùng mò đốt ở vùng kín. 

Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức trong tình trạng ý thức lơ mơ, kích thích vật vã, sốt cao liên tục, huyết áp tụt thấp, khó thở. 

Người này có tiền sử tăng huyết áp, khởi phát bệnh 10 ngày trước, vào viện với biểu hiện sốt cao, có cơn rét run kèm theo đau đầu và ho. Người bệnh đã được điều trị tại bệnh viện huyện và tỉnh với chẩn đoán viêm phổi - phế quản, suy tim nhưng không đỡ, ngày càng nặng hơn.

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện một vết loét điển hình do ấu trùng mò đốt ở vùng bìu với kích thước 1x1,5cm, hình bầu dục, vẩy thâm.

Theo bác sĩ Đỗ Văn Đông, Việm Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh sốt mò biến chứng suy đa tạng (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, rối loạn đông máu). Người bệnh được áp dụng các biện pháp điều trị hồi sức tích cực với kháng sinh đặc hiệu, thuốc vận mạch nâng huyết áp,...

Sau 7 ngày điều trị, người bệnh hết sốt, bỏ được máy thở và rút ống nội khí quản, ngừng thuốc vận mạch, chức năng gan thận cải thiện. Bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện sau 21 ngày trong tình trạng đã hồi phục hoàn toàn.

Sốt mò là gì?

Theo tìm hiểu, sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi, truyền sang người qua ấu trùng mò. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, do rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác, sốt mò thường bị chẩn đoán nhầm. Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%.

Bệnh lưu hành chủ yếu ở châu Á và Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX, bệnh chưa được chú ý; chỉ được mô tả lẻ tẻ năm 1923-1932 (P.E. Lagrange; Souchard E et al); tới tháng 6/1965 một vụ dịch sốt mò lớn bùng phát ở Sơn La (dân vào hang trú bom, bùng phát hàng trăm bệnh nhân); từ đó bệnh được chú ý hơn, được đăng ký chính thức trong báo cáo ngành, nhiều ổ dịch được xác định thêm, nhiều bệnh nhân được phát hiện thêm; trong bộ đội năm 1969 tại Hà Tuyên có 175 bệnh nhân với 2 ca tử vong.

Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của sốt mò. Các loài chuột và thú nhỏ - vật chủ ký sinh của ấu trùng mò đỏ - có mặt đông đúc và phân bổ rộng rãi ở nước ta. Bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, cao điểm là các tháng 6-7. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh.

Bệnh truyền sang người qua trung gian là ấu trùng mò; theo đó, mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.

Khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh, ấu trùng mò bị nhiễm O. tsutsugamushi. Ấu trùng mò 6 chân phát triển thành nymph 8 chân, rồi thành mò trưởng thành và đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh, ấu trùng này đốt và hút máu người và các con vật khác, làm lây nhiễm bệnh. Ấu trùng là giai đoạn duy nhất có thể truyền bệnh sang người (nymph và mò trưởng thành sống trong đất và không hút máu các động vật khác).

Mò đỏ thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Người có thể bị mò nhiễm bệnh đốt khi sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi qua các vùng ven suối, ven sông, vào các hang đá, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ…

Thời gian ủ bệnh kéo dài 6 - 21 ngày (trung bình 10 -12 ngày). Bệnh thường khởi phát đột ngột. Sốt cao liên tục ≥ 38 - 40°C, kéo dài 2-3 tuần hoặc hơn nếu không điều trị. Có khi rét run 1-2 ngày đầu, kèm theo sốt thường có nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.

Vòng đời của mò
Vòng đời của mò 

Những biến chứng

Theo các chuyên gia y tế, do vết đốt không đau nên người bệnh thường không chú ý. Sau khi bị đốt từ 6-12 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát bệnh. Người bệnh có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, da và mắt thường xung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm như đáy giếng.

Nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp, bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng, trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và tử vong.

Thế nhưng, việc nhận biết và chẩn đoán sốt mò rất khó khăn vì các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không điển hình. Đa số bệnh nhân nhập viện muộn do chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như sốt rét, sốt phát ban, sốt xuất huyết, sốt thương hàn, nhiễm xoắn khuẩn vàng da, nhiễm virus cấp, nhiễm trùng huyết, nhiễm não mô cầu… Chẩn đoán xác định phải dựa vào vết đốt của mò và kháng thể đặc hiệu trong máu.

Cần phân biệt sốt mò với  một số bệnh bệnh khác

Bệnh do xoắn khuẩn: Sốt, xung huyết, mắt đỏ, đau cơ, ban và hạch nhưng không có nốt loét đặc trưng, thường có xuất huyết dưới da.

 Thương hàn: Sốt kéo dài, li bì, mạch nhiệt phân ly nhưng đào ban rất thưa, bụng thường chướng, không có nốt loét đặc trưng.

Sốt xuất huyết: Sốt thường kéo dài trung bình 6 - 7 ngày, nhưng ở Dengue cổ điển ban dát sẩn dày hơn, đau cơ khớp rõ hơn; ở Dengue xuất huyết ban xuất huyết hay xuất hiện khi sốt về bình thường, không có nốt loét đặc trưng.

Sốt rét: Tuy sốt rét tiên phát có sốt liên tục, nhưng rồi cũng chuyển vào cơn sốt chu kỳ với 3 giai đoạn rét - nóng - vã mồ hôi; không có nốt loét đặc trưng; ký sinh trùng sốt rét dương tính.

Khi có biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám, tránh tự ý dùng các loại thuốc hạ sốt kéo dài khiến bệnh nặng thêm. Tại các cơ sở y tế khi có bệnh nhân sốt liên tục, ngoài việc nghĩ tới các bệnh sốt thông thường cần nghĩ đến bệnh sốt mò, nên tìm vết đốt của mò để lại trên người bệnh nhân.

Hiện tại không có vắc xin để ngăn ngừa bệnh sốt mò

Bệnh sốt do mò đốt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh. Để phòng tránh bệnh, người dân hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất tay, tất chân, ủng.

Nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sỹ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Phí Xuân Thi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm tiếp xúc với những mầm bệnh như:

Khi đi du lịch đến những khu vực thường gặp bệnh sốt mò, hãy tránh những khu vực có nhiều cây cối, bụi rậm, nơi có thể có chứa nguồn lây bệnh.

Cho trẻ mặc quần áo dài tay, che chân – tay, mũi, hoặc cho em bé ngồi xe đẩy có lưới chống muỗi. Không bôi thuốc chống côn trùng lên tay, mắt hoặc vùng da bị kích ứng của trẻ.

Biện pháp phòng chống dịch

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tiết kiệm nhất là tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh. Phát quang bụi rậm xung quanh nhà. Phun thuốc diệt mò: Phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20cm quanh nhà, nơi râm mát. Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước. Khi đi làm rẫy, phát nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay có dây chun buộc chặt ở ống quần, mang giày, đội mũ; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc sử dụng các kem xua diệt mò.

Khi mắc bệnh, bệnh nhân được điều trị bằng Tetracycline 2 gam/ngày đầu và 1 gam/24 giờ ngày sau, tới khi cắt sốt 2-3 ngày, tổng liều 6-7 gam; hoặc Doxycycline 100-200mg/24 giờ, tiếp theo 100mg/24 giờ những ngày sau; hoặc Chlorocid nếu Tetracycline chống chỉ định; khi can thiệp sớm (trong 3 ngày đầu), sau 6 ngày nghỉ thuốc, nên chỉ định đợt II trong 3-4 ngày, để chặn tái phát; khử trùng, tẩy uế hàng ngày và lần cuối không có ý nghĩa cắt lây lan; thu dung: thể thông thường điển hình tại bệnh xá; thể nặng có biến chứng tại bệnh viện; tiêu chuẩn ra viện: hết sốt 7 ngày, ổn định.

Đọc thêm

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa

Thoát 'bụng bia' nhờ giảm cân chuẩn y khoa
(PLVN) - Trong 3 tháng đầu tiên, Trung tâm Giảm cân BVĐK Tâm Anh đã đón tiếp hơn 1.000 khách hàng, trong đó nhiều nam giới đã không còn “bụng bia” nhờ giảm cân chuẩn y khoa quốc tế.

Những hiểm họa của đèn laser sân khấu với đôi mắt

Ảnh minh họa

(PLVN) - Hiện nay, đèn laser sân khấu ngày càng trở nên phổ biến trong các sự kiện giải trí do tạo hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Song nếu tiếp xúc trực tiếp, quá lâu với loại ánh sáng này có thể gây ra những tổn thương, đặc biệt là thị lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo về virus HMPV

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) -  “Đây là những loại virus bình thường, không phải loại nguy hiểm vì vậy người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, cũng cần chú ý phòng bệnh giống như các bệnh được hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay.

Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát dịp Tết

Số ca mắc sởi gia tăng tại nhiều địa phương. (Bệnh nhi điều trị sởi tại Khoa Nhi, BV Thanh Nhàn - Ảnh: Hoài Giang)
(PLVN) - Tết cận kề, nhu cầu đi lại và giao lưu của người dân tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Để đón một cái Tết an lành, việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa không chỉ là trách nhiệm của ngành Y tế mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân.

Tử vong do ngộ độc cá nóc

Tử vong do ngộ độc cá nóc
(PLVN) - Chiều 6/1, UBND xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xác nhận một vụ ngộ độc nặng do ăn cá nóc xảy ra trên địa bàn, khiến một người tử vong và bốn người khác phải nhập viện điều trị .

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

Nỗi lo ngại toàn cầu từ Virus HMPV ở Trung Quốc sau 5 năm dịch COVID-19?

(PLVN) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc gần đây đã báo cáo sự gia tăng các ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm cả HMPV, vào mùa đông. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, nhưng sự gia tăng ca bệnh đã thúc đẩy các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống giám sát.