Nhiều thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt tiền mua vé máy bay
Theo thông tin được phát đi từ VNA, những ngày đầu tháng 10, các lao động Việt Nam tại Nhật Bản cảm thấy hoang mang khi hàng tỷ đồng của họ đặt mua vé về quê dịp Tết Nguyên đán 2019 có thể đã bị chiếm đoạt bởi một đối tượng tại Việt Nam thông qua hình thức bán vé máy bay giá rẻ.
Nội dung đơn tố cáo của hàng chục lao động này cho thấy, đối tượng lừa đảo giới thiệu là giảng viên của một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, có nhiều quan hệ nên có khả năng mua được vé máy bay giá rẻ hơn nhiều các đại lý bán vé khác. Với cam kết trả hoa hồng từ 7,5-10%, đối tượng này đã tạo được một mạng lưới khách hàng đông đảo tại Nhật. Thậm chí, một số lao động còn đứng ra thu gom danh sách mua vé với tổng trị giá tiền lên đến cả tỷ đồng.
Hiện nay, chính sách của các hãng bay đều cho phép khách đặt vé sẽ được giữ chỗ trong vòng 24h cùng với mã đặt chỗ, sau đó khách phải thực hiện bước xuất vé - tức là chuyển tiền cho hãng hàng không để lấy vé máy bay. Lợi dụng chính sách này, đối tượng lừa đảo sẽ lấy mã đặt chỗ và chuyển cho khách hàng làm tin.
Rất nhiều khách hàng lầm tưởng mình đã có vé khi cầm mã đặt chỗ trên tay, và nhanh chóng thanh toán 100% tiền cho đối tượng. Thực tế các đối tượng lừa đảo sau khi nhận tiền của khách hàng đã không thanh toán với hãng hàng không và để cho mã đặt chỗ tự hủy sau khi hết hạn.
Hoặc tinh vi hơn, nhiều đối tượng vẫn tiến hành thanh toán, xuất vé cho khách, nhưng sau đó hoàn vé (hủy vé, không đi nữa) để nhận lại toàn bộ số tiền mua vé và chỉ phải chịu mất 01 khoản chi phí nhỏ làm thủ tục hoàn vé.
Mặc dù các thủ đoạn trên là phương thức chung, nhưng thực tế đối tượng lừa đảo sẽ biến tấu, thay đối cách tiếp cận tùy mức độ hiểu biết của khách hàng. Ghi nhận của VNA cho thấy, với các khách hàng ít hiểu biết về công nghệ, chúng có thể yêu cầu khách thanh toán vé máy bay bằng phần mềm chuyển tiền, đưa ra các hướng dẫn sai lệch và khi khách hàng gặp khó khăn, chúng sẽ đề nghị chuyển tiền trực tiếp cho chúng để “giúp thanh toán”.
3 cách tránh mua nhầm vé giả được khuyến cáo
Theo khuyến cáo của các hãng hàng không, để tránh mua nhầm vé giả, bạn nên mua vé bằng 1 trong 3 phương thức sau: Mua trực tiếp trên website chính thức của hãng bay, mua tại các phòng vé của hãng trong và ngoài nước hoặc tại các đại lý chính thức của Hãng trong và ngoài nước. Ngoài ra, khách hàng cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé. Đây là chứng từ khách hàng dùng để bảo vệ quyền lợi cho mình.
2 hàng hàng không vừa đưa ra khuyến cáo với các khách hàng mua vé dịp cuối năm |
Phòng vé và danh sách các đại lý chính thức của Vietnam Airlines, có đăng ký kinh doanh hợp pháp tại nước sở tại được cập nhật thường niên trên website của hãng tại mục Đối tác bạn hàng/Thông tin đại lý (ở cuối website). Với đại lý bán vé, khách hàng có thể tìm hiểu giấy chứng nhận đại lý chính thức của Vietnam Airlines tại nơi mua vé, lưu ý địa chỉ trên giấy chứng nhận và địa chỉ trụ sở đại lý phải trùng khớp với nhau. Với Jetstar Pacific, hành khách có thể liên hệ tổng đài 19001550 để tìm hiểu thông tin phòng vé, đại lý chính thức.
Để bảo đảm hơn, khách hàng có thể liên hệ tổng đài 19001100 hoặc nhắn tin cho fanpage chính thức của hãng https://www.facebook.com/VietnamAirlines/ (các kênh đều hoạt động 24/7) để trực tiếp kiểm tra tình trạng chỗ/vé của mình đã được đảm bảo chưa.
Cách kiểm tra rất đơn giản, khách hàng chỉ cần đọc mã đặt chỗ hoặc số vé của mình và hỏi nhân viên hãng vé máy bay mã vé/số vé này có sử dụng để bay được không? Nếu nhân viên xác nhận mã đặt chỗ/ số vé đã hợp lệ thì bay bình thường, còn nếu ngược lại thì phải báo ngay cho phòng vé, đại lý vé máy bay để kịp thời xử lý. Hành khách của Jetstar Pacific cũng có thể gọi 19001550 để thực hiện tương tự.