Sau khi mua xe thì “dứt khoát chia tay không gặp”
Theo nguyên đơn, do có mối quan hệ bạn bè nên đầu tháng 4/2023, cô gái có hỏi mượn ông 2,995 tỷ đồng, không có lãi suất, để phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Việc cho mượn bằng hình thức chuyển khoản từ tài khoản cá nhân của người đàn ông, sang tài khoản cá nhân của cô gái.
Từ ngày 14/4 - 1/7/2023, người đàn ông đã 7 lần chuyển khoản cho cô gái tổng số 2,995 tỷ đồng. Trong đó số tiền chuyển khoản vào ngày 20/4 là nhiều nhất, với 2,2 tỷ đồng.
Người đàn ông cho rằng khi mượn tiền, cô gái nói khi nào bên cho vay cần lấy lại thì điện thoại, sẽ thu xếp trả ngay. Nhưng nguyên đơn đã nhiều lần gọi điện yêu cầu trả tiền, mà cô gái mới trả 495 triệu và đến nay người đàn ông không liên lạc được với cô gái. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu buộc cô gái phải trả số tiền còn nợ là 2,5 tỷ đồng; không tính lãi.
Trước đó, cơ quan tố tụng đã thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” với tài sản của cô gái là xe ô tô nhãn hiệu BMW X3 sản xuất 2022 (đăng ký năm 2023) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Phía bị đơn cho rằng từng có khoảng thời gian “sống chung” với người đàn ông. Khoảng tháng 4/2023 cô gái cho rằng được nguyên đơn hứa tặng cho 1 xe ô tô làm quà sinh nhật. Điều đáng lưu ý, sinh nhật của cô gái là ngày 30/1, nghĩa là… 3 tháng trước đó.
Bị đơn cho rằng “trước khi chốt được xe và giá cả đều là nguyên đơn quyết định, riêng có tiền thì chuyển vào tài khoản cá nhân tôi để chuyển theo hợp đồng mua xe mà nguyên đơn là người quyết định”. Cô gái cho rằng đến ngày 25/6/2023, thì “dứt khoát chia tay không gặp nguyên đơn dù chỉ một lần cho đến nay”, bản án nêu rõ.
Phía cô gái còn cung cấp một số chứng từ giao dịch tại một ngân hàng khác, thể hiện từ 18/4/2020 đến giữa năm 2022, nguyên đơn đã nhiều lần chuyển tiền cho bị đơn, lần ít nhất 10 triệu, lần nhiều nhất 54 triệu đồng; và nhiều lần đều có nội dung như “Quà 8/3”, “Mua Chanel”… Từ đó, cô gái cho rằng “các khoản tiền này đều do nguyên đơn chuyển cho bị đơn để tiêu xài cá nhân”, “nguyên đơn chuyển tặng cho và chu cấp cho bị đơn trong thời gian sống chung như vợ chồng”; cho rằng số tiền 2,995 tỷ đồng trên cũng là tặng cho; “khẳng định không có vay mượn tiền của nguyên đơn”.
Nguyên đơn rạch ròi các khoản tặng cho - vay mượn
Không đồng ý với quan điểm của cô gái, phía người đàn ông giải thích khoản nào tặng cho thì rõ ràng tặng cho, khoản nào vay mượn thì rõ ràng vay mượn.
Các giao dịch chuyển 2,995 tỷ đồng từ 14/4 - 1/7/2023 cho cô gái không phải là tặng cho; mà là vay mượn. Riêng với các giao dịch chuyển tiền cho cô gái từ 18/4/2020 - 31/5/2022 là sử dụng số tài khoản khác và ngân hàng khác, thì không liên quan đến nội dung khởi kiện.
Tại phiên xử, HĐXX xác định vụ kiện chỉ liên quan đến số tiền 2,995 tỷ đồng người đàn ông đã chuyển khoản cho cô gái trong thời gian gần 3 tháng. Tại phiên tòa, phía bị đơn thừa nhận có nhận số tiền trên; nên đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật TTDS. “Nguyên đơn là chủ sở hữu với số tiền 2,995 tỷ đồng đã chuyển giao cho bị đơn thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định pháp luật. Nội dung giao dịch không thể hiện tặng cho, hay cho bị đơn mượn, nên nguyên đơn đòi lại tài sản là có căn cứ”, Tòa nhận định.
Với các chứng cứ bị đơn đưa ra là các giao dịch khác tại ngân hàng khác có thể hiện là “quà”, Tòa nhận định không thể dựa vào những điều này mà suy đoán việc người đàn ông chuyển 2,995 tỷ nêu trên là để tặng cho.
Vụ án này còn có một người làm chứng, cho biết khi đến Cty mua bán ô tô, thì tất cả các hợp đồng, trả tiền đặt cọc, giao nhận tiền, đều do cô gái thực hiện.
Từ những căn cứ trên, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người đàn ông, buộc cô gái phải trả cho người đàn ông số tiền còn thiếu là 2,5 tỷ đồng. Tòa tiếp tục phong tỏa chiếc xe BMW X3 đứng tên cô gái cho đến khi cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Cô gái phải trả án phí 82 triệu đồng.
Trong vụ kiện này, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) lưu ý, là quan điểm của phía cô gái tại phiên tòa một số lần thể hiện “sống chung như vợ chồng” với nguyên đơn. LS Hiệp cho biết đây là quan điểm chưa phù hợp.
Theo khoản 7 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014, thì “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Tuy nhiên, khái niệm như trên là chung chung, nên mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC đã hướng dẫn cụ thể hơn, theo đó chung sống như vợ chồng là: “Việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình”.
“Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc: Có con chung; Được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng; Có tài sản chung; Đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”.
“Trong vụ kiện này, do quan hệ giữa nguyên đơn và bị đơn là gì không liên quan vụ án, nên HĐXX không cần thiết xác định rạch ròi, nhưng tôi cho rằng không có chứng cứ cho thấy hai bên từng có lúc nào “chung sống như vợ chồng”. Cần phải hiểu rõ khái niệm như vậy để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của cả hai bên nguyên và bị đơn”, LS Hiệp nói.