113/154 vướng mắc là từ Luật THADS
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Luật THADS sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015) đã tiếp tục tạo dựng một hành lang, khung khổ pháp lý vững chắc, ổn định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho việc triển khai hoạt động THADS trên toàn quốc.
Những kết quả THADS đạt được đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích phong trào khởi nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương. Tuy nhiên, Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được đánh giá, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Báo cáo của Tổng cục THADS cho biết, qua phân loại có 154 vướng mắc mà địa phương đề nghị. Trong đó, phân loại theo văn bản có 113 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật THADS, có 17 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có 24 nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến công tác THADS.
Kết quả xử lý, có 30 vướng mắc cần xây dựng công văn hướng dẫn. Đây là những vướng mắc do pháp luật chưa quy định thực sự cụ thể hoặc đã được Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định nhưng trong quá trình thực hiện, cơ quan THADS địa phương còn hiểu chưa thống nhất. Đối với các vướng mắc này, Tổng cục đã ban hành công văn hướng dẫn giải quyết 18 vướng mắc, 12 nội dung còn lại sẽ tiếp tục hướng dẫn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, có 53 nội dung vướng mắc cần được nghiên cứu tổng thể để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế. Ngoài ra, còn 71 nội dung đã được pháp luật quy định mà địa phương vẫn còn thắc mắc, chưa hiểu rõ, song không cần hướng dẫn chỉ cần giải đáp đăng tại mục “Nghiên cứu, trao đổi”, mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Cổng thông tin điện tử THADS.
Phát sinh một số vướng mắc theo quy định mới có liên quan
Cùng nêu lên những vướng mắc trong toàn bộ quá trình thi hành án (THA), chủ yếu vào nhóm vấn đề về trình tự, thủ tục tổ chức THA, các đại biểu đã thẳng thắn đề xuất phương án giải quyết, xử lý. Chẳng hạn như một trong những vướng mắc mới đây nhất là liên quan đến quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
Điều 56 Luật Đấu giá tài sản quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải được công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá. Tuy nhiên, Điều 101 Luật THADS quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày định giá tài sản phải ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Việc quy định thời hạn 10 ngày là quá ngắn và bất hợp lý, không đủ thời gian để chấp hành viên thông báo và cho các đương sự thỏa thuận. Bởi chính Điều 101 Luật THADS cho phép các đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức đấu giá trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày định giá.
Do vậy, Tổng cục THADS đưa ra phương án giải quyết theo hướng trong khi chờ sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật thì khi ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá tài sản, chấp hành viên phải thỏa thuận và ghi trong nội dung hợp đồng về ngày giao chứng thư thẩm định giá cho cơ quan THADS. Đồng thời, ngay khi nhận được chứng thư thẩm định giá, chấp hành viên phải thực hiện thông báo ngay cho các đương sự về kết quả của chứng thư, về việc thỏa thuận tổ chức đấu giá…
Hay về thứ tự thanh toán tiền THA, rất nhiều ý kiến phản ánh vướng mắc từ thực tế thi hành theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Cụ thể, Điều 12 Nghị quyết 42 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là chưa phù hợp trong trường hợp kê biên, xử lý tài sản là nhà ở duy nhất của người phải THA.
Trong khi đó, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn xử lý các khoản thuế về việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm cũng như các khoản thuế liên quan đến tài sản bảo đảm mà người phải THA đang nợ làm ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, đây là vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tế kể từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực thi hành. Có điều, vị đại diện khẳng định Nghị quyết đã nêu rất rõ ràng về việc THADS chưa xong thì phải áp dụng quy định Nghị quyết. Vì thế, trước mắt các cơ quan THADS cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết.
Mặc dù những năm vừa qua, kết quả công tác THADS đã được ghi nhận nhưng rõ ràng vẫn có những nội dung chưa phù hợp, khó đi vào cuộc sống mà chúng ta đã nhận diện được. Trong đó, có một số nội dung cần đề nghị sửa đổi căn cơ hơn do liên quan đến Luật THADS, có những nội dung thuộc phạm vi nghị định, thông tư liên tịch và thông tư, có những vấn đề có thể thống nhất được và hướng dẫn chung trong toàn quốc.
Ví dụ, vấn đề ủy thác THA đang rất bất cập hiện nay, đặc biệt liên quan đến án tham nhũng, kinh tế lớn như có việc liên quan tới 16 tỉnh, thành mà chúng ta cứ “chờ đến lượt” thì làm sao thu hồi tài sản được hay vấn đề cấp dưỡng là do thủ tục rườm rà của thông tư khi quy định hàng năm phải ra quyết định, người được THA phải làm đơn…, đòi hỏi xem xét nghiêm túc để tạo điều kiện thuận lợi trong công việc cho đội ngũ cán bộ THA.
Với Luật THADS, rõ ràng chúng ta chưa sửa đổi ngay được nhưng với Nghị định 62, sau 3 năm thực hiện thì Tổng cục phải có kế hoạch tổng kết, đề xuất những nội dung cần giải quyết thuộc phạm vi Nghị định, còn lại hướng dẫn trong các thông tư để tháo gỡ cho địa phương. Với Nghị quyết 42, đây là nghị quyết rất đặc thù để xử lý tình huống nên các cơ quan THADS phải tập trung thực hiện tốt, vướng mắc của địa phương thì Tổng cục phải đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Phó Vụ trưởng Vụ 11 (VKSNDTC) Nguyễn Chí Dũng: Cam kết phối hợp hướng dẫn những vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật
Chỉ tính đến những khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật đối với việc tổ chức cưỡng chế THA mà tài sản là đất đai, nhà ở trong năm 2016, VKSND 63 địa phương đã tiến hành kiểm sát hơn 31,6 triệu vụ việc THADS liên quan đến tài sản THA là đất đai và nhà ở. Trong đó, theo thống kê chưa đầy đủ thì số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế là 5.557 vụ việc. Qua đây, VKSND các cấp đã phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan THADS cũng như các cơ quan hữu quan và kịp thời ban hành các văn bản yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm.
Trên thực tế, cũng còn có những đơn vị chưa phát hiện vi phạm trong nhận thức và áp dụng pháp luật hoặc chưa tập hợp đầy đủ thông tin để phản ánh. Vụ 11 sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng các quy định pháp luật về THADS của VKSND cũng như cơ quan THADS các cấp để phối hợp với Tổng cục THADS và các cơ quan hữu quan tập hợp đề nghị hướng dẫn để thống nhất thực hiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hải Phòng Lương Văn Lịch: Đủ 2 điều kiện mới được từ chối yêu cầu là gây khó cho cơ quan THADS
Để tạo điều kiện cho người phải THA là phạm nhân có thể được xem xét giảm chấp hành hình phạt, xem xét đặc xá theo quy định của pháp luật, Nghị định 62 bổ sung quy định giải quyết trường hợp phạm nhân là người phải THA, thân nhân của họ hoặc người được họ ủy quyền yêu cầu THA tự nguyện nộp tiền, tài sản THA.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS và khoản 4 Điều 7 Nghị định 62 thì cơ quan THADS từ chối yêu cầu THA trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người được THA và nghĩa vụ phải THA. Việc quy định cơ quan THADS từ chối yêu cầu THA phải có đủ 2 điều kiện như vậy gây khó khăn cho cơ quan THADS. Từ đó, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi quy định trên theo hướng chỉ cần 1 trong 2 điều kiện nêu trên thì cơ quan THADS có quyền từ chối yêu cầu THA.
Đại tá Tăng Đình Năm – Cục THA, Bộ Quốc phòng: Có nguyên tắc chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính
Nguyên tắc ra quyết định THA cấp dưỡng theo định kỳ có vẻ như lại quay ra “hành” dân. Ví dụ, trường hợp cấp dưỡng cho bố mẹ, con của nạn nhân, cấp dưỡng nuôi con trong ly hôn, người dân phải làm đơn yêu cầu hàng năm nên họ phản đối khá nhiều. Nguyên tắc trên mới đơn giản cho cơ quan nhà nước mà chưa đơn giản cho người được THA, chưa thực sự cải cách hành chính.
Không những thế, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến về quy định xử lý vi phạm hành chính tại Nghị định 110. Hiện nay, chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan THADS các cấp, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS có quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng Cục trưởng Cục THA Bộ Quốc phòng lại không có thẩm quyền này.