Nhan nhản vi phạm
Trên nhiều trục giao thông của Thủ đô, hễ bước vào thời điểm tan tầm, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy lại ào ào đổ ra đường. Diện tích mặt đường có hạn, dẫn đến nhiều xe máy đi lên vỉa hè – không gian chỉ dành riêng cho người đi bộ. Vi phạm giao thông tại đường Hồ Tùng Mậu là một ví dụ. Tại trục đường này, thời điểm tan tầm từ 16h – 19h mỗi ngày, thường xuyên tái diễn hiện tượng xe máy “vô tư” leo lên vỉa hè.
Đáng nói, dù vỉa hè khu vực này cao hơn so với mặt đường gần 20cm, nhưng các chủ phương tiện vẫn cố “tăng ga”, len lỏi để cho xe vượt lên vỉa hè. Để tự đảm bảo an toàn cho bản thân, người đi bộ trên tuyến đường này ngoài việc phải tránh né các phương tiện, để di chuyển được họ cũng buộc phải len lỏi qua những xe máy vi phạm.
Nghiêm trọng hơn, cũng trên trục đường này, tại đoạn ngã tư Hồ Tùng Mậu giao với phố Trần Vỹ và phố Lê Đức Thọ nhiều xe máy nối đuôi nhau đi ngược
chiều hết sức nguy hiểm. Theo ghi nhận, do khu vực này đang trong quá trình hoàn thiện tuyến đường sắt trên cao nên một số điểm giao thông bị co hẹp. Hệ lụy là, vào những khung giờ cao điểm, lượng phương tiện di chuyển trên tuyến đường lớn khiến các phương tiện di chuyển khó khăn.
Tình trạng xe máy leo lên vỉa hè, lấn chiếm làn đường của người đi bộ trong giờ cao điểm sáng, chiều diễn ra khá phổ biến tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội. Điển hình là trên tuyến đường Tố Hữu, Nguyễn Trãi đoạn trước cửa Học viện An ninh, hay trên tuyến đường Nguyễn Phong Sắc đoạn cổng sau Học viện Báo chí tuyên truyền.
Theo ghi nhận, vào khung giờ cao điểm chiều, nút giao Nguyễn Phong Sắc- Xuân Thủy thường xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Nhiều người điều khiển xe máy không đủ kiên nhẫn đã leo lên vỉa hè mong nhanh chóng thoát ra khỏi điểm ùn tắc. Tuy nhiên, không ít lần, lượng phương tiện xe máy đi lên quá đông, gây ùn tắc ngay trên vỉa hè. Trong khi đó, khu vực này có một nhà chờ xe buýt và hàng ngày rất đông sinh viên thường xuyên đi bộ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tương tự, tại các trục đường như: Trường Chinh hướng đi Giải Phóng; phố Chùa Bộc… tình trạng vỉa hè biến thành “lòng đường”, xe máy lưu thông lấn làn cũng diễn ra phổ biến. Tại những khu vực này, tiếng bấm còi inh ỏi, giành nhau từng khoảng trống… làm không ít người đi bộ hoảng sợ. Dù chưa có thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng về những vụ tai nạn liên quan, xảy ra do những hành vi trên nhưng về lâu dài, nếu không sớm được chấn chỉnh sẽ gây ra hiện tượng “nhờn” luật, mất an toàn giao thông.
Cần sớm chấn chỉnh
Khách quan nhìn nhận, hành vi leo lên vỉa hè như thường thấy trên một số tuyến phố sẽ gây nguy hiểm với những xe gầm thấp cố leo lên những vỉa hè cao hơn mặt đường. Dễ thấy nhất là khi cố leo lên hoặc lao xuống một vỉa hè cao, chuyện ngã, đổ xe, hay va đập gầm xe gây hỏng hóc hoàn toàn có thể xảy ra.
Trao đổi thêm về vấn đề xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi đi xe máy lên vỉa hè dành cho người đi bộ, theo Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 7 Nguyễn Đức Thắng, quy định của Nghị định 46, đối với trường hợp người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.
Trường hợp điều khiển ô tô đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Trong trường hợp, nếu đi xe trên vỉa hè gây tai nạn thì lái xe còn chịu thêm hình phạt bổ sung là tịch thu giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Theo Luật sư Lê Thế Vinh – Đoàn Luật sư Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự an toàn giao thông, các ngành chức năng liên quan cần đẩy mạnh, cho phép sử dụng phương tiện nghiệp vụ (camera ghi hình - PV) để xử phạt hành chính, xử lý vi phạm qua hình ảnh.
Ngoài ra, đối với tình trạng xe máy tràn lên không gian của người đi bộ đã đến lúc cần suy nghĩ một khung phạt cụ thể và có hướng tăng nặng nếu tái vi phạm. Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại mà chủ lực là xe buýt./.